Doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ để vượt ‘bão’ COVID-19
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đã và đang tiếp tục đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa - một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để ngành dệt may chịu được những áp lực của thị trường về chất lượng, giao hàng nhanh, cũng như giảm số người lao động cho doanh nghiệp.
Đại dịch COVID-19 đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp (DN) phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, thậm chí là phải tạm dừng hoạt động. Do vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động, phục hồi sản xuất, kinh doanh, DN buộc phải đầu tư cho khoa học - công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo.
Ứng dụng công nghệ laser giúp sản phẩm may mặc có tính thẩm mỹ cao, tính chính xác gần như tuyệt đối, thời gian thực hiện nhanh chóng, giảm bớt chi phí sản xuất - Ảnh: VGP |
Sáu tháng đầu năm 2021, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước ước đạt 15,2 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Đơn hàng dồi dào, kết hợp với những lợi thế trên thị trường xuất khẩu đã giúp dệt may Việt Nam dần hồi phục với xuất khẩu tăng trưởng theo từng tháng, điều này cũng chứng tỏ DN dệt may Việt Nam đã thích ứng với điều kiện kinh doanh mới.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, các DN đã và đang tiếp tục đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa - một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để ngành dệt may chịu được những áp lực của thị trường về chất lượng, giao hàng nhanh, cũng như giảm số người lao động cho DN.
Máy móc thay thế công nhân
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, công nghệ tự động hóa kết nối trên nền tảng internet đang dần thay thế người lao động tại các dây chuyền sản xuất và trong toàn bộ chuỗi cung ứng sản phẩm dệt may. Hệ thống thiết bị công nghệ mới được đầu tư của Việt Thắng đã thay thế vị trí của 800 công nhân. Theo tính toán, trung bình một máy laser sử dụng công nghệ tự động, công nghệ cao trong may mặc có thể thay thế cho 49 công nhân may thủ công.
Ngoài ra, nếu theo công nghệ cũ, để cho ra đời một chiếc quần jean thành phẩm thì mất 13 phút, còn hiện nay, với công nghệ lập trình trên máy, chỉ cần chưa tới 10 giây để tạo ra một sản phẩm.
Hiện có 30% DN lớn ngành dệt may ứng dụng công nghệ tự động hóa cho từng công đoạn trong sản xuất.
Không chỉ ngành hàng dệt may, DN nông nghiệp công nghệ cao đang đóng vai trò trung tâm trong ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp để tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản.
Nhiều DN chủ động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình đã và đang được triển khai nhân rộng, mang lại hiệu quả thiết thực như: Mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm; ứng dụng công nghệ thâm canh, sản xuất an toàn theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà màng bảo vệ sản phẩm; ứng dụng công nghệ sinh học, vi sinh; ứng dụng công nghệ máy móc, thiết bị cơ khí hóa, tự động hóa trong sản xuất…
Nhiều DN đã trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị nông sản và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường như: Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tập đoàn Việt Úc, Tập đoàn TH, Tập đoàn Vingroup, Công ty cổ phần tập đoàn Dabaco… Nhiều ngành sản xuất nông nghiệp sữa, thủy sản, chăn nuôi đã “tiệm cận” công nghệ hàng đầu thế giới.
Theo Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT), các tiến bộ về KHCN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Mức độ tổn thất của nông sản đã giảm đáng kể (lúa gạo còn dưới 10%...). Mức độ cơ giới hóa ở khâu làm đất đối với các loại cây hằng năm (lúa, mía, ngô, rau màu) đạt khoảng 94%; khâu thu hoạch lúa đạt 50% (các tỉnh đồng bằng đạt 90%)…
Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù gặp nhiều rào cản, khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại địa phương, ông Nguyễn Phúc Thương, Phó Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh và nền kinh tế cả nước gặp nhiều khó khăn, năm 2020 vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của Bắc Giang đạt 13,02%, dẫn đầu cả nước, là một trong những địa phương có sức cạnh tranh và hấp dẫn nhất về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng ngành sản xuất nông, lâm và thủy sản của tỉnh vẫn đạt 6,7%, đứng thứ 3 toàn quốc và cao nhất từ trước tới nay. Đó là thành quả nhiều năm của tư duy và chiến lược coi trọng ứng dụng KHCN trong phát triển của Tỉnh ủy, chính quyền các cấp, DN và người dân trong tỉnh.
Cũng như Bắc Giang, với quan điểm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN ứng dụng KHCN, Giám đốc Sở KH&CN TP. Đà Nẵng Lê Đức Viên cho biết, năm 2020, Sở đã thực hiện hỗ trợ cho 16 lượt DN. Trong đó, có những kết quả nghiên cứu, đổi mới công nghệ của DN KHCN phục vụ thiết thực cho cuộc chiến chống COVID-19 như sản phẩm máy sản xuất khẩu trang tự động của Công ty TNHH Châu Đà. Đây là sản phẩm được nghiên cứu hình thành đầu năm 2020, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất khẩu trang y tế trong mùa dịch bệnh. Đến nay, công ty đã cung cấp hơn 50 máy sản xuất khẩu trang tự động cho các đơn vị sản xuất khẩu trang y tế trên địa bàn thành phố và các địa phương khác, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đem lại cho công ty doanh thu hàng trăm tỷ đồng.
Mô hình ứng dụng công nghệ cao để sản xuất nấm đông trùng hạ thảo tại Bắc Giang - Ảnh: VGP/Hoàng Giang |
“Chìa khóa” giúp DN vực dậy
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay và việc tham gia các hiệp định thương mại như EVFTA, CPTPP… yếu tố cạnh tranh lại càng trở nên khốc liệt. Do vậy, DN Việt Nam vừa phải tiết giảm chi phí, vừa phải nâng cao hiệu quả hoạt động. Có nhiều nhân tố tác động đến quá trình tăng năng suất, chất lượng, trong đó có vai trò quyết định của đổi mới công nghệ, áp dụng đổi mới sáng tạo trong thiết kế sản phẩm, quy trình sản xuất, quản lý quá trình…
Đánh giá về vai trò của KHCN, ông Lê Thanh Vân, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV đã chỉ ra 5 động lực, yếu tố cấu thành tăng trưởng kinh tế, đó là: Vốn (tài lực, vật lực), thể chế; công nghệ; nhân lực và văn hóa kinh doanh. Yếu tố tăng trưởng tác động đến biểu đồ lên xuống của nền kinh tế tùy thuộc vào cách sử dụng các công cụ, yếu tố này.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định: “Nếu như trước đây, tỷ lệ đầu tư cho KHCN giữa nhà nước và DN là 70-30, tức là 70% đầu tư cho KHCN từ ngân sách nhà nước và DN đầu tư 30%... thì nay tỷ lệ này đã là 50-50. DN đã quan tâm đầu tư nhiều hơn cho KHCN và tỷ lệ này chắc chắn trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục cao hơn”. |
Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Vân, thế giới ngày nay không coi trọng yếu tố vốn là quyết định mà nhấn mạnh yếu tố công nghệ, ở đâu có công nghệ đi đầu thì ở đó có sự bứt phá ngoạn mục về kinh tế.
“Ai là người sử dụng công nghệ? Đó vẫn là con người. Do đó, tác động đến tăng trưởng là phải kích hoạt đồng bộ cả 5 yếu tố, nhưng 2 yếu tố quan trọng nhất là con người và công nghệ”, ông Lê Thanh Vân bày tỏ.
Theo TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, trong mọi bối cảnh, dù có COVID-19 hay không, DN tập trung đầu tư cho KHCN là một xu hướng tất yếu, đem lại rất nhiều lợi ích cho DN, kể cả DN lớn và DN nhỏ.
Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam nhận thấy, những DN chủ động ứng dụng KHCN có tỷ lệ tồn tại rất cao, ít tổn thương hơn. Thậm chí, nhiều DN đã cho thấy tính chủ động và năng lực đổi mới, nhanh chóng nghiên cứu, triển khai nhiều ứng dụng công nghệ để tăng khả năng tiếp cận khách hàng, thay đổi phương thức kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm phù hợp với điều kiện thực tế mới, điển hình như việc nghiên cứu, đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất các thiết bị y tế sản phẩm chế phẩm sinh học phục vụ công tác phòng chống đại dịch COVID-19, sản xuất khẩu trang…
Đại dịch COVID-19 không làm chậm lại quá trình chuyển đổi KHCN mà còn thúc đẩy chuyển đổi KHCN lên tầm cao mới. Đồng thời, trở thành chất xúc tác để DN thay đổi và nhận thức được sự cần thiết của việc chuyển đổi, đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, trong khi dịch COVID-19 tái bùng phát nhiều lần, sức khỏe nhiều DN dần bị suy yếu, dường như vẫn còn sự lúng túng, chần chừ, chưa quyết liệt đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo.