A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn, hài hòa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường

Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, để phát triển bền vững, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là hướng đi hoàn toàn đúng đắn, phù hợp định hướng của Đảng và Nhà nước. Trong đó, kinh tế tuần hoàn được hiểu là mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”.

Hiện nay, hoạt động kinh tế vẫn chủ yếu dựa trên cách tiếp cận truyền thống, đó là kinh tế tuyến tính, sử dụng tài nguyên tăng dần. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thiếu hụt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đặc biệt là gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Đối với doanh nghiệp, kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài nguyên và tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên; hạn chế tối đa phát thải khí thải, chất thải rắn ra môi trường; giảm rủi ro cho doanh nghiệp và khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất...

Thay vì xem chất thải là vấn đề cần loại bỏ, chúng ta coi đó như là nguồn tài nguyên quý giá có thể tái sử dụng. Điều này giúp giảm lượng nguyên liệu mới cần khai thác và giảm thiểu ô nhiễm. Kết quả là, không chỉ giảm được chi phí và bảo vệ môi trường, mà còn thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế bền vững. Kinh tế tuần hoàn không chỉ xoay quanh việc tái chế vật liệu mà còn hướng đến việc giảm sử dụng những vật liệu khó tái chế, tạo ra một hệ thống kinh tế hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Để chuyển đổi thành công sang mô hình kinh tế tuần hoàn các chuyên gia cho rằng, cần đảm bảo 3 nguyên tắc, bắt đầu từ thay đổi thiết kế sản phẩm, gồm: Loại bỏ rác thải và ô nhiễm; tăng vòng đời sản phẩm và nguyên vật liệu; tái tạo các hệ sinh thái tự nhiên.

Đồng thời, mô hình này cần được doanh nghiệp áp dụng trong 5 giai đoạn: Cải tiến thiết kế sản phẩm nhằm tăng khả năng tái chế và tái sử dụng; quá trình sản xuất hạn chế/ không tạo ra rác thải; tiêu dùng có trách nhiệm; quản lý rác thải; biến chất thải thành nguồn nguyên liệu giá trị thông qua việc tái sử dụng và tái chế. 

Thực tiễn áp dụng kinh tế tuần hoàn ở cấp độ doanh nghiệp cho thấy, Việt Nam đã dần hình thành những mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn ở cấp độ chuỗi, nhóm và các doanh nghiệp riêng lẻ. 

Hệ thống xử lí nước thải được đầu tư hơn 100 tỉ đồng với đầu ra nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn Việt Nam và những chỉ tiêu nghiêm ngặt của Tập đoàn Ajinomoto.

Điển hình tại Công ty Ajinomoto Việt Nam, việc đẩy mạnh các hoạt động theo kinh tế tuần hoàn đã được thực hiện trong những năm qua. Từ tháng 2021, Ajinomoto Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam nhằm chung tay xây dựng và phát triển hệ thống tuần hoàn cho vật liệu bao bì. Theo đó, công ty đặt các biểu tượng “tái chế” trên bao bì để khách hàng nhận thức được rằng bao bì có thể tái chế.

Là một trong số ít các doanh nghiệp đạt được những thành công nhất định trong việc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, ở mỗi khâu trong quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm, Công ty Heineken Việt Nam đều chủ động thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Hiện nay 5/6 nhà máy của Heineken Việt Nam đã nấu bia bằng 100% năng lượng tái tạo. Với việc chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sinh khối và thu mua gần 40.000 tấn vỏ trấu và các phế phẩm/phụ phẩm nông nghiệp, doanh nghiệp đã hỗ trợ mang lại thu nhập lên tới 52,6 tỉ đồng cho người dân địa phương chỉ riêng trong năm 2019. Sáng kiến này là minh chứng cho việc kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường và cộng đồng, mà còn có giá trị về mặt kinh tế cho các doanh nghiệp địa phương.

Trong khâu đóng gói, 100% chai thủy tinh của Heineken được tái sử dụng hơn 30 lần. Nhờ vào đó, tỷ lệ chai thủy tinh tái sử dụng đạt 97%, ngoài ra 100% chai thủy tinh hết hạn sử dụng hoặc bị vỡ đều tiếp tục được đưa vào tái chế. Két nhựa đựng chai bia cũng được thiết kế theo hướng tái sử dụng nhiều nhất có thể. Cụ thể, những chiếc két bia của hãng có tuổi thọ từ 5 – 10 năm và cũng được tái chế sau khi hết hạn hoặc hư hỏng. Đối với sản phẩm đóng lon, Heineken sử dụng thùng giấy carton và lon nhôm, cũng có khả năng tái chế lên đến 100%. 40% nguyên liệu nhôm và 100% giấy carton là sản phẩm tái sinh.

Không chỉ các doanh nghiệp, nhiều khu công nghiệp cũng đã từng bước chuyển đổi sản xuất, kinh doanh sang kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững. Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh đã vận dụng ngày càng nhiều khái niệm “cộng sinh công nghiệp”, khi chất thải của doanh nghiệp này là nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp khác. Đơn cử, khí hơi nóng từ quá trình chưng cất dầu thực vật Cái Lân được chuyển sang tham gia quá trình sấy của nhà máy Meizan. Chất thải của các công ty sản xuất khuôn đúc được tận dụng làm gạch không nung, làm nguyên liệu cho hoạt động sản xuất khác..

Có thể thấy, Việt Nam có nhiều thuận lợi để chuyển đổi sang mạng lưới kinh tế tuần hoàn như: Sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khoa học và công nghệ đang góp phần hình thành những mô hình kinh doanh mới, sáng tạo và hiệu quả theo hướng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và chi phí. Kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp đột phá để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Song phát triển kinh tế tuần hoàn không phải trong một thời gian ngắn là có thể làm được, đây là một quá trình lâu dài, cần sự cố gắng, nỗ lực, sự đồng lòng của toàn dân trong các lĩnh vực khác nhau, không chỉ riêng lĩnh vực môi trường.


Tác giả: Ngọc Hân

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website