A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị COP 26: Những tiếng nói lạc quan sau gần 1 tuần họp

Hội nghị  thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã diễn ra gần 1 tuần, với những cam kết mạnh trong chống biến đổi khí hậu. Có những tiếng nói lạc quan từ hội nghị về việc tiến gần hơn mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ tham vọng đặt ra. 

Một trong những thông báo quan trọng tại Hội nghị COP 26 đó là cam kết của lãnh đạo các nước về phát thải ròng bằng 0, trong đó đáng chú ý nhất là cam kết của Ấn Độ, một trong những quốc gia có lượng khí thải cao nhất thế giới, đạt  mức phát thải ròng bằng không vào năm 2070. Thái Lan, Nepal, Nigeria và Việt Nam cũng cam kết đưa ra mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong khi Argentina, Brazil, Guyana và Mauritania nằm trong số những nước công bố cập nhật mục tiêu 2030.

Biến đổi khí hậu toàn cầu. Ảnh: NASA.

Biến đổi khí hậu toàn cầu. Ảnh: NASA.

Một kết quả quan trọng khác tại hội nghị là những nỗ lực để ngăn chặn nạn phá rừng vào năm 2030 và đạt được cam kết giảm mức thải khí methane. Một ‘thỏa thuận’ đầu tiên được công bố với hơn 100 nhà lãnh đạo, bao gồm cả Brazil và Trung Quốc, đồng ý chấm dứt và đối phó nạn phá rừng vào năm 2030. Điều quan trọng là các cam kết được đưa ra cùng các nghĩa vụ tài chính đi kèm. 20 quốc gia cam kết chấm dứt tài trợ các dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài cũng là điểm sáng tại hội nghị khi thế giới đang thúc đẩy chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. 

Theo Chủ tịch COP 26 Alok Sharma, thời điểm kết thúc của than đá không còn xa: “Tôi tin rằng chúng ta đang tiến gần đến một giai đoạn mà việc phụ thuộc vào than đá để phát triển sẽ đi vào dĩ vàng.  Một tương lai tươi sáng hơn đang ở gần hơn bao giờ hết, một tương lai của không khí sạch hơn, điện năng rẻ hơn và những việc làm Xanh".

Bất chấp những nhận định khó khăn trước thềm Hội nghị  COP 26, đã có những tiếng nói lạc quan về việc thế giới có thể tiến gần tới mục tiêu tham vọng đặt ra về chống biến đổi khí hậu. Giám đốc Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Biro cho rằng với việc thực hiện tất cả các cam kết đưa ra tại hội nghị cho đến nay, thế giới có thể giới hạn mức tăng nhiệt độ của Trái Đất ở mức 1,8 độ C. Mặc dù chưa đạt được mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu là 1,5 độ C, nhưng điều này cho thấy các nước đang tiến gần đến mục tiêu hơn. Trưởng đoàn đàm phán khí hậu của Ủy ban châu Âu Jacob Werksman cũng đánh giá, còn quá sớm để nói rằng liệu COP 26 đã thành công, nhưng các cuộc đàm phán trong những ngày đầu đạt được những kết quả hứa hẹn. 

Đặc phái viên Mỹ về vấn đề khí hậu John Kerry cũng khẳng định: “Cá nhân tôi tham dự nhiều hội nghị COP nhưng COP 26 lần này cho thấy sự cấp bách và tập trung hơn. Chưa bao giờ trong những ngày đầu tiên của Hội nghị COP lại chứng kiến nhiều sáng kiến và đặc biệt các khoản tài chính cụ thể được đưa ra”.

Lạc quan là vậy nhưng vẫn còn những vấn đề mà COP 26 chưa đạt được đồng thuận đó là vấn đề về tài chính. Bất chấp một số cam kết mới hướng tới huy động 100 tỷ USD hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu, hội nghị COP 26  vẫn chưa đạt được bước tiến lớn trong vấn đề này.

Có thể nói không giống như các hội nghị trước đây, COP 26 có thể không thể hiện sự thành công bằng một Hiệp ước mới hoặc một "chiến thắng lớn",  mà tìm kiếm những chiến thắng nhỏ hơn nhưng quan trọng về các cam kết cắt giảm khí thải, tài chính khí hậu và đầu tư. Và thước đo thành công cuối cùng sẽ được đánh giá dựa trên việc liệu những cam kết nhỏ đó có đủ khả năng thúc đẩy tiến độ duy trì mục tiêu 1.5 C hay không. Hiện COP 26 mới đi được nửa chặng đường và cần huy động những cam kết mạnh mẽ hơn nữa để thế giới có đủ công cụ để bảo vệ hành tinh Xanh./.


Nguồn:VOV1 Copy link

Tin nổi bật

Liên kết website