Người tiêu dùng chú trọng yếu tố bền vững, doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh
Tiêu dùng xanh đang trở thành một xu hướng không thể thiếu trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới tiêu dùng thông minh, bền vững, cũng như những sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường ngay từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và sử dụng sản phẩm.
Tiêu dùng bền vững là hành động lựa chọn sản phẩm và dịch vụ với mức tác động thấp nhất đối với môi trường và xã hội, từ khâu sản xuất, tiêu thụ cho đến khi sản phẩm đó được thải bỏ. Các hoạt động tiêu dùng bền vững bao gồm việc giảm thiểu lượng rác thải, tiết kiệm năng lượng, sử dụng sản phẩm tái chế hoặc tái sử dụng, chọn lựa sản phẩm có chứng nhận bảo vệ môi trường. Việc thúc đẩy tiêu dùng bền vững không chỉ nhằm bảo vệ môi trường mà còn tạo cơ hội cho sự phát triển bền vững trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ kinh tế, xã hội cho đến sức khỏe cộng đồng.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, nhu cầu tiêu dùng xanh tại Việt Nam đã tăng trưởng bình quân 15%/năm giai đoạn 2021-2023. Hơn 72% số người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh, cho thấy nhận thức và quan tâm của người tiêu dùng đối với vấn đề bảo vệ sức khỏe, môi trường ngày càng gia tăng.
Xu hướng của người tiêu dùng ngày nay không chỉ đòi hỏi sự thông minh về chất lượng sản phẩm, mà còn đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về tính xã hội và tính nhân văn của từng sản phẩm. Xu hướng tiêu dùng xanh kéo theo sự nở rộ của các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch nhằm đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm sạch, rõ nguồn gốc của người dân. Không ít siêu thị, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, ăn uống ưu tiên sản xuất, phân phối các sản phẩm “xanh”, đồng thời sử dụng các bao bì, vật dụng bằng chất liệu thân thiện môi trường thay vì chất liệu nhựa sử dụng một lần…
Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã chủ động triển khai các chương trình khuyến khích tiêu dùng xanh như: giảm thiểu rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon thay vào đó là túi giấy hoặc túi tái sử dụng. Các siêu thị lớn tại Việt Nam cũng khuyến khích người dân tái sử dụng túi, tích điểm cho khách hàng không dùng túi nilon, hoặc sử dụng lá chuối để gói thực phẩm thay vì túi nhựa, và thay đổi bao bì sản phẩm sang các loại thân thiện với môi trường.
Trong ngành F&B, nhiều cửa hàng cà phê và trà sữa đã chuyển sang sử dụng ống hút giấy, ống hút tre thay vì ống hút nhựa, hay sử dụng cốc giấy thay cho cốc nhựa dùng một lần, túi giấy thay cho túi nilon. Xu hướng này cũng đã thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thay thế từ nguyên liệu thân thiện với môi trường, như ống hút làm từ tre hoặc giấy.
Theo nhận định của các chuyên gia, sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong việc sản xuất, cung ứng hàng hóa theo các tiêu chí xanh, sạch, minh bạch thông tin sản phẩm để thu hút người tiêu dùng. Đồng thời, xu hướng sống xanh, tiêu dùng xanh cũng đặt ra bài toán mới cho các doanh nghiệp Việt Nam để phù hợp với xu thế phát triển chung và nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường trong nước và ngoài nước. Để thuận lợi bước chân vào các thị trường “khó tính”, như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… và có thể hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường này, ngoài việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp phải vượt qua bài toán “xanh” trong hoạt động sản xuất với nhiều tiêu chí, như xử lý đạt tiêu chuẩn chất thải phát sinh, sản xuất tiết kiệm năng lượng, giải pháp tái chế chất thải…
Tại thị trường trong nước, trước nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp cũng thay đổi chiến lược, chọn hướng kinh doanh “xanh, sạch” làm lợi thế cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp đầu tư bài bản công nghệ, trang thiết bị sản xuất để cải tiến quy trình, hướng tới sản xuất xanh, phát triển bền vững…
Việc cân bằng giữa mục tiêu lợi nhuận và chiến lược phát triển xanh là một thách thức không nhỏ, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Chi phí đầu tư để chuyển đổi sang công nghệ xanh là rất lớn, trong khi năng lực và trình độ quản lý của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế. Chính vì vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng và sẵn sàng đầu tư vào việc chuyển đổi mô hình sản xuất sang phương thức thân thiện với môi trường.
Xu hướng tiêu dùng xanh, sống xanh được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới. Do đó, sự dịch chuyển sản xuất xanh để bắt kịp nhu cầu thị trường là cơ sở để doanh nghiệp phát triển bền vững. Bên cạnh đó, xanh hóa sản xuất cũng thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng, xã hội, nhằm chung tay bảo vệ môi trường và hệ sinh thái chung.