Ngành da giày nghiên cứu áp dụng các phương pháp "xanh" vào quy trình sản xuất
Để đáp ứng các thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp ngành da giày đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh hóa sản xuất, thích ứng các tiêu chuẩn xanh cũng như các quy định về xuất xứ hàng hóa.
Quý I/2024, xuất khẩu toàn ngành da giày đã đạt 5,6 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Về thị trường xuất khẩu, 5 thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, Da giày là ngành tận dụng tốt các FTA, nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định EVFTA, CPTPP.
Hiệp hội Da - Giày - Túi xách (Lefaso) dự báo, năm 20204 xuất khẩu ngành da giày sẽ gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, xác định giày dép là ngành xuất khẩu chủ lực của quốc gia với sản phẩm chất lượng và có tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, duy trì vị trí thứ 2 trên thế giới (sau Trung Quốc, với 1,276 tỷ đôi/năm, chiếm 7,3% thị phần).
Mục tiêu của ngành da giày đến năm 2030 là tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách đạt 38 - 40 tỷ USD. Đến năm 2035, ngành sẽ phát triển hiệu quả và bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước; tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển được một số thương hiệu tầm khu vực và thế giới.
Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất da giày tại Việt Nam đang không ngừng nỗ lực học hỏi, áp dụng các phương pháp "xanh" vào quy trình sản xuất, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao vị thế của ngành da giày Việt trên thị trường quốc tế.
Để phát triển bền vững, giữ được các đơn hàng và thị trường, doanh nghiệp cần tái cơ cấu sản xuất gắn với tiết giảm chi phí kinh doanh; đồng thời nâng cao năng lực thiết kế, xây dựng thương hiệu, ứng dụng nguyên liệu mới và nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến tới tập trung sản xuất phù hợp với nhu cầu, xu hướng thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của nhà nhập khẩu.
Lãnh đạo Hiệp hội Giày da, túi xách tỉnh Bình Dương chia sẻ, giày dép là ngành được đánh giá gây ra phát thải lớn trong quá trình sản xuất, EU lại là thị trường xuất khẩu rất lớn đang áp dụng nhiều biện pháp sản xuất xanh. Do vậy, trong giai đoạn tới, doanh nghiệp trong lĩnh vực phải thay đổi để đáp ứng các quy định mới của EU.
Với việc "xanh hóa", ngành da giày đang từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu chi phí cho sản xuất, hướng đến phát triển bền vững. Đây cũng là lợi thế giúp da giày Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu