Nghiêm túc thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu để bảo vệ môi trường
Sự cố tràn dầu là hiện tượng dầu từ các phương tiện chứa, vận chuyển khác nhau, từ các công trình và các mỏ dầu thoát ra ngoài môi trường tự nhiên do sự cố kỹ thuật, thiên tai hoặc do con người gây ra.
Sự cố tràn dầu rất nghiêm trọng vì khi dầu bị tràn ra trên diện rộng sẽ ảnh hưởng đến nhiều tỉnh, thành phố; đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản, môi trường và đời sống, sức khoẻ của người dân.
Nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, địa phương, doanh nghiệp và người dân về ứng phó sự cố tràn dầu, ngày 24 tháng 3 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg với nội dung ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.
Theo đó, ứng phó sự cố tràn dầu là các hoạt động sử dụng lực lượng, phương tiện, thiết bị, vật tư nhằm xử lý kịp thời, loại trừ hoặc hạn chế tối đa nguồn dầu tràn ra môi trường. Việc ứng phó sự cố tràn dầu được phân loại theo 03 cấp là cấp cơ sở, cấp khu vực, cấp Quốc gia.
Hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu được thực hiện theo 7 nguyên tắc được quy định tại Điều 4 Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg; trong đó, nguyên tắc tích cực chủ động xây dựng kế hoạch, đầu tư trang thiết bị, các phương án hợp đồng để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố tràn dầu được nêu ra đầu tiên.
Nhằm cụ thể hoá quy định của Thủ tướng Chính phủ đối với hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, những năm qua, UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành quy định lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở trên địa bàn.
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu để đảm bảo nền kinh tế và đời sống của mỗi người dân, tuy nhiên, nó cũng tồn tại những nguy cơ về sự cố. Sự cố tràn dầu luôn tiềm ẩn xảy ra từ các hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, lưu chứa, sử dụng, tái chế sản phẩm dầu mỏ.
Sự tồn tại và phát triển của cơ sở xăng dầu đã tạo được công việc làm và thu nhập cho người lao động trong đó đa số là lao động tại địa bàn, tạo nguồn thu cho Ngân sách, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội địa phương. Tuy nhiên, xăng dầu cũng là mặt hàng đặc biệt, rất nhạy cảm đối với sự cố môi trường, nhất là ô nhiễm do dầu tràn. Vì vậy việc đảm bảo an toàn môi trường là điều quan trọng, do đó các cơ sở cần phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố tràn dầu nhằm ngăn ngừa và khắc phục khi xảy ra sự cố tràn dầu.
Nhân viên một CHXD của Petrolimex diễn tập phương án ứng phó sự cố tràn dầu
Theo ghi nhận của cơ quan quản lý nhà nước, đa số các địa phương đã chủ động xây dựng, thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu phù hợp với thực tiễn từng địa phương, nhiều năm qua đã đạt được những kết quả nhất định.
Điển hình như tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh và tăng cường kiểm tra thực hiện kế hoạch ứng phó của các cơ sở, các dự án trên địa bàn. Thời gian qua, Hà Tĩnh đã phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của hơn 122 cơ sở trên địa bàn theo thẩm quyền.
UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết định số 1409/QĐ-UBND quy định cụ thể phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, thời điểm lập, trình thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, thẩm quyền phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, cơ quan thẩm định kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, nội dung cơ bản của kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, thời gian thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu…
Cuối tháng 04 vừa qua, Trung tâm ứng phó sự cố Môi trường Việt Nam đã phối hợp với Sở tài nguyên và Môi trưởng tỉnh Quảng Ngãi tổ chức “Hội thảo tuyên truyền, nâng cao nhận thức phục vụ công tác ứng phó sự cố tràn dầu (UPSCTD) năm 2024”. Hội thảo được tổ chức với mục tiêu tập huấn đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác ứng phó sự cố tràn dầu, nhờ đó, 200 đại biểu tham dự đã được hiểu rõ và có thêm góc nhìn về hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu từ lý thuyết, thực hành đến thực tế ứng phó sự cố. Tại Hội thảo, Trung tâm ứng phó sự cố Môi trường Việt Nam cũng đã lồng ghép các bài học kinh nghiệm về công tác ứng phó sự cố tràn dầu thực địa đã xảy ra gần đây trên địa bàn khu vực miền Trung như sự cố tàu KingRich, sự cố tàu Giang Anh 18…
Mới đây, ngày 14/6/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ ứng phó sự cố tràn dầu cho các cơ sở kinh doanh xăng, dầu và các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh. Hội nghị góp phần nâng cao nhận thức nghiệp vụ của các cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh về nguy cơ, hiểm họa của sự cố tràn dầu để bảo vệ môi trường, chủ động phòng tránh và kịp thời ứng phó…
Hướng tới mục tiêu trở thành Tập đoàn năng lượng hàng đầu tại Việt Nam, Petrolimex luôn đặt trách nhiệm với môi trường và tính kỷ luật, an toàn lao động trên hết. Phó Tổng Giám đốc Petrolimex Nguyễn Văn Sự từng nhấn mạnh: "Petrolimex luôn ưu tiên đầu tư các hạng mục có tính cấp bách liên quan đến an toàn tại các công trình xăng dầu. Bởi lẽ, kinh doanh xăng dầu tiềm ẩn nguy cơ rất cao, nếu không quan tâm thì hậu quả sẽ khó lường”.
Hàng năm, Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên tổ chức rất nhiều hội nghị tập huấn, thực tập phương án chữa cháy, ứng phó sự cố tràn dầu và sự cố môi trường nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao năng lực, kỹ năng phối hợp triển khai chữa cháy, ứng phó sự cố tràn dầu và ứng phó sự cố môi trường của các cán bộ, nhân viên, người lao động Petrolimex; Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đánh giá tình trạng hoạt động và tính hiệu quả của các phương tiện chữa cháy, thiết bị ứng phó sự cố. Đồng thời cập nhật, bổ sung và hoàn thiện các phương án, kịch bản ứng phó với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra, đảm bảo chất lượng và thời gian xử lý sự cố.