A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai thực hiện hoạt động đo đạc, kiểm kê, giám sát phát thải khí nhà kính

Ngày 23/8, tại thành phố Bà Rịa, Vũng Tàu, trong khuôn khổ hợp tác về hỗ trợ kỹ thuật giữa Bộ Công Thương và USAID, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững đã phối hợp với Chương trình V-LEEP II tổ chức “Hội thảo tập huấn về Hướng dẫn kỹ thuật Đo đạc, Báo cáo, Thẩm định (MRV) giảm phát thải và kiểm kê khí nhà kính (KNK) ngành Công Thương”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đặng Hải Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, nhiều Chính phủ các quốc gia trên thế giới đã ban hành các cơ chế, chính sách không chỉ tác động phát thải carbon trong nước mà còn điều chỉnh đến các hoạt động phát thải khí nhà kính ở ngoài biên giới, trên phạm vi toàn cầu như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh Châu Âu đã và đang tác động đến các ngành ngành của Việt Nam như phân bón, sắt thép, xi măng, nhôm. Và cơ chế tương tự như CBAM của EU đã và đang được các quốc gia khác bắt đầu xây dựng và sớm ban hành như Mỹ, Anh, Úc...

Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, ông Đặng Hải Dũng phát biểu khai mạc hội thảo

Để thực hiện nhiệm vụ được quy định của Nghị định của Chính phủ về giảm phát thải khí nhà kính, các cơ quan quản lý của Trung ương và Sở Công Thương các địa phương và các doanh nghiệp cần thiết lập hệ thống nhằm tuân thủ quy định về kiểm kê, đo đạc, báo cáo và thẩm định giảm phát thải khí nhà kính nhằm từng bước kiểm soát và thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo quy định và đáp ứng các yêu cầu về giảm phát thải các-bon khi lưu thông hàng hóa tại các thị trường lớn trên Thế giới.

Do đó, Phó Vụ trưởng Đặng Hải Dũng khuyến nghị các doanh nghiệp ngành Công Thương cần chủ động tìm hiểu kỹ các quy định của CBAM để có những giải pháp ứng phó phù hợp và chủ động tính toán, báo cáo về mức phát thải các-bon trong quá trình sản xuất kinh doanh của mình một cách minh bạch, đầy đủ và thống nhất. “Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và chính quyền địa phương nỗ lực triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong việc kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính để các Doanh nghiệp có thể thực hiện đầy đủ quy định pháp luật về biến đổi khí hậu và đáp ứng được các yêu cầu của thị trường về giảm dấu vết các bon các sản phẩm, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu” – ông Đặng Hải Dũng khẳng định.

Tại hội thảo lần này, các sở Công Thương, một số doanh nghiệp ngành Công Thương, các hiệp hội ngành nghề, các đơn vị tư vấn và nghiên cứu  và các đơn vị có liên quan tại các tỉnh phía Nam sẽ được tập huấn, nâng cao năng lực thực hiện các hoạt động đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính.

Thông qua hội thảo, doanh nghiệp trong ngành Công Thương được hướng dẫn cụ thể về phương pháp, quy trình, cách thức tổ chức, triển khai thực hiện các hoạt động đo đạc, kiểm kê, giám sát phát thải khí nhà kính tại doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý ở địa phương được trang bị các kiến thức về kiểm kê và đo đạc, báo cáo và thẩm định kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, làm cơ sở cho các hoạt động quản lý nhà nước tại địa phương theo quy định của pháp luật. Việc nâng cao năng lực về MRV và kiểm kê phát thải KNK của ngành Công Thương sẽ góp phần quan trọng phục vụ quá trình tham gia thị trường các-bon tại Việt Nam trong tương lai.

Ông Hoàng Văn Tâm, chuyên viên chính Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) chia sẻ tại hội thảo

Tại Hội thảo tập huấn, các chuyên gia của Chương trình V-LEEP II đã trình bày các phương pháp tính toán lượng phát thải KNK, cách thức thu thập số liệu, kiểm kê và lập báo cáo kiểm kê lượng phát thải KNK, từ đó xây dựng kế hoạch giảm nhẹ và thẩm định kết quả giảm phát thải KNK. Các đại biểu tham dự cũng có cơ hội thực hành các kiến thức và kỹ năng này và được đại diện Vụ TKNL&PTBV cùng các chuyên gia giải đáp các thắc mắc liên quan.

Từ năm 2023, thông qua Chương trình V-LEEP II, USAID đã và đang hỗ trợ kỹ thuật cũng như chia sẽ chia sẻ các kinh nghiệm thực hành tốt cũng như các thông lệ quốc tế liên quan đến kiểm kê khí nhà kính, MRV giảm phát thải. USAID sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Vụ TKNL&PTBV trong quá trình xây dựng thực hiện các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính ngành Công Thương.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website