Viện nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp: định hướng đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong giai đoạn tới
Các giai đoạn vừa qua, Viện nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp đã tận dụng các nguồn lực, tập trung triển khai thực hiện các dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) theo hướng thúc đẩy hiện đại hóa của ngành sản xuất sành sứ-thủy tinh. Trong thời gian tới, Viện định hướng tiếp tục phát huy thế mạnh nghiên cứu, tích cực đẩy mạnh các dự án sản xuất thử nghiệm kết hợp chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp.
Viện nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp là một trong số những cơ sở nghiên cứu trực thuộc Bộ Công Thương, được đầu tư hệ thống hạ tầng, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu đầy đủ bao gồm: Nhóm thiết bị phân tích thành phần hóa cỡ hạt, các tính chất cơ, nhiệt; hệ thống lò nung và các thiết bị sản xuất quy mô pilot khác.
Trong năm 2016, Viện đã được Bộ Công Thương đầu tư phê duyệt Dự án Nâng cao năng lực nghiên cứu và kiểm định sành sứ – thủy tinh thuộc Viện Nghiên cứu Sành sứ – Thủy tinh Công nghiệp, nhằm tăng cường năng lực cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động nghiên cứu và kiểm định của Viện (Quyết định số 4312/QĐ-BCT). Theo đó, Viện đã được trang bị bổ sung phòng thí nghiệm chuyên ngành với hệ thống các thiết bị đồng bộ, đầy đủ chức năng từ gia công chế biến nguyên liệu, phân tích thành phần hóa học, cấu trúc, nhiệt; đo đạc, kiểm tra các đặc tính cơ lý của nguyên liệu, vật liệu thuộc ngành sành sứ – thủy tinh công nghiệp…
(1)
(2)
Một số sản phẩm của Viện: (1) Máy tráng men bán tự động dùng sản xuất sứ dân dụng cao cấp; (2) Trục sứ cách điện trong thiết bị lọc bụi tĩnh điện
Với vai trò là một viện nghiên cứu đầu tàu trong lĩnh vực công nghệ sành sứ - thủy tinh, trong những năm qua, Viện đã thực hiện nhiều nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng nhằm nâng cao công nghệ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành theo hướng hiện đại hóa.
Cụ thể, Viện đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu KH&CN cấp bộ; dự án sản xuất thử nghiệm thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản. Bên cạnh đó, Viện cũng hợp tác với một số công ty sản xuất thực hiện nghiên cứu men tự làm sạch sử dụng cho sản xuất gốm sứ – thủy tinh công nghiệp.
Trong giai đoạn 2014-2018, Viện đã phát triển 03 công nghệ mới về tuyển lọc cao lanh, sản xuất cyclone thủy lực ứng dụng trong tuyển khoáng, sản xuất sản phẩm trục sứ và trống sứ cách điện. Đồng thời công bố 14 báo cáo khoa học.
Từ năm 2018 trở đi, các nhiệm vụ KH&CN đã bước đầu được hình thành theo xu hướng giải quyết một nhóm công việc có định hướng phát triển lâu dài: 1) hướng nghiên cứu hoàn thiện công nghệ để chuyển giao công nghệ cho các đơn vị có nhu cầu; 2) hướng nghiên cứu về chế tạo sản phẩm gốm sứ kỹ thuật sử dụng trong ngành công nghiệp; 3) hướng nghiên cứu về quản lý chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, năm 2018 Viện đã tăng 236,24% doanh thu so với năm trước. Thành quả này có sự đóng góp từ các nghiên cứu KH&CN và dịch vụ KH&CN.
Trong thời gian tới, với năng lực và những thế mạnh hiện có, Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp đề xuất định hướng nghiên cứu tập trung vào 05 mảng chính: 1) nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, chuyển dịch tiêu chuẩn từ nước ngoài về quản lý chất lượng sản phẩm gốm sứ, thủy tinh dùng trong dân dụng và công nghiệp, nhằm giúp cơ quan quản lý trong việc quản lý chất lượng sản phẩm cũng như xây dựng hàng rào kỹ thuật; 2) nâng cao năng lực thử nghiệm, tập trung vào các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm; 3) nghiên cứu công nghệ, bài phối liệu tạo nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm khác; 4) nghiên cứu sản xuất các sản phẩm gốm sứ kỹ thuật phục vụ trong ngành công nghiệp như: bơm định lượng, bơm axit, bazo,..; 5) phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng các dự án sản xuất thử nghiệm cho các công nghệ đã được Viện phát triển trong thời gian qua.
Đây cũng là những nội dung phù hợp với định hướng Chiến lược giai đoạn 2021 – 2025 của Viện, cũng như bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
Copy link