A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đóng góp quan trọng của các Viện nghiên cứu đối với sự phát triển ngành Công Thương

Trong những năm qua, hoạt động KH&CN của các Viện thuộc Bộ Công Thương đã có những đóng góp tích cực cho quá trình đổi mới, nâng cao trình độ kỹ thuật - công nghệ của các doanh nghiệp trong Ngành.

Theo báo cáo của Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, giai đoạn 2018-2020, tổng số nhiệm vụ KH&CN các cấp do các Viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương chủ trì thực hiện là hơn 290 đề tài, dự án, với tổng kinh phí hơn 330,6 tỷ đồng. Trong đó, số nhiệm vụ KH&CN do Bộ Công Thương quản lý là 189 đề tài, dự án với tổng kinh phí 125,9 tỷ đồng.

Nhiều công trình nghiên cứu, sản phẩm của các đề tài, dự án đã được áp dụng hiệu quả vào sản xuất, kinh doanh ở các doanh nghiệp trong Ngành, đặc biệt là các Tập đoàn, Tổng công ty, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng như tạo tiền đề để các viện tiếp tục phát triển nguồn lực nghiên cứu KH&CN.

Điển hình, trong lĩnh vực năng lượng, được thể hiện trước hết qua việc tham gia và trực tiếp xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia qua nhiều giai đoạn. Trong lĩnh  vực này cũng có một số công trình tiêu biểu, như: Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế ứng dụng vòi phun đốt than bột dạng UD cho lò hơi Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình” đã được giải nhất giải thưởng sáng tạo KH&CN Việt Nam (VIFOTEC); Hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW đã đưa vào vận hành thành công tại nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1; Sản phẩm Máy biến áp nguồn dự phòng 500kV với công suất 467 MVA được lắp đặt tại nhà máy thủy điện Lai Châu và Sơn La.

Còn trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, nhiều giải pháp hoàn thiện và hiện đại hóa công nghệ cho các đối tượng khoáng sản khác nhau đã được nghiên cứu, đề xuất, áp dụng vào thực tiễn, như: Công nghệ khai thác và tuyển hợp lý quặng sa khoáng Titan-Zircon trong tầng cát đỏ vùng Bình Thuận; Công nghệ tuyển và chế biến sâu quặng graphite mỏ Bảo Hà, Lào Cai; Công nghệ sản xuất thiếc 99,99% bằng phương pháp điện phân tinh luyện có màng ngăn đã được áp dụng thành công tại Công ty TNHH MTV Mỏ Luyện kim Thái Nguyên; Công nghệ tuyển tận thu các nguyên tố có ích trong quá trình tuyển và luyện quặng đồng Sin Quyền áp dụng tại Nhà máy tuyển nổi đồng Sin Quyền - Lào Cai và nhà máy luyện đồng Tằng Loỏng - Lào Cai.

Đáng chú ý, các công trình nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy móc và thiết bị công nghiệp, nội địa hóa thiết bị, phụ tùng, cho nhiều ngành công nghiệp, như: Xi măng, hóa chất, nhiệt điện than, thủy điện, dầu khí, khai khoáng, vật liệu xây dựng,... trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo cũng đã mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp và được đánh giá cao. Ví dụ điển hình là các các thiết kế, chế tạo: Lọc bụi tĩnh điện công suất 1.000.000 Nm3/h ứng dụng tại Nhiệt điện Vũng Áng 1 và Thái Bình 1; Cửa van đập tràn xả mặt tại các nhà máy thủy điện Lai Châu, Sơn La; Hệ thống băng tải vận chuyển quặng bauxite cho Nhà máy alumin Lâm Đồng và Nhân Cơ.

Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp tiêu dùng cũng đem lại nhiều hiệu quả với các nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, phát triển sản phẩm mới, sản phẩm phụ trợ trong các lĩnh vực sản xuất giấy, nhựa, dệt may, da giầy, sành sứ thủy tinh công nghiệp; Nghiên cứu phát triển lĩnh vực thiết kế thời trang, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm giấy, nhựa, dệt may, da giầy, sành sứ thủy tinh; Nghiên cứu chọn tạo, phát triển các giống cây nguyên liệu chất lượng cao vào sản xuất (cây nguyên liệu giấy, cây có dầu, thuốc lá). Nghiên cứu, chế biến sâu nguyên vật liệu phục vụ ngành gốm sứ thủy tinh công nghiệp.

Như vậy, trong giai đoạn 2018-2020, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các Viện có tính tập trung cao theo nhu cầu thị trường, bắt nguồn từ thực tế sản xuất tại các doanh nghiệp. Kết quả hoạt động KH&CN trong thời gian qua đã cho thấy vai trò, đóng góp quan trọng các Viện đối với sự phát triển của ngành Công Thương.

Có thể khẳng định, định hướng lấy doanh nghiệp là trung tâm để nghiên cứu, mở rộng và tăng cường dịch vụ KH&CN, sản xuất - kinh doanh đã thể hiện là định hướng đúng đắn, góp phần không nhỏ trong việc thực hiện tự chủ, cũng như sự phát triển của các Viện nghiên cứu thuộc Bộ. Nhờ đó, nhiều Viện có nguồn lực để từng bước phát triển tiềm lực KH&CN, tăng cường cơ sở vật chất, đồng thời đảm bảo duy trì và nâng cao đời sống, thu nhập cho CBVC và người lao động.


Tác giả: Nguyễn Lê

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website