Quản lý vận hành các nguồn điện gió, điện mặt trời và điện khí tại Việt Nam góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững
Ngày 30/8/2022, tại thành phố Hồ Chí Minh, Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương) phối hợp với Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam, Trung tâm Thông tin Năng lượng tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Chính sách cho phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời và điện khí tại Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi về hiện trạng và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các nguồn điện gió, điện mặt trời và điện khí tại Việt Nam.
Trong ba năm thực hiện cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, với cơ chế giá cố định khuyến khích - FIT, đến 31/12/2020 hệ thống điện đã tiếp nhận khoảng 17.000 MW điện mặt trời. Cũng cơ chế giá FIT tương tự, đến ngày 31/10/2021 hệ thống điện đã tiếp nhận khoảng 4.000 MW điện gió được đưa vào vận hành. Các cơ chế ưu đãi khuyến khích này đã tạo thuận lợi lớn cho các nhà đầu tư khai thác tiềm năng, phát triển rất nhanh các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững theo định hướng của Bộ Chính trị trong Nghị quyết 55/NQ-TW.
Các cơ chế giá FIT cho điện gió, điện mặt trời đã tạo động lực thúc đẩy phát triển một lượng lớn công suất điện mặt trời và điện gió, tạo tiền đề cho việc ngày càng tăng cao tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khối ASEAN về quy mô và tỷ lệ các nguồn điện gió và mặt trời, chiếm tới 27% tổng công suất nguồn điện (tín đến quý 1/2022). Bên cạnh đó, thời gian gần đây, với xu hướng giảm dần nhiệt điện than và phát triển các nguồn năng lượng sạch hơn, nhiều địa phương đã kiến nghị không dành quỹ đất cho đầu tư điện than dù đã có trong quy hoạch điện lực quốc gia, đồng thời xuất hiện trào lưu đề nghị đầu tư nhà máy điện khí hoá lỏng (LNG) tại các địa phương. Tuy nhiên, cơ chế về huy động vốn đầu tư từ tư nhân, cơ chế tham gia thị trường điện đối với loại hình điện khí này vẫn chưa rõ ràng, có thể dẫn đến những rủi ro không nhỏ cho nhà đầu tư, kể cả những lúng túng về pháp lý đối với bên mua điện và cơ quan điều hành thị trường điện.
Để tháo gỡ nhưng bất cập nêu trên, tiếp tục xu thế phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính Trị, cũng như hướng tới mục tiêu trung hoà carbon vào năm 2050, Hội thảo quốc tế về: “Chính sách cho phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời và điện khí tại Việt Nam” là sự kiện nhằm hội tụ các thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm xung quanh vấn đề này và có các đề xuất, kiến nghị để Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách mới phù hợp. Tham luận tại Hội thảo là các cơ quan quản lý nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty trong nước và quốc tế như: Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Vụ Dầu khí và Than, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Hồ Chí Minh, Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Khí Việt Nam… Cùng với đó là các tham luận của các nhà đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành, cấp tín dụng: Tập đoàn T&T, BB Group, Công ty CP Xây dựng Công trình IPC, Tập đoàn Sao Mai Group, Marubeni Power Việt Nam, Equinor ASA tại Việt Nam, VinaCapital, Ngân hàng HDBank v.v... Tại Hội thảo, các diễn giả, chuyên gia, nhà khoa học về kinh tế, năng lượng sẽ có những ý kiến phản biện, thảo luận một số cơ chế, chính sách phát triển các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam và đề xuất các giải pháp.
Nội dung chính của hội thảo sẽ bao gồm các chủ đề:
Về đầu tư năng lượng tái tạo và điện khí: Các chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo sẽ nêu những khó khăn, khả năng hoàn thành, mức độ rủi ro tài chính của các dự án, nguyện vọng của các chủ đầu tư và đề xuất các kiến nghị tháo gỡ. Các nhà đầu tư nêu những tiềm năng thị trường, kinh nghiệm, năng lực của nhà đầu tư, đề xuất về chính sách và khả năng đầu tư phát triển năng lượng tái tạo theo hướng phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư điện khí, nhiên liệu khí hoá lỏng LNG nêu tiềm năng, xu hướng và đề xuất chính sách phát triển điện khí trong chuỗi dự án khí - điện, các kiến nghị tháo gỡ những rào cản, bất cập hiện nay và chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế.
Về công nghệ: Các nhà sản xuất, các nhà cung cấp thiết bị, công nghệ giới thiệu tiềm năng sản xuất, cung cấp các thiết bị điện gió, điện mặt trời tiên tiến và công nghệ nâng cao hiệu suất cho các loại hình dự án này tại Việt Nam; Xu hướng công nghệ và giảm giá thành sản xuất điện gió, kể cả điện gió ngoài khơi và điện mặt trời trong thời gian tới; Giải pháp về công nghệ của điện mặt trời, điện gió (đặc biệt là công nghệ về inveter, turbine, bộ điều tốc...) để giảm tác động xấu đến vận hành hệ thống điện khi đấu nối tích hợp tỷ lệ cao. Giải pháp giảm chi phí quản lý, vận hành, nâng cao tính ổn định và hiệu quả cho các nhà máy điện gió, điện mặt trời; Xu hướng công nghệ của điện khí với các vấn đề về hiệu suất và tiêu chuẩn thiết bị mới.
Về nghiên cứu cơ hội và khả năng huy động vốn: Các nhà tư vấn, nhà quản lý vận hành trao đổi, thảo luận về các kết quả nghiên cứu: Tiềm năng, cơ hội phát triển các vùng điện mặt trời, điện gió, điện khí ở các miền của Việt Nam; Những vấn đề kỹ thuật cần giải quyết khi đầu tư nguồn năng lượng tái tạo và điện khí tập trung.
Các tổ chức tài chính và ngân hàng giới thiệu và trao đổi về: Tiềm năng, chính sách cho vay vốn với các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Những nguyên tắc và điều kiện cho các chủ đầu tư vay vốn để phát triển dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí.
Về cơ chế, chính sách: Các cơ quan quản lý nhà nước và tư vấn chính sách giới thiệu, trao đổi và kiến nghị để ban hành: Cơ chế về mua bán điện trực tiếp DPPA; Cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời, điện khí; Chính sách lưu ý về quy hoạch, kế hoạch triển khai danh mục các dự án…
Kết thúc Hội thảo, Ban tổ chức phối hợp các đơn vị quản lý chức năng Bộ Công Thương sẽ báo cáo tổng hợp đầy đủ các tham luận, phản biện, kiến nghị tại Hội thảo để đề xuất tới Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét, sớm ban hành các quy định phù hợp, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho các nhà đầu tư, nhà sản xuất cung cấp thiết bị, cũng như tổ chức tín dụng Việt Nam và quốc tế, tạo điều kiện cho các dự án năng lượng nói chung, năng lượng tái tạo nói riêng phát triển bền vững theo định hướng Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.