A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lan tỏa thông điệp ý nghĩa bảo vệ môi trường

Hơn một tháng qua, gian hàng đổi phế liệu lấy thực phẩm sạch dần trở nên quen thuộc với cuộc sống của người dân phường Văn Miếu (quận Đống Đa, Hà Nội). Mô hình ý nghĩa ấy không chỉ giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn mà còn lan tỏa thông điệp ý nghĩa về việc chung tay bảo vệ môi trường trong cộng đồng.

Anh Đỗ Tuấn Anh, người dân phường Văn Miếu đổi phế liệu lấy thực phẩm tại gian hàng

Đều đặn mỗi ngày, khi đồng hồ vừa điểm 6h sáng, ông Trần Ngọc Tuấn (66 tuổi) đã có mặt tại tại gian hàng đổi rác lấy thực phẩm sạch được đặt tại nút giao ngã ba phố Văn Miếu - Nguyễn Khuyến. Là người quản lý gian hàng đặc biệt ấy từ những ngày đầu tiên mở cửa, ông Tuấn tâm sự: “Nhằm lan tỏa tình yêu thương môi trường, bảo vệ không gian sống thêm lành mạnh, từ ngày 22.9 vừa qua UBND Quận Đống Đa đã kết hợp cùng Công ty cổ phần Tư vấn và Phát triển nông thôn Việt Nam (E&CVN) phát động và triển khai Chương trình Đổi phế liệu lấy thực phẩm sạch. Không chỉ là một gian hàng thông thường, việc đổi phế liệu lấy thực phẩm còn chứa đựng nhiều giá trị nhân văn, vừa góp phần bảo vệ môi trường đồng thời có thể giúp đỡ, hỗ trợ lương thực tới những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố”.

Tại cửa hàng, mỗi kg bìa carton, túi nilon được mua lại giá 3.000 đồng, một kg nhựa tái chế, sắt vụn giá lần lượt 3.500 đồng đến 9.000 đồng, vỏ chai nhựa được mua với giá 200 đồng. Tất cả phế liệu đều được người dân phân loại trước ở nhà. Mang đến cửa hàng được phân loại thêm lần nữa rồi đóng bao, cuối ngày có xe đến thu gom. Số tiền từ việc bán phế liệu người dân có thể dùng để quy đổi ra lượng thực phẩm tương ứng. Mỗi ngày gian hàng thu mua trung bình từ 100 đến 150 kg phế liệu, thậm chí có ngày lên đến hơn 200 kg.

Gian hàng Đổi phế liệu lấy thực phẩm sạch tại nút giao Văn Miếu - Nguyễn Khuyến

Tỉ mẩn kiểm tra lại từng bó rau, từng quả bí, từng chiếc túi nilon để đựng đồ cho khách, anh Đỗ Bá Tú thành viên Ban tổ chức chương trình thông tin: “Thực phẩm sử dụng để trao đổi với người dân được chúng tôi cẩn trọng lựa chọn và có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Tiêu chí thực phẩm phải là thực phẩm tươi sạch chất lượng cao tiêu chuẩn Vietgap, đã qua kiểm định, đảm bảo an toàn thực phẩm, không chất bảo quản, không thuốc trừ sâu, không thuốc tăng trưởng. Thêm vào đó, gian hàng cũng đa dạng các loại thực phẩm khác nhau: Thịt, cá, rau của quả, thủy hải sản các loại... để người dân lựa chọn. Nhiều trường hợp là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đến đây, chúng tôi còn tặng miễn phí thực phẩm cho họ để động viên vượt qua mùa dịch. Chương trình không chỉ giúp nông dân có nơi tiêu thụ sản phẩm, người tiêu dùng có thực phẩm tươi, sạch mà còn góp phần gìn giữ môi trường xanh hơn, đẹp hơn”.

Vào những ngày cuối tuần, công việc tại gian hàng càng trở nên bận bịu hơn, khi có nhiều người tranh thủ ngày nghỉ để đưa phế liệu ra để đổi lấy thực phẩm. Bên cạnh đó, rất nhiều các em nhỏ vô cùng thích thúkhi được cùng cũng bố mẹtham quan gian hàng. Ông Tuấn hồ hởi: “Đón nhận những xấp giấy vụn hay những vỏ chai nhựa từ các cháu bản thân tôi thấy rất vui. Và khi được trao lại những bó rau xanh, những củ cà rốt hay những quả cà chua nho nhỏ khiến tôi thực sự thấy ấm áp. Bởi thông qua đó, người lớn không chỉ giáo dục cho các cháu nhỏ về sự yêu thương, tinh thần đùm bọc mà còn hình thành cho các cháu những suy nghĩ hành động tích cực trong việc bảo vệ môi trường”.

Anh Đỗ Tuấn Anh người dân sinh sống trên địa bàn phường Văn Miếu chia sẻ: “Tôi đã từng được nghe về mô hình đổi phế liệu lấy thực phẩm của đất nước Nhật Bản, Mexico, Brazil... Và cũng không nghĩ rằng có một ngày bản thân mình sẽđược được trực tiếp trải nghiệm mô hình ấy ở giữa trung tâm thành phố Hà Nội. Cảm giác thực sự rất đặc biệt. Đây không đơn thuần là câu chuyện trao đổi thông thường mà chứa đựng nhiều giá trị ý nghĩa. Nó gợi nhắc cho chúng ta về một Hà Nội vừa bước ra khỏi những ngày giãn cách xã hội còn nhiều khó khăn nhưng luôn luôn nghĩa tình, sẻ chia, chan chứa nhiều yêu thương, đùm bọc chứ không chỉ có những ồn ào, tấp nập, xô bồ”.

Chương trình đổi phế liệu lấy thực phẩm sạch đang diễn ra tại nhiều điểm tại quận Đống Đa (TP Hà Nội): số 3 Quốc Tử Giám; Trước cổng Lương Văn Sử; số 33 Chu Văn Chương; ngã 3 Văn Miếu Quốc Tử Giám; số 71 Ngô Sĩ Liên; Số 11 Ngô Sĩ Liên...


Nguồn:Báo Văn hóa Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website