A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai mạnh mẽ Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030

Bộ Công Thương đã và đang triển khai mạnh mẽ Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030. Chương trình tiếp cận theo vòng đời sản phẩm từ khâu khai thác, thiết kế, chế biến, sản xuất, tiêu dùng, thu hồi, tái chế, tái sử dụng và thải ra môi trường và hướng đến nền kinh tế tuần hoàn.

Đó là thông tin được bà Nguyễn Thị Lâm Giang – Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triên bền vững, Bộ Công Thương đưa ra tại Hội nghị quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2024, diễn ra ngày 19/9/2024, Thành phố Đà Nẵng. Hội nghị nhằm đánh giá thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm năm 2024, định hướng và đẩy mạnh các hoạt động thuộc Chương trình năm 2025 và những năm tiếp theo.

Hội nghị có sự tham gia của đại diện Bộ Công Thương, đại diện các Bộ, ngành liên quan, Sở Công Thương các tỉnh/thành phố, các trung tâm khuyến công các tỉnh/thành phố, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững tại các tỉnh, thành trên toàn quốc.

Ngày 24 tháng 6 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình). Chương trình đã xác định mục tiêu: Thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững Nguyễn Thị Lâm Giang cho biết, Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 tiếp cận theo hướng toàn diện và theo xu hướng thế giới nhằm bảo tồn và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liêu. Chương trình không chỉ khuyến khích các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân áp dụng khoa học, công nghệ và thay đổi phương thức quản lý nhằm hướng đến sản xuất xuất bền vững mà còn định hướng và thay đổi hành vi tiêu dùng hướng đến tiêu dùng bền vững tại Việt Nam, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu đã đặt ra của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Kết quả triển khai của Chương trình giai đoạn 2021-2024, Bộ Công Thương đã hoàn thiện chính sách pháp luật thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; Quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển nhiên liệu, nguyên vật liệu có thể tái tạo, tái sinh; Thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái, thiết kế để tái chế, tái sử dụng; Thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm; Phát triển hệ thống phân phối bền vững, xuất nhập khẩu bền vững; Thúc đẩy dán nhãn và chứng nhận nhãn sinh thái; Đẩy mạnh phát triển thị trường bền vững, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng; Đẩy mạnh mua sắm bền vững; Nâng cao năng lực, tăng cường giáo dục và thực hành lối sống bền vững; Thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn đối với chất thải; Đẩy mạnh truyền thông về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Thông tin cụ thể hơn về chương trình, ông Cù Huy Quang - Phó Chánh văn phòng Sản xuất và tiêu dùng bền vững, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) - cho biết, để thực hiện chương trình, Bộ Công Thương cũng đã đưa ra 15 nhiệm vụ để thực hiện như: Hoàn thiện khung chính sách; quản lý, khai thác bền vững tài nguyên; thiết kế bền vững; thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường; phát triển hệ thống phân phối bền vững, xuất nhập khẩu bền vững; dán nhãn và chứng nhận nhãn sinh thái; phát triển thị trường bền vững; mua sắm bền vững; nâng cao năng lực; áp dụng kinh tế tuần hoàn đối với chất thải rắn; đẩy mạnh truyền thông về sản xuất và tiêu dùng bền vững; xây dựng dữ liệu thông tin về sản xuất và tiêu dùng bền vững; phát triển khoa học công nghệ về SCP; thúc đẩy tiếp cận và hỗ trợ tài chính xanh; hợp tác quốc tế về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Để thực hiện mục tiêu Chương trình SCP đề ra, giải pháp tổng thể cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiến hành rà soát, lồng ghép và gắn kết nội dung về sản xuất và tiêu dùng bền vững vào trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các nội dung về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong các chương trình hiện có.

Trong đó với vai trò là cơ quan chủ trì, Bộ Công Thương đã thành lập Văn phòng sản xuất và tiêu dùng bền vững. Văn phòng đã giúp tham mưu, giúp việc cho Bộ Công Thương triển khai, thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động ưu tiên thuộc chương trình; làm đầu mối tổng hợp, phối hợp và giải quyết công việc liên quan đến chương trình; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng kế hoạch hàng năm thực hiện chương trình; theo dõi, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện chương trình.

Cũng theo ông Cù Huy Quang, Bộ Công Thương đang xây dựng Chỉ thị về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn của ngành và đã hoàn tất công tác lấy ý kiến của các bên liên quan. 

Để thực hiện Chỉ thị, Bộ Công Thương cũng đề ra các nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc Bộ, theo đó các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao sẽ triển khai các nhiệm vụ cụ thể theo từng đơn vị.

Đối với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ có nhiệm vụ: Chủ trì, phối hợp Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững đánh giá thực tiễn và tiềm năng áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, dự án thực hiện kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực ngành có tiềm năng tại địa phương; hàng năm, sử dụng nguồn kinh phí địa phương triển khai thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn trong các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nhân dịp này, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cũng giới thiệu Chỉ thị về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn (KTTH) của Bộ Công Thương. Theo đó, nhiệm vụ chung của Chỉ thị gồm: Xây dựng, phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện kinh tế xanh, KTTH của ngành, lĩnh vực, sản phẩm phù hợp với kế hoạch hành động quốc gia. Tăng cường quản lý tài nguyên, nguyên liệu, khai thác, sử dụng năng lượng tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững, chú trọng sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, vật liệu mới, hạn chế đến mức thấp nhất rác thải trong từng công đoạn của vòng đời sản phẩm, tái sử dụng nguyên vật liệu có sẵn... hướng tới nền kinh tế xanh, KTTH.

Tại hội nghị, Trung tâm sản xuất sạch Việt Nam đã có bài tham luận về sản xuất bền vững hướng đến kinh tế tuần hoàn trong một số ngành công nghiệp. Viện Da giày, Hiệp hội Dệt May, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai, những khó khăn và thuận lợi khi áp dụng sản xuất và tiêu dùng bền vững.


Tác giả: Hương Nguyễn

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website