Đại biểu Quốc hội đề nghị giám sát tối cao vấn đề bảo vệ môi trường
Trao đổi với phóng viên các cơ quan báo chí bên lề kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành.
Hoạt động giám sát có tác động ngay trong quá trình thực hiện
Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, sáng ngày 30/5, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Các Đại biểu Quốc hội đánh giá cao hoạt động giám sát của Quốc hội (QH) tiếp tục được đổi mới, hiệu quả. Nhiều hoạt động giám sát có tác động ngay trong quá trình thực hiện như giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Giám sát về việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Trình bày tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của QH năm 2025 tại phiên họp, Tổng thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cường cho biết, sau khi cân nhắc nhiều mặt và theo thông lệ của QH nhiệm kỳ khóa XIV, để tạo điều kiện cho các cơ quan tập trung triển khai các nhiệm vụ nêu trên và các nhiệm vụ lập pháp theo kế hoạch; đồng thời, để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình QH xem xét, quyết định giám sát tối cao một chuyên đề tại Kỳ họp thứ 10 và Ủy ban Thường vụ QH sẽ tiến hành giám sát một chuyên đề tại Phiên họp tháng 8/2025.
Về kế hoạch năm 2025, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp theo 10 nhóm theo lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đồng thời căn cứ vào tiêu chí lựa chọn cũng như qua nghiên cứu kiến nghị của cử tri, điểm báo và qua rà soát các nội dung đã thực hiện, cân đối các lĩnh vực và từ tình hình thực tiễn đã tiến hành lựa chọn các chuyên đề giám sát theo quy trình chặt chẽ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 2 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn một chuyên đề để giám sát tối cao. Cụ thể như sau:
Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành (dự kiến giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì tham mưu về nội dung).
Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao (dự kiến giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì tham mưu về nội dung).
Đưa giám sát môi trường vào giám sát tối cao là “đúng thời điểm” và “trúng vấn đề”
Đồng tình với dự kiến chương trình của Quốc hội, nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội giám sát tối cao "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường" và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao".
Đại biểu Quốc hội đề xuất đưa giám sát môi trường vào chuyên đề giám sát tối cao năm 2025. Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
Lý giải đề xuất đưa giám sát môi trường vào giám sát tối cao, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết: "Hiện tại nhiều người dân, nhiều chủ nguồn thải vẫn chưa hiểu rõ phải phân loại rác như thế nào, trả tiền theo lượng rác thải ra sao, tập kết rác phân loại như thế nào và ngay cả các địa phương cũng chưa thực sự sẵn sàng cho công tác chuẩn bị. Hiện vẫn còn thiếu các quy định về định mức, đơn giá thu gom và xử lý rác thải. Thực trạng này rất cần được giám sát tối cao để làm rõ những khó khăn vướng mắc và có biện pháp tháo gỡ kịp thời".
Đồng tình với quan điểm đó, ông Nguyễn Quang Huân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho biết: "Trong quá trình giám sát tối cao có một phần về biến đổi khí hậu chưa được nhắc đến nhiều, chưa đi vào thực chất, chưa biết đi vào cụ thể như thế nào. Tôi nhất trí là đưa giám sát môi trường vào giám sát tối cao".
Chính vì những vấn đề bức xúc và cần sửa đổi nên Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 mới ra đời. Luật được thông qua vào năm 2020, nhưng đến 2022 mới có hiệu lực, tức là có tới 2 năm để chuẩn bị. Trong khi đó, nhiệm kỳ Quốc hội sẽ kết thúc vào năm 2025, nếu không giám sát thì sẽ không có cái nhìn tổng thể cho nhiệm kỳ sắp tới.
Theo Đại biểu Nguyễn Quang Huân, vấn đề ô nhiễm môi trường hầu như không được cải thiện trong những năm vừa qua. Điều đó có thể thấy rõ nhất là các dòng sông “chết’ ở Hà Nội, TP HCM hay tình hình hạn hán, xâm nhập mặn…
Tất cả những vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu đều chưa có cái nhìn tổng thể ở tầm quốc gia để có cái nhìn thấu đáo, chưa kể chúng ta còn lệ thuộc rất nhiều về nguồn nước từ bên ngoài.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân đặt vấn đề: Vậy thì chúng ta ứng phó như thế nào, chống lại hay thích ứng? Để có lời giải cho bài toán vĩ mô tổng thể tầm quốc gia, tôi nghĩ nên có chương trình giám sát quốc gia toàn diện, giám sát tối cao sau đó thực hiện thì sẽ bài bản hơn?
Nêu ý kiến về vấn đề này, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM) cho biết, vấn đề bảo vệ môi trường luôn là yếu tố được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Bởi tình hình biến đổi khí hậu hiện nay rất khắc nghiệt, thời tiết cực đoan. Hội nghị COP 28 cũng đã đặt ra kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính bằng 0. Do đó, chọn lựa vấn đề giám sát tối cao về bảo vệ môi trường là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân, vấn đề xử lý vi phạm hành chính về môi trường như xả rác thải, xử lý nước thải, phá rừng… phải được quy định và thực hiện một cách nghiêm minh thì mới có thể có cơ chế đồng bộ trong bảo vệ môi trường hiện nay.
Vì vậy, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương khẳng định: “Đưa chuyên đề này vào nội dung giám sát tối cao năm 2025 là đúng thời điểm và trúng vấn đề nóng. Tôi nghĩ, nếu không sớm giải quyết sẽ rất khó thực hiện các quy định đã có hiện nay”.