A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các mốc quan trọng của tiêu dùng bền vững trên thế giới và trong bối cảnh dịch Covid-19

Năm 1999, Liên Hợp quốc sửa đổi Hướng dẫn về bảo vệ người tiêu dùng (được ban hành năm 1985), trong đó có đưa ra một trong các mục tiêu chính cần đạt được trong công tác bảo vệ người tiêu dùng tại các quốc gia trên toàn thế giới là thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Có thể nói, năm 1999 là cột mốc xuất hiện chính thức đầu tiên của khái niệm tiêu dùng bền vững. Tuy nhiên, lịch sử của hoạt động này đã được hình thành từ trước đó nhiều thế kỷ và hiện tại, hoạt động này vẫn đang là một trong các vấn đề mang tính toàn cầu quan trọng của toàn nhân loại. 

Dưới đây là một số dấu mốc quan trọng về sự hình thành và phát triển của hoạt động tiêu dùng bền vững trên thế giới:

Năm 1798: Nhà nghiên cứu Thomas Malthus đã đưa ra cảnh báo về vấn đề tác động của sự gia tăng dân số đối với sự phát triển của xã hội, cụ thể: Sức mạnh của dân số lớn hơn nhiều lần so với sức mạnh của trái đất để tạo ra sự sống cho con người.

Năm 1972: Đã có sự thay đổi trong các nội dung tranh luận trong việc chuyển từ yếu tố dân số sang yếu tố môi trường có tác động tới sự phát triển của xã hội con người, cụ thể:

- Biên bản họp của Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường Con người đã đưa ra nhận định: Nếu khả năng biến đổi môi trường xung quanh của con người được sử dụng một cách thích hợp thì có thể mang lại cho tất cả mọi người lợi ích của sự phát triển và cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngược lại, nếu áp dụng sai hoặc không cẩn thận, sự thay đổi của môi trường có thể gây ra những tác hại khôn lường cho con người và môi trường sống của con người. Hội nghị cũng nhận ra việc bảo vệ môi trường cho các thế hệ hiện tại và tương lai đã trở thành một mục tiêu cấp thiết của nhân loại.

- Báo cáo “Giới hạn của sự tăng trưởng” của Câu lạc bộ Rôma đã nêu rõ mối liên hệ giữa phát triển kinh tế, xã hội với việc bảo vệ môi trường, lên tiếng cảnh báo nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, hủy hoại môi trường sống của con người do sự tăng trưởng kinh tế không có kiểm soát. Đồng thời, Báo cáo này cũng đề xuất một yếu tố quan trọng đối với một xã hội bền vững là người dân thế giới phải tiết chế không chỉ nhu cầu về con cái mà còn cả lối sống vật chất của họ… 

Năm 1987: Ủy ban Môi trường và Phát triển thế giới của Liên Hợp quốc đã nhấn mạnh nguy cơ của quá trình tiêu dùng và sản xuất vượt quá giới hạn của sinh thái và môi trường, gây nên nguy cơ khủng hoảng sinh thái toàn cầu và vấn đề ô nhiễm môi trường.

Năm 1992: Hội nghị của Liên Hợp quốc về Môi trường và Phát triển đã đưa ra kết luận: Nguyên nhân chính của tình trạng môi trường toàn cầu tiếp tục xấu đi là mô hình tiêu dùng và sản xuất không bền vững, đặc biệt là ở các nước công nghiệp, là một vấn đề đáng quan tâm, làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo và mất cân bằng.

Tiếp đó, cũng trong năm 1992, Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp quốc, gồm đại diện 179 nước tham dự tại Rio de Janero (Braxin) đã thông qua chiến lược phát triển bền vững và khẳng định rằng, phát triển bền vững là sự phát triển kinh tế - xã hội lành mạnh, dựa trên việc sử dụng hợp lí tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu của thế hệ con người hiện nay và không ảnh hưởng bất lợi đối với các thế hệ tương lai trong việc thỏa mãn những nhu cầu của họ. Những mục tiêu chủ yếu của chiến lược phát triển bền vững đã được mô tả cụ thể trong Chương trình hành động – Chương trình nghị sự 21 (Agenda 21), trong đó có mục tiêu về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Năm 1999: Liên Hợp quốc sửa đổi Hướng dẫn về bảo vệ người tiêu dùng và lần đầu tiên, khái niệm tiêu dùng bền vững được quy định chính thức. Theo đó, tiêu dùng bền vững được định nghĩa là tiêu dùng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về hàng hóa và dịch vụ theo cách bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.

Năm 2002: Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp quốc được tổ chức tại Johannesburg (Nam Phi) đã tiếp tục trao đổi về Chương trình nghị sự 21 đã được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Rio – 92 nêu trên và đã ban hành một Chương trình khung 10 năm để hỗ trợ các sáng kiến khu vực và quốc gia nhằm đẩy mạnh quá trình dịch chuyển tới các hình thức sản xuất và tiêu dùng bền vững để khuyến khích phát triển kinh tế-xã hội.

Năm 2003: Trong khuôn khổ các hoạt động của Chương trình khung 10 năm nêu trên, Liên Hợp quốc đã khởi động Chương trình Marrakech về Tiêu dùng và Sản xuất bền vững. Trong gần một thập kỷ, một liên minh các quốc gia đã cùng nhau làm việc để thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất bền vững, đặc biệt là thông qua hoạt động hướng dẫn xây dựng chính sách tại các nền kinh tế mới nổi.

Năm 2012: Hội nghị thượng định của Liên Hợp quốc về Phát triển bền vững (Rio + 20) tại Rio de Janeiro (Brazil) đã thông qua văn kiện "Tương lai mà chúng ta muốn", trong đó quyết định tiến hành xây dựng bộ tài liệu về các mục tiêu phát triển bền vững.

Năm 2015: Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp quốc về Phát triển bền vững tại New York thông qua 17 Mục tiêu phát triển bền vững, trong đó, Mục tiêu số 12 là Thúc đẩy các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững.

Để đảm bảo theo dõi và đánh giá tiến độ thực hiện các Mục tiêu trên phạm vi toàn thế giới, Liên Hợp quốc đã định kỳ hàng năm tổ chức Diễn đàn chính trị cấp cao về Phát triển bền vững. Diễn đàn là cơ hội để các quốc gia có thể chia sẻ các mô hình hiệu quả cũng như góp phần củng cố cam kết của các Chính phủ trong việc vận hành các mô hình tiêu dùng, sản xuất bền vững nói riêng cũng như đạt được sự phát triển bền vững nói chung.

Thúc đẩy tiêu dùng bền vững trong thời kỳ dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những tác động lớn tới mọi mặt của đời sống, ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế và an toàn sức khỏe, tính mạng của nhiều người trên thế giới. Tuy nhiên, dịch bệnh này cũng mang lại một số hiệu ứng tích cực nhất định, trong đó có nhận thức của người tiêu dùng về tiêu dùng bền vững.

Theo khảo sát mới đây được thực hiện bởi Viện nghiên cứu Giá trị doanh nghiệp thuộc tập đoàn IBM (IBM Institute for Business Value – IBV) , 14.000 người đến từ 09 quốc gia  cho thấy kết quả rất đáng quan tâm: 90% người được khảo sát cho biết Covid-19 đã làm thay đổi cách nhìn của họ về các vấn đề liên quan đến môi trường và tiêu dùng bền vững.

Mức độ sẵn sàng thay đổi hành vi cũng thay đổi rõ rệt khi 55% người tiêu dùng cho biết tính bền vững là yếu tố rất quan trọng hoặc cực kỳ quan trọng khi lựa chọn thương hiệu. 62% người tiêu dùng cũng sẵn sàng thay đổi hành vi mua hàng để giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.

Tại Việt Nam, mặc dù chưa có dữ liệu chính thức về chuyển đổi nhận thức của người tiêu dùng về các giá trị bền vững sau sự xuất hiện của dịch bệnh, nhưng có thể thấy, tiêu dùng bền vững đang ngày càng được quan tâm hơn trong cộng đồng người tiêu dùng và cả doanh nghiệp. Đặc biệt, sự kiện Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Kinh doanh lành mạnh – Tiêu dùng bền vững trong thời kỳ bình thường mới” đã thúc đẩy mạnh mẽ các giá trị bền vững trong chính sách kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như trong tiêu dùng hàng ngày của người tiêu dùng.

Khuyến cáo đối với doanh nghiệp

Doanh nghiệp, cửa hàng sử dụng túi giấy đựng sản phẩm thay cho túi ni-lông, hộp nhựa

Mặc dù Covid-19 mang lại nhiều bất lợi và khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng thực tế cho thấy, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp có thể phát triển theo hướng bền vững hơn, hướng tới các giá trị cộng đồng nhiều hơn. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, phân phối có thể tham khảo những khuyến cáo sau:

- Sử dụng vật liệu xanh, thân thiện với môi trường trong kênh phân phối;

- Cho phép người tiêu dùng chủ động trong việc không dùng sản phẩm nhựa khi mua hàng từ xa;

- Tạo cơ chế để người tiêu dùng tiếp tục mua hàng một cách bền vững thông qua cơ chế “làm đầy” (refill) – cho phép người tiêu dùng mang chai, lọ đã sử dụng đến để đựng sản phẩm. Hoạt động này nhằm giảm lượng bao bì nhựa chỉ sử dụng 1 lần hoặc những sản phẩm khó phân huỷ, bao gồm các sản phẩm gia dụng thường gặp trong nhà, dành cho cả người lớn và trẻ em, hoặc khi mang đi;

- Không gói hàng quá kỹ, quá nhiều gây lãng phí nguyên, vật liệu;

- Nếu có thể, cân nhắc việc thay thế quy trình sản xuất sử dụng năng lượng tự nhiên sang năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời…


Tác giả: Thu Ngân

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website