Ngành Công Thương đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ cao
Trong những năm vừa qua, Bộ Công Thương đã triển khai thành công Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao trong khuôn khổ Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao theo Quyết định số 347/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Qua 7 năm thực hiện, Chương trình đã gặt hái được một số thành tựu trong các lĩnh vực công nghệ cao, điển hình như công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa…
Ngày 27 tháng 01 năm 2021, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030. Trong đó giao Bộ Công Thương chủ trì Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao. Dưới đây là cuộc trao đổi với ông Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương về định hướng của Bộ Công Thương xây dựng Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao giai đoạn đến 2030.
Ông Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương
PV: Được biết, trong 7 năm thực hiện Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao (Chương trình) đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Ông có thể chia sẻ thêm về một số thành tựu nổi bật của Chương trình?
Ông Trần Việt Hòa:
Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao do Bộ Công Thương chủ trì được triển khai từ giữa năm 2013 đến hết năm 2020. Trong thời gian thực hiện, Chương trình đã phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện tổng số 21 dự án khoa học và công nghệ.
Các dự án được tập trung đầu tư có trọng điểm, nhằm thúc đẩy việc ứng dụng các công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển vào các ngành công nghiệp được lựa chọn, đồng thời đẩy mạnh sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.
Triển khai Chương trình trong giai đoạn 2013-2020 của Bộ Công Thương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, Chương trình đã xây dựng thành công các dự án điển hình ứng dụng công nghệ cao vào một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp; đẩy mạnh sản xuất sản phẩm công nghệ cao trong danh mục sản phẩm được khuyến khích phát triển. Các dự án được triển khai mang lại hiệu quả cao về KH&CN, hiệu quả kinh tế-xã hội cũng rất tích cực. Đây là những tiền đề để các đơn vị chủ trì đi sâu nghiên cứu phát triển công nghệ cao, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng tương xứng.
Cơ cấu lĩnh vực triển khai thực hiện Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao đến năm 2020
Thông qua triển khai các dự án thuộc Chương trình, các doanh nghiệp, viện, trường cũng từng bước nâng cao trình độ KH&CN theo hướng tiệm cận với công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới. Đối với doanh nghiệp, làm chủ các công nghệ cao, ứng dụng sản xuất thành công đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ra các sản phẩm có hàm lượng chất xám vượt trội, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa, nếu không đổi mới nhanh chóng, bắt nhịp với các công nghệ tiên tiến, doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất thị phần ngay chính trên sân nhà.
Một thành tựu nữa của Chương trình mà tôi muốn nói tới, đó là Chương trình góp phần hoàn thiện chuỗi sản xuất - cung ứng trong một số ngành như công nghệ thông tin & truyền thông, công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp công nghệ sinh học… đáp ứng nhu cầu trong nước và từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Cụ thể, kết quả thành công của các đề tài, dự án đã mở ra hướng đi mới trong một số lĩnh vực, dịch vụ công nghệ cao như: ứng dụng các hệ thống nhúng, công nghệ an ninh-an toàn trên môi trường số; điện toán đám mây trong lưu trữ và truyền hình ảnh phục vụ phát triển y tế số và bệnh viện thông minh; ứng dụng GPS trong quản lý, giám sát, điều phối và tối ưu hoá kế hoạch sử dụng phương tiện… góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội theo hướng điện đại, bắt nhịp với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Thành công của Chương trình còn phải kể đến là hiệu quả huy động tài chính. Hiệu quả huy động nguồn vốn ngoài ngân sách qua triển khai các dự án thí điểm có xu hướng ngày càng gia tăng. Cụ thể, trong giai đoạn 2013-2015 tổng nguồn vốn huy động ngoài ngân sách của các dự án được phê duyệt đạt gần 55 tỷ đồng, tương đương 54% tổng vốn thực hiện. Đến giai đoạn 2016-2020, con số này là trên 750 tỷ đồng, chiếm khoảng 85% tổng nguồn vốn thực hiện. Như vậy có thể thấy quyết tâm của các doanh nghiệp trong việc phát triển, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất ngày càng rõ rệt, sâu sắc.
PV: Trong số các dự án triển khai trong khuôn khổ Chương trình, nhiều dự án đã thu được những kết quả nổi bật, giúp doanh nghiệp làm chủ các công nghệ tiên tiến trên thế giới, đem lại giá trị làm lợi nhiều tỷ đồng. Ông vui lòng chia sẻ một số dự án điển hình thành công?
Ông Trần Việt Hòa:
Như đã chia sẻ, tỷ lệ vốn đối ứng ngoài ngân sách tăng theo từng giai đoạn. Đây là minh chứng rõ nét cho sức hấp dẫn, thực tiễn của các đề tài, dự án. Các dự án thành công giúp doanh nghiệp tiếp cận, làm chủ các công nghệ tiên tiến nhất thế giới, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, làm lợi nhiều tỷ đồng; bên cạnh đó còn có ý nghĩa xã hội rất thực tiễn.
Có thể kể đến dự án “Làm chủ công nghệ sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang” do Công ty cổ phần Thiết bị bưu điện (Postef) chủ trì thực hiện. Trong 2 năm thực hiện dự án, doanh nghiệp đã làm chủ các công nghệ cốt lõi trong sản xuất vật liệu sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang bao gồm công nghệ kéo đứng sợi quang, làm lạnh khí Heli, xử lý hóa học khí D2, phủ Acrylate… có khả năng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Thành phẩm thực tế của dự án là dây chuyền công nghệ cao, có công suất đạt 3,2 triệu km sợi/năm; có thể sản xuất đa dạng các loại sợi G.625D, G.655, G.657 A1 tiêu chuẩn quốc tế, chất lượng tương đương sợi quang nhập khẩu từ Mỹ và Nhật Bản. Tiềm năng thương mại của dự án ước tính hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm; đồng thời có ý nghĩa đóng góp cho việc tự chủ nguồn nguyên vật liệu của một trong những lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế 4.0 là thông tin-truyền thông.
Một dự án nữa được hội đồng khoa học và các chuyên gia trong lĩnh vực y tế đánh giá có tiềm năng lớn, đó là ứng dụng điện toán đám mây PACS-CLOUD và hoàn thiện hệ thống thu thập, lưu trữ thông tin DCOM hỗ trợ hội chẩn y tế từ xa và kết nối liên thông dữ liệu các bệnh viện. Có thể nói cả hai dự án này đã góp phần đánh kể trong việc hoàn thiện hệ sinh thái bệnh viện thông minh và chẩn đoán y tế từ xa thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, như nền tảng Linux, điện toán đám mây, lưu trữ hình ảnh DCOM…. Tỷ lệ các công nghệ được nội địa hóa lên tới 85%, giúp giảm chi phí giá thành chỉ bằng 1/3 so với nhập ngoại, khả năng cạnh tranh tại thị trường trong và ngoài nước rất khả quan.
Thực tế, các giải pháp này đã được triển khai thử nghiệm tại 18 bệnh viện, mang lại giá trị thương mại ban đầu là 25 tỷ đồng. Theo ước tính sơ bộ, nếu có thể kết nối hơn 1000 bệnh viện và cơ sở y tế trong nước thì giải pháp này sẽ giúp tiết giảm chi phí mua vật tư y tế khoảng 20 tỷ/năm. Đồng thời tiết kiệm đáng kể thời gian, công sức… của bệnh nhân và nhân viên y tế trong quá trình khám chữa bệnh. Đặc biệt, trong bối cảnh nhu cầu khám chữa bệnh từ xa tăng cao do hạn chế di chuyển lên tuyến trên dẫn tới quá tải, hay do điều kiện khách quan như bệnh dịch, cơ sở hạ tầng lưu thông… thì đây là giải pháp không thể thiếu đối với nền y tế hiện đại.
Đẩy mạnh hiệu quả và phát triển một số dịch vụ ứng dụng công nghệ cao có chất lượng và giá trị gia tăng cao, công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao
Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, các dự án điển hình có thể kể đến như sản xuất chip sinh học công nghệ DNA Microarry chẩn đoán một số bệnh ở người và sản xuất kít hỗ trợ sàng lọc ung thư cổ tử cung trên nhờ ứng dụng công nghệ Protein-array. Dự án đã hỗ trợ đơn vị thực hiện xây dựng nhà máy với các trang thiết bị hiện đại hàng đầu như phòng nghiên cứu vi sinh, kiểm soát chất lượng, kiểm định sản phẩm, đầu tư nghiên cứu làm chủ công nghệ… phục vụ cho nghiên cứu – sản xuất sản phẩm y tế công nghệ cao.
Ngoài sản phẩm hữu hình, sản phẩm về chất xám, công nghệ mà dự án đem lại cũng rất có giá trị. Thông qua dự án, doanh nghiệp đã làm chủ quy trình công nghệ sản xuất các bộ kít sinh học trên nền công nghệ hiện đại DNA Microarray và Protein-array. Các sản phẩm này có ý nghĩa hết sức thực tiễn trong việc hỗ trợ chuẩn đoán nhanh, độ chính xác cao đối với nhiều bệnh liên quan tới tan máu bẩm sinh, định danh 17 khuẩn lao không điển hình, xác định các kháng thuốc clopidogel ở bệnh nhân tim mạch và sàng lọc ung thư cổ tử cung. Điều này có ý nghĩa quan trọng bởi các bệnh trên khá phổ biến ở Việt Nam… Việc có thể xác định nhanh, chính xác bệnh với chi phí tiết kiệm là nguồn hỗ trợ đáng kể cho cá nhân bệnh nhân nói riêng, đồng thời nâng cao hiệu quả chữa bệnh, giảm bớt gánh nặng cho cả hệ thống y tế nói chung.
Nhà máy sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang do Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu Điện đầu tư nghiên cứu và xây dựng Dự án được Bộ Công Thương hỗ trợ một phần kinh phí cho việc đào tạo nhân lực và kết nối với các doanh nghiệp uy tín nước ngoài trong quá trình chuyển giao công nghệ.
Nhìn chung các dự án đã giúp doanh nghiệp làm chủ công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất với hàm lượng chất xám cao. Các sản phẩm tạo ra có giá trị cao, góp phần đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Về giá trị kinh tế, ước tính giá trị làm lợi thu được từ các dự án hàng trăm tỷ đồng từ việc thương mại hóa sản phẩm. Về mặt xã hội, các dự án góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực sản xuất, góp phần giải quyết những hạn chế trong nhiều lĩnh vực như dịch vụ y tế, cơ sở hạ tầng thông tin…
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, điều hành
PV: Triển khai thực hiện Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 theo Quyết định số 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xác định trọng tâm và định hướng như thế nào?
Ông Trần Việt Hòa:
Phát huy những thành quả của Chương trình giai đoạn trước, giai đoạn 2021-2030, Bộ Công Thương, với vai trò là đơn vị chủ trì 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, xác định các nhiệm vụ tiếp theo sẽ nhằm vào 04 mục tiêu chính.
Một là, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, phát triển và làm chủ công nghệ lõi, công nghệ chủ chốt của cuộc CMCN lần thứ tư, phù hợp với định hướng Danh mục ưu tiên về công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hai là, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng, triển khai các đề án, dự án ứng dụng, đầu tư sản xuất thử nghiệm nhằm hoàn thiện công nghệ, nâng cao hàm lượng chất xám trong sản phẩm, công nghệ. Trong đó tập trung ứng dụng các công nghệ cao thuộc Danh mục ưu tiên như năng lượng, cơ khí chế tạo và tự động hoá, khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp chế biến thực phẩm…
Phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao
Bà là, thúc đẩy hình thành, phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao như sản xuất thiết bị tự động hoá, công nghiệp sinh học, vật liệu mới và điện tử-công nghệ thông tin... Đồng thời hỗ trợ xây dựng, định hướng, phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao.
Nhiệm vụ trọng tâm cuối cùng, không kém phần quan trọng, là đẩy mạnh hiệu quả và phát triển một số dịch vụ ứng dụng công nghệ cao có chất lượng và giá trị gia tăng cao, công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao.
Thông qua các định hướng này, với sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Vụ Khoa học và Công nghệ sẽ hỗ trợ, giám sát, liên kết giữa các doang nghiệp, viện, trường, cơ sở nghiên cứu… nhằm đẩy mạnh nghiên cứu theo hướng ứng dụng, tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, giúp doanh nghiệp Việt làm chủ một số công nghệ cao trọng yếu, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; tạo đà cho ngành công nghiệp công nghệ cao cất cánh trong thời gian tới.
Copy link