Chuyển dịch năng lượng bền vững, góp phần thực hiện các cam kết giảm mức phát thải của Việt Nam
Ngày 22-23/11/2022, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) đã phối hợp tổ chức Chương trình Đối thoại quốc gia: “Chuyển dịch năng lượng bền vững – Quản trị, Tài chính và Công nghệ”.
Chương trình thuộc khuôn khổ Dự án “Năng lượng sạch, Chi phí hợp lý và An ninh năng lượng cho các quốc gia Đông Nam Á” (CASE) do Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu CHLB Đức (BMWK) tài trợ, với nội dung chính là tập trung vào các vấn đề thời sự xoay quanh chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam và Hội nghị COP 27.
Hội thảo là diễn đàn mở để các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước trao đổi về kế hoạch, định hướng, thách thức trong quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, thực hiện các cam kết về phát thải ròng. Tham dự sự kiện có ông Nguyễn Đức Hải, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Lê Quang Huy, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường - Quốc hội; ông Guido Hildner - Đại sứ Cộng hoà Liên bang Đức tại Việt Nam, cùng đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương Việt Nam, đại diện một số Bộ, ngành của Việt Nam cùng nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế. Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu khai mạc Chương trình, ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh sáng kiến tổ chức Hội thảo và kỳ vọng Đức sẽ chia sẻ nhiều kinh nghiệm về quá trình thực hiện chuyển dịch năng lượng ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là vai trò của Quốc hội Đức. Đồng thời, qua đây sẽ có nhiều thông tin cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ Đoàn giám sát của Uỷ ban TVQH đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại các kỳ họp của Quốc hội, mặc dù tập trung vào các giải pháp phòng, chống đại dịch Covid- 19 và Kế hoạch hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn dành thời gian quan tâm đến các chỉ tiêu, giải pháp về chuyển đổi năng lượng quốc gia; các đại biểu đã phản ánh ý kiến của cử tri, thực hiện chất vấn liên quan đến chuyển đổi năng lượng. Các cơ quan của Quốc hội như Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức giám sát một số ngành, địa phương về các dự án, chương trình có liên quan. Quốc hội Việt Nam tích cực tham gia các nội dung có liên quan tại các diễn đàn đa phương và song phương, hợp tác với các tổ chức quốc tế tại Việt Nam trên nhiều nội dung từ hợp tác trợ giúp kỹ thuật đến các chương trình sử dụng vốn tài trợ, vốn vay ODA và hỗ trợ các doanh nghiệp, khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo ông Nguyễn Đức Hải, Việt Nam đã và đang tiếp tục khẳng định luôn theo đuổi mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu theo nguyên tắc công lý, công bằng, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và hợp tác quốc tế; coi đây là cơ hội để thúc đẩy mô hình phát triển theo hướng xanh, tuần hoàn, cácbon thấp và bền vững. Quốc hội Việt Nam mong muốn các đối tác của Đức và Việt Nam, cũng như các nước Đông Nam Á tiếp tục tăng cường hợp tác trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu; các nước phát triển tiếp tục thúc đẩy thực hiện các cơ chế hỗ trợ tài chính, công nghệ, tri thức, kỹ năng quản trị cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, mong muốn được chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm trong xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về giảm phát thải khí nhà kính, phát triển năng lượng tái tạo, thực hiện mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn và phát triển bền vững phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, ông Guido Hildner - Đại sứ Cộng hoà Liên bang Đức tại Việt Nam cho biết, Chuyển dịch năng lượng công bằng hiện đang là một thách thức toàn cầu. Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang diễn ra với giá năng lượng tăng phi mã một lần nữa đặt ra sự cấp thiết phải đầu tư vào một cơ cấu năng lượng đa dạng, đặc biệt với các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) sạch, chi phí hợp lý và an toàn. Tại Đức, lĩnh vực Chuyển dịch năng lượng công bằng đã trở thành chủ đề thu hút mối quan tâm lớn từ cuối những năm 2000. Chuyển dịch năng lượng công bằng yêu cầu phải giảm thiểu biến đổi khí hậu mà không tạo gánh nặng không cân xứng với các thành phần bị ảnh hưởng trong xã hội, không chỉ khi nói tới sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Bài học kinh nghiệm từ Đức cho thấy rằng để chuyển dịch thành công, cần có sự cam kết lâu dài từ cộng đồng nhằm thực hiện bền vững việc thay đổi cấu trúc của tất cả các ngành liên quan, từ năng lượng đến giao thông vận tải, từ môi trường đến tài chính.
Đại sứ Guido Hildner chia sẻ, năm 2021, Đức đã đóng góp khoảng 8,1 tỷ Euro cho các cơ chế tài chính khí hậu quốc tế khác nhau, bao gồm cả hỗ trợ tài chính và kỹ thuật. Chính phủ Đức rất vinh hạnh khi hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực phát triển bền vững nói chung và chuyển dịch năng lượng nói riêng, trong đó có thể kể đến các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của Chính phủ Đức thông qua GIZ như hỗ trợ thiết kế các biểu giá điện hỗ trợ (FIT), nhờ đó thúc đẩy phát triển thị trường điện mặt trời và điện gió ở Việt Nam. Hoạt động hợp tác phát triển của Chính phủ Đức tại Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực năng lượng mà còn ở cả nhiều lĩnh vực khác như chính sách kinh tế vĩ mô, đào tạo nghề, phát triển thị trường lao động cũng như chính sách khí hậu.
“Chúng tôi nhận thấy rằng chuyển dịch năng lượng công bằng sẽ chỉ thành công khi có sự chung tay, hợp tác tích cực của các tổ chức, cơ quan nhà nước để thực hiện những thay đổi cần thiết trong tất cả các lĩnh vực liên quan của nền kinh tế. Trên tinh thần đó, với vai trò là đối tác tin cậy và lâu dài, chúng tôi luôn đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu tham vọng về năng lượng và khí hậu của quốc gia” – Đại sứ Guido Hildner nhấn mạnh.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh Việt Nam nổi lên là một nền kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng cao trong những năm gần đây với nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt là điện năng ngày càng lớn. Để đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng. Hội thảo sẽ là cơ hội này để các chuyên gia và đại biểu cùng nhau chia sẻ, trao đổi thẳng thắn những vấn đề các bên quan tâm, bảo đảm thực hiện được mục tiêu đề ra của Hội thảo, phục vụ thiết thực cho việc xây dựng pháp luật, triển khai giám sát trong phát triển năng lượng tại Việt nam.