Tiếp tục triển khai các nhóm nhiệm vụ ưu tiên nhằm thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững
Nhằm tổng kết hoạt động năm 2022, định hướng và đẩy mạnh các hoạt động thuộc Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững năm 2023 và những năm tiếp theo, ngày 20 tháng 7 năm 2023, tại thành phố Nha Trang, Bộ Công Thương đã tổ chức “Hội nghị toàn quốc về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững năm 2023”.
Tham dự hội nghị có đại diện các Bộ, ngành liên quan, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trung tâm Khuyến công, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng, các đơn vị, các tổ chức, cá nhân quan tâm đến hoạt động sản xuất sạch hơn, sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương phát biểu khai mạc hội nghị
Tại Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 (Chương trình) đã xác định mục tiêu “Thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Sản xuất và tiêu dùng bền vững có vai trò quan trọng trong đời sống, nhằm phát triển kinh tế hiệu quả, bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo và tái cơ cấu nền kinh tế. Đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững cần được triển khai đồng bộ, tập trung vào các hành động có tính đột phá, bổ sung và gắn kết các nội dung vào các chương trình liên quan hiện có.”
Năm 2022, để triển khai hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, Bộ Công Thương đã ban hành Quy chế hoạt động của Chương trình nhằm thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong quá trình triển khai thực hiện; Căn cứ vào danh mục nhiệm vụ năm 2022, Bộ Công thương đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, dự án nhằm đạt được mục tiêu đề ra như: Rà soát, bổ sung, xây dựng và hoàn thiện chính sách về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Trong đó, tập trung xây dựng định mức tiêu hao nguyên liệu cho các ngành giấy, nhựa, dệt may; Khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển nhiên liệu , vật liệu tái tạo, tái sinh; Thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường và đẩy mạnh áp dụng mô hình và liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm; Phát triển hệ thống phân phối, tiêu dùng bền vững, xuất nhập khẩu bền vững; Triển khai áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong một số lĩnh vực chế biến, chế tạo; Đặc biệt, truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai các hoạt động Sản xuất và tiêu dùng bền vững, năm 2023 Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan ban ngành và địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến các nhóm nhiệm vụ ưu tiên nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, thay đổi thói quen tiêu dùng của các tầng lớp nhân dân, nâng cao ý thức cộng đồng và thúc đẩy quá trình sản xuất bền vững, tiêu dùng bền vững hướng đến nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Cụ thể các nhóm nhiệm vụ sẽ được ưu tiên thực hiện trong năm 2023: Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, doanh nghiệp, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề về sản xuất và tiêu dùng bền vững; khảo sát, xây dựng định mức tiêu hao nguyên liệu trong các ngành công nghiệp, trong đó chú trọng đến một số ngành trọng yếu như: dệt may, thép, nhựa, hóa chất, xi măng, rượu bia, giấy, chế biến thuỷ hải sản và một số ngành sản xuất khác; xây dựng, ứng dụng và phổ biến các mô hình thu hồi, tái sử dụng và tái chế chất thải, các mô hình quản lý tổng hợp khai thác, chế biến và chế tạo, sản xuất và sử dụng bền vững nhiên liệu, nguyên liệu cho các ngành công nghiệp.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được lắng nghe những chia sẻ của đại điện Sở Công thương Hà Nội về kinh nghiệm triển khai các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, năm 2022, Sở Công Thương Hà Nội đã đẩy mạnh truyền thông về sản xuất và tiêu dùng bền vững; xây dựng mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững theo các ngành; cũng như hỗ trợ kỹ thuật đánh giá sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại, dịch vụ trong lĩnh vực công thương.
Hội nghị cũng dành nhiều thời gian để các đại diện doanh nghiệp trao đổi các giải pháp hạn chế rác thải nhựa, áp dụng tiêu dùng bền vững trong quản lý rác thải nhựa; chia sẻ những kinh nghiệm áp dụng sản xuất và tiêu dùng bền vững trong ngành dệt nhuộm; cũng như công nghệ khí hoá kinh tế tuần hoàn từ rác, để từng bước hoàn thành kế hoạch Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2023 và những năm tiếp theo.
Sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng của các quốc gia, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt. Tại Việt Nam, kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030. Chuyển dịch năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và nâng cao hiệu quả của Chương trình Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SCP) được coi là những trụ cột quan trọng mà Bộ Công Thương đang triển khai, nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu Netzero vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 (khẳng định tại COP27). |