A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội: Tăng cường triển khai phân loại rác thải sinh hoạt theo lộ trình

Theo chỉ đạo của Thành phố, các quận, huyện có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn và triển khai phân loại rác thải sinh hoạt theo lộ trình phù hợp, triển khai thí điểm tại một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, công tác thu gom...

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Văn bản 426/UBND-ĐT về công tác đặt hàng, đấu thầu duy trì vệ sinh môi trường giai đoạn từ năm 2021 trên địa bàn thành phố.

Trên cơ sở báo cáo kết quả rà soát, đánh giá công tác đặt hàng, đấu thầu duy trì vệ sinh môi trường giai đoạn từ năm 2021 trên địa bàn thành phố của Sở Xây dựng Hà Nội, UBND thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm về quản lý công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn theo phân cấp với mục tiêu quản lý duy trì vệ sinh môi trường, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn quản lý.

UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương nghiên cứu đầu tư, xây dựng các trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quy mô phù hợp trên địa bàn nhằm nâng cao năng lực thu gom rác theo hướng cơ giới hóa; khuyến khích kêu gọi xã hội hóa đầu tư các trạm trung chuyển hiện đại, không để phát sinh mùi và nước rỉ rác, bảo đảm vệ sinh môi trường quanh khu vực.

Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn và triển khai phân loại rác thải sinh hoạt theo lộ trình phù hợp, triển khai thí điểm tại một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, công tác thu gom, ý thức người dân... theo 2 loại: Rác thải đốt được và rác thải không đốt được. Mục đích của việc phân loại nhằm loại bỏ, giảm thiểu thành phần chất trơ (gạch, đá, cát sỏi, thủy tinh...) trong rác thải sinh hoạt, phù hợp với công nghệ đốt phát điện.

Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn và triển khai phân loại rác thải sinh hoạt theo lộ trình phù hợp, triển khai thí điểm tại một số địa bàn. (Ảnh minh họa)

Cùng với đó, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường phối hợp với Công an thành phố, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan trong kiểm tra, xử lý các vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường...

Được biết, Hà Nội là đô thị lớn thứ 2 trên cả nước (sau TP.HCM), quy mô dân số ước tính khoảng hơn 9 triệu người. Với lượng chất thải rắn sinh hoạt cần xử lý vào khoảng 7.000 tấn mỗi ngày, do đó, vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt không chỉ là thách thức mà còn là vấn đề sống còn đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô hiện nay và trong tương lai.

Theo số liệu thống kê, trong tổng số khoảng 7.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt mỗi ngày, thành phần rác thải thực phẩm chiếm 51,9% (khoảng hơn 3.600 tấn), chất trơ (da, gỗ, cao su…) chiếm 38% (Khoảng 2.700 tấn), lượng chất thải rắn có thể tái chế chiếm 7,1% (khoảng 500 tấn). Chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chủ yếu được thu gom, mang đi chôn lấp chiếm 98%, khoảng 2% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp đốt, không phát điện.

Việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng chôn lấp hay đốt (không phát điện) gây lãng phí một nguồn tài nguyên lớn, trong khi điều kiện kinh tế của nước ta còn nhiều khó khăn, cần tận dụng mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, tránh lãng phí cũng như giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường sống.

Vì vậy, việc phân loại rác tại nguồn là điều kiện tiên quyết để xử lý rác thải hiệu quả và biến nó thành những nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp tái chế. Cùng với đó, phải xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào tái chế rác thải, xây dựng công nghiệp chế biến rác thải…

Trước đó, theo xuất của Sở Xây dựng, đơn vị đã triển khai thực hiện rà soát, đánh giá việc đấu thầu, đặt hàng dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt do UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện từ năm 2021. Thành phần đoàn công tác liên ngành gồm các sở Xây dựng, Tài nguyên - môi trường, Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Lao động - Thương binh và xã hội và Công an TP.

Đoàn công tác thực hiện rà soát hạng mục, khối lượng duy trì vệ sinh môi trường gói thầu, đánh giá tiêu chí hồ sơ mời thầu, rà soát năng lực thiết bị, phương tiện, nhân lực, đánh giá kết quả tổ chức đấu thầu, công tác triển khai thực hiện của nhà thầu sau trúng thầu.

Trong năm 2021, Sở TN&MT Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Theo đó, gần 30% nước thải sinh hoạt được xử lý; 100% các khu, cụm công nghiệp đã xây dựng và vận hành trạm xử lý nước thải tập trung; 99% chất thải nguy hại từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được thu gom, xử lý…


Nguồn:kinhtemoitruong.vn Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website