A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thanh niên Việt Nam tiên phong trong hoạt động thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

Với tính sáng tạo và năng động, thanh niên Việt Nam đã và đang tiên phong tìm hiểu và tham gia vào các giải pháp hiện có cũng như xây dựng những giải pháp mới trong các lĩnh vực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, với nhiều dự án dựa vào tự nhiên.

Hiện nay, biến đổi khí hậu là vấn đề thách thức lớn với các quốc gia trên toàn thế giới, tác động đến mọi mặt như kinh tế, chính trị, ngoại giao và an ninh toàn cầu. Đứng trước xu thế biến đổi khí hậu và trong bối cảnh toàn cầu mới, các công tác ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta cần được đặt ở vị trí trung tâm, hướng tới thực hiện mục tiêu toàn cầu và được thực hiện hiệu quả, thực chất và minh bạch, đồng thời thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường góp phần đạt mục tiêu “Net zero” vào năm 2050.

Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 đã đặt ra mục tiêu chính là chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế. Theo đó, thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên cao nhất trong các quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, đây cũng là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, của mỗi người dân và toàn xã hội. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt; người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện cùng với sự tham gia hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội.

Thanh niên Việt Nam là lực lượng nòng cốt đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống chính trị. Với tính sáng tạo và năng động, thanh niên Việt Nam đã và đang tiên phong tìm hiểu và tham gia vào các giải pháp hiện có cũng như xây dựng những giải pháp mới trong các lĩnh vực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, với nhiều dự án dựa vào tự nhiên. Theo dự thảo Báo cáo Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu, ở cấp độ quốc gia, hiện nay có 68,8% thanh niên Việt Nam đã biết đến Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, 12,5% thanh niên chưa nắm rõ về chiến lược và 18,7% thanh niên hoàn toàn chưa biết gì về Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Như vậy nhìn chung thanh niên Việt Nam đã có những hiểu biết nhất định về chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu.

Năm 2020, Chương trình Sáng kiến Youth4Climate đã được Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) triển khai với mục đích nâng cao năng lực của đại diện thanh niên và các mạng lưới thanh niên hiện có, đẩy mạnh các hành động khí hậu ở nhiều chủ đề, nhằm thúc đẩy thực hiện “Đóng góp do quốc gia tự quyết định” (NDC) của Việt Nam. Sáng kiến này được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của UNDP trong huy động và làm việc với thanh niên và học sinh/sinh viên ở Việt Nam.Với hỗ trợ từ chuyên gia của Bộ TN&MT, UNDP, Chương trình sáng kiến Youth4Climate đã tổ chức nhiều hoạt động cho thanh niên ở khắp các vùng miền trên cả nước, trong đó có 3 dự án tiêu biểu liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bằng các hoạt động giảm rác thải nhựa bao gồm:

Dự án Vert Xanh là một dự án được thành lập bởi 3 bạn trẻ trường THPT trên địa bàn Hà Nội, hướng tới mục tiêu xây dựng không gian học tập xanh, văn minh, hiện đại cũng như thay đổi nhận thức, phát triển tư duy của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ môi trường. Từ năm 2019, nhóm đã triển khai những dự án nhỏ ở trường THCS Nghĩa Tân như thu gom pin cũ, làm gạch Ecobrick, thường xuyên phát thanh truyền thông về những vấn đề môi trường trước loa trường... Cuối năm 2019, căng tin trường THCS Nghĩa Tân đã thay thế toàn bộ cốc, bát nhựa sử dụng một lần dưới sự đề xuất của Vert Xanh. Từ năm 2020, Vert Xanh đã triển khai Vert Tour - chuỗi sự kiện điểm nhấn nhằm lắp đặt mô hình thu gom và phân loại rác thải tại nguồn tại các trường THCS và THPT trên địa bàn Hà Nội. Sự kiện chính Vert Tour - Chim báo bão đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia của 1.800 bạn học sinh đến từ các trường THCS, THPT như THCS Nghĩa Tân, THPT Chu Văn An...

Dự án Green Beli là dự án giảm rác thải nhựa tại Việt Nam, hoạt động bởi khoảng 15 bạn trẻ (chủ yếu là sinh viên). Hoạt động được triển khai gồm có các buổi dọn rác biển sau bão, hơn 300m bờ biển được thu dọn và làm sạch; gần 1 tấn rác nằm trên bãi biển Sơn Trà, Đà Nẵng được thu gom và đem đi xử lý, chủ yếu gồm lưới đánh cá và các loại bao bì nilon, bao cát dùng để chắn gió bão. Ngoài ra, bộ ảnh truyền thông về nhựa do dự án thực hiện đã nhận được sự quan tâm lớn của người dùng facebook. Bài viết đã đạt gần 80.000 lượt tiếp cận, 13.500 lượt tương tác, 900 lượt thích, 250 bình luận và gần 700 lượt chia sẻ. Những con số này vẫn đang tiếp tục tăng. Thanh niên thuộc dự án Green Beli đã tạo ra ứng dụng Green Beli, một bàn đồ Xanh với hơn 1.000 địa điểm xanh trong cả nước, được sự hỗ trợ của sở Khoa học - Công nghệ Đà Nẵng.

Green River là một dự án được khởi xướng bởi 7 thanh niên miền Nam Việt Nam trong độ tuổi từ 18-30. Dự án hướng đến việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên các con sông ở Việt Nam, đặc biệt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thông qua việc thiết lập hệ thống thùng rác thông minh trên ghe du lịch, ghe hàng, bến phà chở khách; dùng robot thu gom rác thải nhựa trôi nổi trên sông và truyền thông nâng cao nhận thức, góp phần xây dựng lối sống xanh cho các tiểu thương và các hộ dân sống trên hoặc ven sông. Dự án đi vào hoạt động từ tháng 1/2020 tại chợ nổi Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Đến thời điểm hiện tại, dự án đã làm được tổ chức 1 hoạt động vẽ thùng rác, 1 lần chạy thử máy thu gom, 1 sự kiện ra mắt và các hoạt động truyền thông online, tiếp cận 150.000 lượt người và thu hút 15.000 lượt tương tác. Dự án vừa đạt giải nhất cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa” của UNESCO và đang mở rộng địa bàn sang Cù Lao Chàm, Quảng Nam.

Nhằm góp phần trong việc thực hiện những cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Cop26, thể hiện vai trò của thế hệ trẻ Việt Nam cho những nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu trong nước cũng như ở phạm vi toàn cầu. Trong thời gian tới, lực lượng thanh niên cần đẩy mạnh các hoạt động tình nguyện tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu như: tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, hướng tới thay đổi hành vi cho đoàn viên, thanh niên về vệ sinh cộng đồng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tích cực tham gia trồng cây xanh, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước. Đồng thời, xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là giảm thải và tái chế rác thải nhựa.


Tác giả: Linh Lê

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website