Doanh nghiệp tìm động lực tăng trưởng từ ESG, hướng tới phát triển bền vững
Những năm gần đây, thuật ngữ ESG đã ngày càng phổ biến và xuất hiện ngày càng nhiều. Vậy ESG là gì? Vì sao ESG được cả thế giới quan tâm, và Việt Nam không thể nằm ngoài xu hướng đó?
Thực hành ESG mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp
Theo Sáng kiến báo cáo toàn cầu (Global Reporting Initiative) ESG là viết tắt của Environmental (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị) - là bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp trong quá trình vận hành. ESG đóng vai trò như kim chỉ nam giúp các bên liên quan hiểu rõ cách thức doanh nghiệp quản lý các rủi ro cũng như cơ hội ở ba khía cạnh này.
Dữ liệu về ESG sẽ giúp các doanh nghiệp tăng tính minh bạch, nắm bắt các rủi ro phi tài chính và cơ hội đối với hoạt động hàng ngày.
Trong ESG, Environmental (Môi trường) là yếu tố đầu tiên được nhắc đến. Khía cạnh môi trường của ESG liên quan đến cách thức hoạt động của một doanh nghiệp hoặc tổ chức với tư cách là người quản lý môi trường tự nhiên, tập trung vào tất cả khía cạnh của tính bền vững, bao gồm chất thải và ô nhiễm, khai thác tài nguyên, phát thải khí nhà kính, phá rừng, biến đổi khí hậu…
Thực hành ESG mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp đã nhận ra rằng nếu không hành động có trách nhiệm với tư cách là thành viên của cộng đồng toàn cầu, họ sẽ làm trầm trọng thêm tác động của biến đổi khí hậu, khiến không chỉ hành tinh của chúng ta mà cả khả năng hoạt động của họ gặp rủi ro. Thay vì coi tác hại môi trường là hậu quả tất yếu của hoạt động kinh doanh, họ trở thành một phần của giải pháp.
Thực hành ESG mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, bởi lẽ, việc tập trung vào ESG sẽ giúp doanh nghiệp nhận diện và giảm thiểu các rủi ro liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị. Hơn nữa, việc đưa ESG vào hoạt động thực tiễn sẽ thúc đẩy doanh nghiệp hướng tới các phương pháp hoạt động bền vững và tiết kiệm chi phí hơn. Quá trình chuyển đổi này đòi hỏi doanh nghiệp phải có nhìn nhận đúng đắn về ESG cũng như chủ động hơn trên hành trình này.
Phát triển bền vững đang được xem là xu thế tất yếu và là trọng tâm trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia và doanh nghiệp. Trong đó, việc thực hành ESG để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng dần trở thành hoạt động quan trọng của doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, ESG ngày càng được quan tâm rộng rãi, phần lớn là nhờ sự nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy thực hành các thông lệ liên quan đến ESG và sự gia tăng nhu cầu của nhà đầu tư với đầu tư bền vững.
Báo cáo ESG tại Việt Nam do PwC công bố năm 2022 cho thấy, 80% công ty được khảo sát có kế hoạch cam kết ESG trong vòng 2 đến 4 năm tới. Do đó, việc công bố dữ liệu và báo cáo ESG sẽ trở nên phổ biến hơn và sẽ trở thành xu thế của tương lai.
Ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu thân thiện môi trường
Tại Hội thảo “Tìm động lực tăng trưởng từ ESG” tổ chức ngày 23/5, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho rằng, bài toán tăng trưởng đối với cộng đồng doanh nhiệp, vốn chưa bao giờ dễ dàng, nay càng trở nên thách thức hơn. Đạt được mục tiêu tăng trưởng tự thân nó đã là thách thức lớn, song tăng trưởng phải đi đối với bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm với xã hội gắn với thực hành quản trị tốt dường như càng là vấn đề nan giải bởi đi kèm là chi phí gia tăng, các điều kiện hoạt động trở nên khắt khe và phức tạp khiến lợi nhuận giảm sút, khả năng cạnh tranh yếu hơn. Câu hỏi về sự tồn tại trong môi trường cạnh tranh đầy biến động càng trở nên hóc búa với rất nhiều doanh nghiệp.
Đồng tình với quan điểm đó, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rặng, thúc đẩy tăng trưởng xanh là một xu thế cấp thiết, là động lực để tăng trưởng kinh tế, là then chốt nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
“Các doanh nghiệp lớn đều tích hợp tiêu chí ESG trong quá trình phát triển và đây là cuộc chơi bắt buộc với các doanh nghiệp nếu muốn đi dài hơi”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, những năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam, như sử dụng năng lượng sạch, nguyên vật liệu thân thiện môi trường, đầu tư những dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ cao, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu khí thải, thực hiện ESG…
Tuy nhiên, nhấn mạnh về khía cạnh này, Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình này, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và sự phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam. Theo Thứ trưởng, với tiềm năng, vị thế địa kinh tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn trong tăng trưởng xanh để có thể chuyển mình, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, đi tắt đón đầu và tạo đà cho một bước nhảy vọt về phát triển kinh tế - xã hội và môi trường.
Các doanh nghiệp cũng vậy, đang có cơ hội to lớn để chuyển mình, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Doanh nghiệp Việt nếu muốn tiếp tục tham gia vào các thị trường lớn thì phải nhận diện được những quy định liên quan đến ESG, nếu không sẽ đánh mất tiềm năng hội nhập vào chuỗi giá trị quốc tế. Hiểu rõ về ESG sẽ mang tới cho các doanh nghiệp Việt những cơ hội to lớn hơn.
Trong nỗ lực toàn cầu hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0, các quốc gia đã và dự kiến sẽ tiếp tục đưa ra các quy định ngày càng chặt chẽ về tiêu chuẩn ESG, trong đó có các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như châu Âu, Mỹ, Australia…, buộc các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải có các thay đổi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.