A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam sẽ tiết kiệm được khoảng 1 tỷ đô mỗi năm nếu thay thế 10% lượng than nhập khẩu hàng nằm bằng nguồn sinh khối của địa phương

Vừa qua, tại Ninh Bình, Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn “Ứng dụng công nghệ đồng đốt tại các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam: tiềm năng sinh khối và công nghệ hiện có”.

Hội thảo là một phần của Dự án “Bảo vệ Khí hậu thông qua Phát triển Thị trường Năng lượng Sinh học Bền vững ở Việt Nam” do Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên, An toàn Hạt nhân và Bảo vệ Người tiêu dùng CHLB Đức (BMUV) thông qua Quỹ Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) tài trợ. Trong những năm vừa qua, Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh, đây là yếu tố chính khiến cho nhu cầu dùng điện tăng mạnh. Bên cạnh đó, Việt Nam có tiềm năng lớn trong lĩnh vực sản xuất năng lượng sinh khối nhờ vào các nguồn tài nguyên sẵn có từ các phế phẩm sau khi thu hoạch và sau khi chế biến các sản phẩm nông lâm, từ các loại phế thải như bã mía, rơm rạ, vỏ trấu, vỏ cà phê, vỏ dừa, mùn cưa…

Tại Hội thảo, ông Christoph Kwintkiewicz, chuyên gia quốc tế cho biết, Nếu thay thế 10% lượng than nhập khẩu hàng năm (tương đương với 4.000 triệu tấn) bằng nguồn sinh khối địa phương, Việt Nam sẽ tiết kiệm được khoảng 1 tỷ USD mỗi năm, đồng thời tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương. Trong phần thuyết trình của mình, ông Christoph cũng trình bày về các kinh nghiệm quốc tế liên quan đến khung chính sách, tiêu chuẩn kỹ thuật và kinh tế. Đồng thời, đưa ra các khuyến nghị sử dụng nguồn viên nén gỗ mà Việt Nam đang có nhiều tiềm năng xuất khẩu cho các nhà máy điện than và đồng đốt thay than để giảm CO2.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, Việt Nam đứng thứ 2, sau Hoa Kỳ về chế biến và xuất khẩu viên nén gỗ vì vậy đây là cơ hội đối với việc ứng dụng công nghệ đồng đốt tại các nhà máy nhiệt điện thay vì xuất khẩu. Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Năng lượng bền vững (RISE) cũng đã đánh giá các tiêu chí đối với công nghệ đồng đốt và khả năng áp dụng tại Việt Nam, trình bày kết quả nghiên cứu về thị trường sinh khối, khảo sát thực tế tại các nhà cung cấp sinh khối và nhà máy nhiệt điện, đưa ra tính toán với một số trường hợp cụ thể khi áp dụng đồng đốt sinh khối. Ngoài ra, ông Đỗ Việt Hòa, Phó Tổng giám đốc Công ty CP nhiệt điện Ninh Bình trình bày nghiên cứu điển hình thử nghiệm về công nghệ đồng đốt tại Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình.

Sau khi hoàn thành những phần trình bày, các diễn giả đã có buổi tọa đàm với các đại biểu, xoay quanh các vấn đề của thị trường sinh khối tiềm năng, cơ hội đối với ứng dụng công nghệ đồng đốt tại Việt Nam. Dựa trên các ý kiến thảo luận và góp ý của các đại biểu tại buổi hội thảo, dự án BEM cùng nhóm chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ hoàn thiện báo cáo “Nghiên cứu công nghệ đồng đốt tại các nhà máy nhiệt điện than để xác định tiềm năng và cơ hội chuyển đổi nguồn nguyên liệu đầu vào thay thế cho than”.  

Dự án Bảo vệ Khí hậu thông qua Phát triển Thị trường Năng lượng Sinh học Bền vững ở Việt Nam do Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Liên bang Đức (BMU) tài trợ với thời gian thực hiện từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2023. Dự án do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thực hiện với mục tiêu là cải thiện các điều kiện tiền đề cho việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên sinh khối để sản xuất điện và nhiệt trong cả nước. Trọng tâm dự án là nâng cao năng lực lập quy hoạch, năng lực kỹ thuật chuyên môn và tài chính cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực năng lượng sinh khối nhằm thực hiện các dự án đầu tư đạt hiệu quả. Dự án tập trung vào 3 lĩnh vực hoạt động chính như: xây dựng Khung chính sách; nâng cao năng lực; hợp tác kỹ thuật.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website