Doanh nghiệp sản xuất nỗ lực chuyển dịch sang mô hình kinh tế tuần hoàn
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam năm 2024 vừa được tổ chức ngày 10/12, tại Hà Nội, ông Jerome Stucki, Trưởng bộ phận Kinh tế tuần hoàn và Tài nguyên Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), cho biết các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam bước đầu đã thu được thành quả trong nỗ lực chuyển dịch sang mô hình kinh tế tuần hoàn.
Theo ông Stucki, Việt Nam đã xây dựng được 1.283 mô hình sử dụng năng lượng hiệu quả và sản xuất sạch (RECP). Trong đó có 783 mô hình đã được áp dụng bởi 125 doanh nghiệp trong nước và thu được kết quả ban đầu tích cực.
Bên cạnh việc khuyến khích áp dụng các mô hình tuần hoàn, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của ngành sản xuất, đại diện của UNIDO nhấn mạnh mô hình khu công nghiệp sinh thái (EIP) cần phải được xác định là một trong những trọng tâm trong chiến lược xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Trong mô hình EIP, phụ phẩm sản xuất của một nhà máy có thể trở thành nguyên liệu cho nhà máy khác. Các doanh nghiệp cũng có thể chia sẻ các dịch vụ như vận chuyển, logistic, năng lượng. Đối với các cộng đồng xung quanh, những tài nguyên và năng lực của EIP như khả năng xử lý nước thải, rác thải hay phát điện từ các nguồn tài tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời có thể được dùng để phục vụ cho người dân.
Tại các phiên thảo luận, các tham luận và ý kiến phát biểu đã cho thấy chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu của thời đại và được nhiều quốc gia trên thế giới đồng thuận. Đây là cơ hội để cộng đồng toàn cầu, trong đó có Việt Nam, chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm mục tiêu phát triển bền vững vì sức khỏe của người dân, môi trường thiên nhiên và trái đất.
Diễn đàn đã ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong quá trình hoàn thiện khung chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Điều này hoàn toàn phù hợp với các định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao về kinh tế tuần hoàn trong pháp luật bảo vệ môi trường. Qua đó, khẳng định việc chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn là phù hợp với yêu cầu đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Diễn đàn đã đánh giá cao những kết quả tích cực trong thực tiễn xây dựng và triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn. Nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn đã được triển khai trong thực tế như tiến hành thực hiện cộng sinh công nghiệp, tái chế phụ phẩm của ngành dệt may, tuần hoàn chất thải hữu cơ trong nông nghiệp, thiết kế tuần hoàn cho bao bì nhựa, tái chế chất thải, v.v. Các cơ chế hỗ trợ cho kinh tế tuần hoàn như tiếp cận các nguồn tài chính từ ngân hàng thương mại, triển khai các sáng kiến khởi nghiệp về kinh tế tuần hoàn cũng đã được chia sẻ tại Diễn đàn.