A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều nỗ lực của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường

Tỷ lệ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp có nhận thức về sản xuất xanh tăng từ 28% năm 2010 lên 46,9% năm 2020. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%, mục tiêu đạt tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định ở mức từ 42% đến 43%, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính. Trên cả nước xuất hiện ngày càng nhiều các dự án đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Mục tiêu hướng tới là tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 25-30% vào năm 2045.

Toàn cảnh diễn đàn (Ảnh: TCCT)

Đó là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững” năm 2024 do Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam tổ chức ngày 8/12.

Tham gia diễn đàn có các đại diện Lãnh đạo của Ban Dân vận Trung ương, Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội, Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương; Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp – Bộ Công Thương và các doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu trong nhiều lĩnh vực trên cả nước.

Sự kiện nhằm ghi nhận những nỗ lực tiêu biểu trong lĩnh vực phát triển kinh tế xanh và bảo vệ môi trường, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của xu hướng phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu.

Ông Trần Văn Lượng, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: Congnghieomoitruong.vn)

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Trần Văn Lượng, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam khẳng định, kinh tế xanh, phát triển bền vững đang là xu thế chuyển dịch tất yếu của thế giới, là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn và hướng tới. Ở Việt Nam, tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “… chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường…”. Như vậy, với quyết tâm chính trị cao, Đảng và Nhà nước ta đã đặt ra mục tiêu xây dựng nền kinh thế xanh trong hành trình phát triển bền vững cho tương lai, theo xu thế chung của toàn cầu.

"Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 là sự kiện nhằm ghi nhận những nỗ lực của các tổ chức, cá nhân trong phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường. Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam kết nối, chia sẻ, lan tỏa và có đề xuất với cơ quan chức năng nhằm thúc đẩy kinh tế xanh phát triển; bên cạnh đó, Ban tổ chức chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 biểu dương các tổ chức, cá nhân tiên phong trong phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, thực hiện tốt an sinh xã hội"- ông Lượng nhấn mạnh.

Top 10 thương hiệu xanh Việt Nam năm 2024 (Ảnh: TCCT)

Theo Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam, năm 2024, cũng là năm ghi dấu mốc tròn 20 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết đưa ra 7 nhóm giải pháp chính để bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó có nội dung “hình thành và phát triển ngành Công nghiệp môi trường”. Sau 20 năm, ngành Công nghiệp môi trường Việt Nam đã được định hình rõ nét, có nhiều đóng góp tích cực và hiệu quả về kinh tế, môi trường và xã hội.

Chiến lược Phát triển kinh tế xanh (giai đoạn 2011-2021), Việt Nam đã ghi nhận một số những thành tựu nhất định như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 10 năm (2011-2021) ở mức 5,65%, lượng phát thải khí nhà kính giảm 12,9% so với kịch bản phát triển bình thường. Năng lượng tiêu hao tính trên GDP trung bình giảm 1,8%/năm. Tỷ lệ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp có nhận thức về sản xuất xanh tăng từ 28% năm 2010 lên 46,9% năm 2020. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%, mục tiêu đạt tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định ở mức từ 42% đến 43%, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính.

Thực tế cho thấy, trên cả nước xuất hiện ngày càng nhiều các dự án đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Mục tiêu hướng tới là tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 25-30% vào năm 2045.

Mặc dù vậy, theo Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam, vẫn còn một số hạn chế trong công tác triển khai như: Nhận thức về kinh tế xanh ở Việt Nam vẫn còn mới, chưa rõ ràng; chủ thể kinh tế xanh là nguồn nhân lực xanh chưa đủ đáp ứng nhu cầu phát triển… Nguồn lực xanh triển khai các kế hoạch, chương trình chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; khung pháp lý xanh vẫn chưa thật sự đồng bộ, công tác quản lý thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh ở các ngành, vùng và địa phương trên cả nước chưa thật sự liên kết và thống nhất với nhau.

Phương tiện để hiện thực hóa kinh tế xanh, so với thế giới thì dây chuyền sản xuất và công nghệ ở Việt Nam phần lớn là công nghệ cũ và lỗi thời, tiêu tốn khá nhiều nhiên liệu, năng lượng. Do đó, việc áp dụng dây chuyền sản xuất hiện đại và công nghệ tiên tiến vào nền kinh tế xanh là thách thức lớn cho Việt Nam, rất cần có nguồn nhân lực chất lượng cao đảm nhiệm.

Cũng tại Diễn đàn, bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc cung ứng Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC chia sẻ: Trong quá trình phát triển, VNVC luôn hướng đến mục tiêu bền vững và hài hòa để đảm bảo các yếu tố bảo vệ môi trường với nhiều hoạt động thiết thực, điều này đã trở thành nếp văn hóa tốt tại VNVC.

VNVC là hệ thống tiêm chủng tiên phong có hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin đạt chuẩn quốc tế GSP với 4 kho lạnh tổng, hàng trăm kho lạnh tại mỗi trung tâm, gần 40 xe lạnh chuyên dụng vận chuyển vắc xin cùng hàng nghìn thiết bị bảo quản vắc xin chuyên dụng. Để vận hành dây chuyền lạnh này, VNVC luôn nỗ lực sáng kiến quy trình nhằm giảm thiểu phụ thuộc mạng lưới điện quốc gia.

Không chỉ vậy VNVC luôn trăn trở trong việc làm sao để giảm tác động gây ra do khí thải carbon trong quá trình vận chuyển vắc xin bằng hệ thống xe lạnh chuyên dụng được thiết kế lộ trình di chuyển ngắn và quy định tốc độ di chuyển an toàn để kiểm soát lượng khí thải vận chuyển”, bà Vũ Thị Thu Hà bày tỏ.

Trong khi đó, ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec - chia sẻ, chúng tôi chung tay xây dựng thành công khu công nghiệp sinh thái theo đúng nghĩa tại Nam Cầu Kiền, mang niềm tự hào này từ Hải Phòng truyền cảm hứng cho các Nhà đầu tư trong cả nước có cách nhìn đầu tư bền vững, đầu tư cho tương lai phát triển kinh tế gắn chặt với bảo vệ môi trường. Từ đó tạo ra nhiều hệ sinh thái cộng sinh đem niềm hạnh phúc đến cho mọi người.

Cũng tại Diễn đàn, đã vinh danh tổ chức, cá nhân tiên phong trong phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, thực hiện tốt an sinh xã hội.

Diễn đàn Kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững 2024 do Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam tổ chức đã diễn ra thành công, thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Đồng thời, cũng khẳng định sự đồng thuận mạnh mẽ từ các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc thúc đẩy kinh tế xanh. Với quyết tâm chính trị cao, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn, bền vững, lấy bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân làm trọng tâm.

Top 10 doanh nghiệp Xanh và phát triển bền vững năm 2024, gồm: Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC; Ngân hàng TMCP Nam Á; Công ty CP - Tổng công ty nước - Môi trường Bình Dương; Công ty cổ phần dược phẩm OPC; Công ty Cổ phần shinec; Công ty Cổ phần Đại Việt Hương; Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên; Công ty CP PTĐT Sài Gòn Tây Bắc; Công ty TNHH vận tải Việt Thuận; Công ty TNHH văn phòng phẩm Thuận Nam.

 


Tác giả: Kim Ngân

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website