Phát triển làng nghề phải gắn với bảo vệ môi trường
Để phù hợp với xu hướng phát triển chung, các làng nghề cần được định hướng phát triển theo hướng bền vững, góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường nông thôn.
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ngày càng gia tăng
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 52/2018/NĐ-CP định nghĩa làng nghề như sau: "Làng nghề là một hoặc nhiều cụm dân cư cấp thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc hoặc các điểm dân cư tương tự tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn quy định tại Điều 4 Nghị định này".
Phát triển sản xuất kinh doanh tại các làng nghề cần kết hợp hài hòa bảo vệ môi trường, hướng tới cải thiện môi trường
GS. TS Đặng Kim Chi - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, làng nghề là một trong những đặc thù của nhiều vùng nông thôn Việt Nam. Hoạt động trong các làng nghề là những hoạt động kinh tế phi nông nghiệp bao gồm các nghề thủ công, hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất vừa và nhỏ với các thành phần kinh tế như hộ gia đình, hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân... Các hộ và các tổ chức kinh tế này gắn bó chặt chẽ, mật thiết với khu vực nông thôn thông qua việc sử dụng tư liệu sản xuất, vốn và nhân lực ở nông thôn, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực nông thôn.
Theo thống kê, làng nghề được công nhận tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc, trong đó TP. Hà Nội có số làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động được công nhận nhiều nhất với 313 làng, tiếp đến là các tỉnh: Thái Nguyên 263 làng, Thái Bình 117 làng, Ninh Bình 75 làng, Nam Định 72 làng, Nghệ An 173 làng...
Thời gian vừa qua, làng nghề phát triển, ngày càng mở rộng thì lượng chất thải gây ô nhiễm phát sinh càng nhiều, trong khi đó việc quản lý và xử lý chất thải chưa được chú trọng giải quyết nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng.
Chia sẻ tại tọa đàm “Để lao động làng nghề tiếp cận an sinh xã hội” vừa diễn ra ngày 22/5, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng cho hay, làng nghề là văn hoá, gắn với mưu sinh của người dân, không thể bỏ được. Thông qua làng nghề, chúng ta có thể hiểu được phần nào về truyền thống, văn hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, phát triển làng nghề như thế nào để gắn với bảo vệ môi trường là bài toán cần phải giải quyết. Trong đó, cần có giải pháp, khu trú lại, quy hoạch, tập trung rác thải, phế liệu lại để xử lý; đồng thời, tăng cường tuyên truyền người dân để tự bảo vệ mình.
“Hiện nay, cơ chế chính sách phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường là chưa đủ. Bên cạnh đó, nguồn lực của Nhà nước dành cho vấn đề này chưa bảo đảm. Do đó, cần phải xã hội hóa nguồn lực giúp các làng nghề hạn chế ô nhiễm. Tuy nhiên, chúng ta lưu ý để hài hoà lợi ích, tận dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Trong đó, phải có các đầu tư nguồn lực, có các giải pháp công nghệ để thu gom, xử lý rác thải, nước thải tại các làng nghề nhằm hạn chế ô nhiễm” - PGS.TS Bùi Thị An nhận định.
Trong khi đó, theo bà Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, vai trò của người dân, các chủ thể hết sức quan trọng trong việc giải quyết ô nhiễm môi trường.
Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cho rằng, đối với các làng nghề, một trong những vấn đề quan trọng là phải chuyên môn hóa, những phần nào liên quan đến môi trường phải tập trung xử lý từ khâu quy hoạch. Ngoài ra, phải có vai trò cơ chế chính sách, trợ giúp như thế nào, khi cơ chế chính sách của nhà nước đưa vào sẽ tạo cú huých. “Và khi người dân thấy có các mô hình điển hình, họ sẽ theo, không cần ép buộc”, bà Hà Thị Vinh khẳng định.
Làng nghề phải có phương án bảo vệ môi trường
Theo Điều 56 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề như sau:
Làng nghề phải có phương án bảo vệ môi trường, có tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường và hạ tầng bảo vệ môi trường. Hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề bao gồm: Có hệ thống thu gom nước thải, nước mưa bảo đảm nhu cầu tiêu thoát nước của làng nghề; Hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung (nếu có) bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; Có điểm tập kết chất thải rắn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường; khu xử lý chất thải rắn (nếu có) bảo đảm quy định về quản lý chất thải rắn hoặc có phương án vận chuyển chất thải rắn đến khu xử lý chất thải rắn nằm ngoài địa bàn.
Cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề phải xây dựng và thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, bức xạ nhiệt, khí thải, nước thải và xử lý ô nhiễm tại chỗ; thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật.
Cơ sở, hộ gia đình sản xuất thuộc ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề có trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 2 Điều này và tuân thủ kế hoạch di dời, chuyển đổi ngành, nghề sản xuất theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm: Lập, triển khai thực hiện phương án bảo vệ môi trường cho làng nghề trên địa bàn; Hướng dẫn hoạt động của tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề.
Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm: Tổng hợp nhu cầu ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề;mChỉ đạo, triển khai thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường làng nghề; đầu tư xây dựng và tổ chức vận hành các mô hình thu gom, xử lý chất thải rắn, hệ thống xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường do Nhà nước đầu tư từ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, nguồn chi sự nghiệp môi trường và khoản đóng góp của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm: Quy hoạch, xây dựng, cải tạo và phát triển làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề gắn với bảo vệ môi trường; Bố trí ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề; Chỉ đạo, tổ chức đánh giá mức độ ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn; Chỉ đạo xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải; khu tập kết, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại cho làng nghề; Có kế hoạch di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường kéo dài ra khỏi khu dân cư, làng nghề.
Việc phát triển sản xuất kinh doanh tại các làng nghề cần kết hợp hài hòa bảo vệ môi trường, hướng tới cải thiện môi trường. Để phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, các làng nghề cần được định hướng phát triển bền vững, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế, tạo ra công ăn việc làm, góp phần xóa dói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường nông thôn.