A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các quốc gia Đông Nam Á ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững

Ngày 9/9, tại Quảng Ninh, đã diễn ra Hội nghị Hội đồng các lãnh đạo ngành Điện khu vực Đông Nam Á (HAPUA) lần thứ 38. Tại Hội nghị, các quốc gia tham dự đều đặt ra kế hoạch ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, giải pháp tiết kiệm năng lượng, khai thác tiềm năng lưới điện trong khu vực nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững.

Hội nghị do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chủ trì có sự tham dự của ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương); ông Nguyễn Tài Anh – Phó Tổng giám đốc EVN, cùng với hơn 150 đại biểu đến từ Uỷ ban Thư ký HAPUA, các tổ chức năng lượng ASEAN và ngành Điện 10 quốc gia bao gồm Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Myanmar và Brunei.

Năm 2022, Việt Nam đóng vai trò là Chủ tịch Hội đồng HAPUA, phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, các nước Đông Nam Á đã đặt ra kế hoạch ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, giải pháp tiết kiệm năng lượng, khai thác tiềm năng lưới điện trong khu vực nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Việt Nam mong muốn, các quốc gia thành viên ASEAN, các cơ quan, đối tác về năng lượng sẽ tiếp tục đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành được những mục tiêu đã đề ra, thúc đẩy sự phát triển trong khu vực.

Theo ông Nguyễn Anh Tài, Phó Tổng giám đốc EVN, ASEAN là một trong những khu vực có nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và dự báo nhu cầu điện sẽ còn tăng cao trong những năm tới (gần 5%/năm theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế). Do đó, các quốc gia trong khối sẽ cùng phải đối mặt với vấn đề làm thế nào vừa đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, vừa đảm bảo gìn giữ và bảo vệ môi trường. Nhiều nước ASEAN đã sửa đổi kế hoạch phát triển ngành Điện của mình, đặc biệt sau Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), để đưa vào các cam kết đầy tham vọng về khử cacbon trong ngành Điện. Để đạt được mục tiêu chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí các-bon và đạt phát thải ròng bằng 0, giữa các nước ASEAN cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa.

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã được nghe báo cáo và thảo luận về những nội dung chính như: những vấn đề về năng lượng cần ưu tiên để HAPUA hành động; kế hoạch tổng thể kết nối lưới điện ASEAN giai đoạn III; mua bán điện đa phương; các chương trình hoạt động của 5 nhóm công tác HAPUA về nguồn điện, truyền tải và lưới điện đấu nối ASEAN, phân phối tin cậy và chất lượng điện; nghiên cứu chính sách & phát triển thương mại, nguồn nhân lực… Đồng thời, các lãnh đạo cấp cao của ngành Điện 10 quốc gia đã trao đổi, đề xuất nhiều sáng kiến, nhằm thúc đẩy hợp tác hiệu quả giữa các nước thành viên ASEAN và các tổ chức năng lượng trong khu vực theo phương thức an toàn, hiệu quả. Với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm, hội nghị đã đưa ra những nội dung triển khai cho các năm tiếp theo nhằm đáp ứng Kế hoạch hành động hợp tác năng lượng ASEAN giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã tập trung đóng góp ý kiến về một số hoạt động nằm trong chiến lược hợp tác lĩnh vực năng lượng các nước ASEAN, đây cũng là dịp để các nước trong khu vực trình bày tham luận và trao đổi về tình hình phát triển ngành Điện của mỗi quốc gia.

Cho đến hết năm 2021, Việt Nam là nước đứng đầu ASEAN về quy mô hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt đạt 78.120MW. Với những cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 với mục tiêu “Netzero” vào năm 2050, Việt Nam đã và đang nỗ lực triển khai thực hiện nhiều biện pháp và các hoạt động trong đó có việc nghiên cứu các công nghệ mới bao gồm: công nghệ than và than sạch; thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon; lưới điện kỹ thuật số; nhà máy điện ảo… nhằm đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng và đảm bảo việc cung cấp điện cho hoạt động phát triển kinh tế, đặc biệt sau đại dịch Covid-19.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website