A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ứng dụng công nghệ trong việc chuyển đổi năng lượng xanh hydrogen

Hydrogen là một trong những nguồn nhiên liệu thay thế sạch và được coi là công nghệ hàng đầu trong các nỗ lực giảm khí thải cacbon trên phạm vi toàn cầu. Theo đó, việc tiếp cận thông tin và ứng dụng công nghệ trong việc chuyển đổi năng lượng xanh hydrogen tại Việt Nam cũng đang thu hút nhiều sự quan tâm. 

Ngày 7/3, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Trung tâm ASEAN – Nhật Bản (AJC), Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức hội thảo “Ứng dụng và phát triển công nghệ Hydrogen trong việc chuyển đổi năng lượng xanh”.

Hội thảo được tổ chức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thông tin và ứng dụng công nghệ trong việc chuyển đổi năng lượng xanh hydrogen, đồng thời đưa ra những giải pháp hỗ trợ sản xuất, sử dụng, lưu trữ và vận chuyển nhằm hình thành chuỗi cung ứng hydrogen xanh.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho biết, Việt Nam đang triển khai những bước đầu của việc chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh, sạch hơn; đưa ra nhiều cơ chế chính sách nhằm đạt được mục tiêu chuyển dịch năng lượng bền vững phù hợp với các định hướng chiến lược theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị cũng như các cam kết của Chính phủ về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hiện nay, Việt Nam đang triển khai những bước đầu của việc chuyển dịch năng lượng, từ năng lượng truyền thống sang các loại năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, sạch. Đây cũng là xu hướng tất yếu trên thế giới, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và nền kinh tế bền vững.

Thông qua hội thảo các cơ quan quản lý Nhà nước, nhà đầu tư và chuyên gia, doanh nghiêp sẽ có thêm được góc nhìn tổng thể về vai trò của hydro xanh, giúp cho quá trình xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách phát huy hiệu quả, từ đó hỗ trợ phát triển ứng dụng, sản xuất hydro xanh cho mục đích giảm phát thải khí nhà kính và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch ở Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã đạt được kết quả nhất định trong việc gia tăng tỷ lệ nguồn điện tái tạo trong cơ cấu công suất hệ thống điện, đồng thời có kế hoạch phát triển các nguồn điện ít phát thải hơn và chuyển đổi nhiên liệu trong gian tới. Được sản xuất ra từ năng lượng gió và mặt trời, hydrogen là một trong những nguồn nhiên liệu thay thế sạch và được coi là công nghệ hàng đầu trong các nỗ lực giảm khí thải cacbon trên phạm vi toàn cầu. Hiện nay, hydro xanh được sản xuất ở 2 vùng tiềm năng nhất là vùng duyên hải Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nam Bộ.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Takizawa Yasunori, Phó Cục trưởng Cục Chính sách Khoa học, Công nghệ và Môi trường Công nghiệp (Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản) cho biết, Chính phủ Nhật Bản đã thiết lập một chiến lược toàn diện trong 10 năm để từng bước chuyển đổi sang năng lượng xanh, với nguồn kinh phí khoảng 20 nghìn tỷ Yên và đặt mục tiêu thu hút đầu tư thêm 150 nghìn tỷ Yên từ các doanh nghiệp tư nhân. Hiện nay, Nhật Bản đã xây dựng cộng đồng các doanh nghiệp chuyển đổi xanh, trung hòa carbon với hơn 670 doanh nghiệp tham gia. 

Hydrogen là nguồn năng lượng sạch, gần như không phát thải khí ô nhiễm mà chỉ sinh ra hơi nước, sau đó nước qua quá trình điện phân lại có thể thu được Hydrogen. Vì vậy, Hydrogen là nguồn năng lượng gần như vô tận hay có thể tái sinh được, là xu hướng tất yếu trên thế giới, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế bền vững. Tại Việt Nam, Hydrogen là một trong những giải pháp cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ đến năm 2050 sẽ phát thải ròng bằng không.

Theo đại diện Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương), hydrogen tại Việt Nam hiện đang được sản xuất và tiêu thụ tại chỗ trong các nhà máy lọc, hóa dầu và đạm. Một lượng nhỏ hydrogen được sử dụng trong sản xuất thép, kính nổi, điện tử, thực phẩm.

Tuy nhiên, việc sản xuất và tiêu thụ hydrogen tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Đó là công nghệ điện phân với chi phí đầu tư lớn, phí vận hành và bảo trì cao; Thiếu hành lang pháp lý quản lý lĩnh vực hydrogen như tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định an toàn…; chưa có cơ chế chứng nhận Green Hydrogen; Thiếu hệ thống phục vụ cơ sở hạ tầng hydro và phát triển chuỗi cung ứng nói riêng; và thách thức về nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất hydrogen.

Nếu khắc phục được thách thức, sản xuất được hydrogen, Việt Nam sẽ đứng trước nhiều cơ hội như đã có thị trường sẵn có cho đầu ra của hydro xanh như sản xuất amoniac, thép, phân bón, hóa chất, lọc hóa dầu thay thế cho hydro xám (hydro được sản xuất từ nguồn khí thiên nhiên, than đá) trong nước; có tiềm năng sử dụng lớn trong tương lai để khử carbon trong lĩnh vực giao thông vận tải. Sử dụng hydrogen sẽ giảm tính gián đoạn của các nguồn năng lượng tái tạo qua việc lưu trữ trong thời gian dài. Và việc sản xuất hydrogen (với giá thành cạnh tranh) hoàn toàn có cơ hội để xuất khẩu sang các nền kinh tế lớn ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được tiếp cận, lắng nghe một số chính sách về chuyển đổi năng lượng hướng tới cân bằng khí thải, với việc tập trung về phát triển hydrogen ở Nhật Bản; thông tin về định hướng của Bộ Công Thương về quy hoạch năng lượng hydrogen; Tiềm năng năng lượng tái tạo về phát triển hydro xanh tại Việt Nam; Các giải pháp hỗ trợ sản xuất, sử dụng hydrogen xanh và các nguồn lực phù hợp, đồng bộ nhằm hình thành chuỗi cung ứng hydrogen xanh.

Ngoài ra, các diễn giả trong chương trình cũng giới thiệu những mô hình phát triển, ứng dụng và công nghệ hydro Nhật Bản; tiềm năng đầu tư và phát triển ngành năng lượng Việt Nam từ Nhật Bản; Hợp tác bảo tồn năng lượng giữa Nhật Bản và Việt Nam; Trung hòa carbon tại Việt Nam – Quan điểm kinh doanh. 


Tác giả: Nhật Linh

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website