A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo các dịch vụ tài chính, ngân hàng dịp cuối năm

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ ngân hàng hiện đại, tội phạm công nghệ cao ngày càng có nhiều chiêu thức lừa đảo tinh vi. Hình thức phổ biến nhất là hacker gửi tin nhắn chứa đường link giả mạo trang web của ngân hàng về tri ân, trúng thưởng... khi khách hàng nhấp vào sẽ mất thông tin, mã OTP và mất tiền trong tài khoản…

Cuối năm là thời điểm hoạt động mạnh của các phần mềm độc hại, do đó, người dùng phải thực sự cảnh giác và không cung cấp mật khẩu ngân hàng cho bất kỳ ai.

Lừa đảo qua mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản

Đầu tiên, kẻ gian sẽ tạo một tài khoản Zalo, Facebook giả mạo với tên gọi và ảnh đại diện tương tự như tài khoản của bạn, sau đó kết bạn với người thân, bạn bè... của bạn để lừa đảo, vay tiền. 

Do tin tưởng vào thông tin, hình ảnh cá nhân và tài khoản trùng khớp nên có không ít người đã trở thành nạn nhân của kẻ gian. Khi bị phát hiện, kẻ gian sẽ ngay lập tức chặn, xóa hoặc đổi tên tài khoản.

Giả mạo là cán bộ Ngân hàng để thực hiện các hành vi lừa đảo

Có 3 cách thức kẻ gian có thể tiếp cận khách hàng để thực hiện các hành vi lừa đảo, gồm: Thứ nhất, kẻ gian tiếp cận, trao đổi, mời khách hàng cung cấp thông tin cá nhân (Số thẻ CCCD/CMND/sổ hộ khẩu) để hỗ trợ vay vốn/ thanh lý hồ sơ cho vay/ giới thiệu các gói vay hay tiền gửi hấp dẫn; kẻ gian giả mạo văn bản xác nhận có chữ ký lãnh đạo ngân hàng gửi cho khách hàng để chứng minh khách hàng đã được giải ngân khoản vay/ thỏa điều kiện để nhận ưu đãi của ngân hàng và yêu cầu khách hàng nộp trước một khoản tiền/phí và hứa sẽ hoàn lại khi giải ngân/nhận ưu đãi. Sau khi nhận được tiền, kẻ gian chặn toàn bộ liên lạc với khách hàng nhằm chiếm đoạt tài sản; Thứ hai, kẻ gian tiếp cận, tư vấn, yêu cầu khách hàng cung cấp hồ sơ để hỗ trợ vay vốn. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, đối tượng thông báo khách hàng không đủ điều kiện vay vốn do có nợ xấu, yêu cầu đóng trước một khoản tiền để xóa nợ xấu. Sau khi nhận được tiền, kẻ gian chặn toàn bộ liên lạc với khách hàng nhằm chiếm đoạt tài sản; Thứ ba, kẻ gian tiếp cận, chào mời hỗ trợ khách hàng rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin thẻ, đồng thời thông báo khách hàng sẽ nhận được 1 mã hợp đồng gửi đến số điện thoại (thực tế đây là mã OTP của giao dịch trừ tiền từ thẻ tín dụng). Nếu khách hàng cung cấp mã số này, kẻ gian sẽ chiếm đoạt tiền qua các giao dịch thanh toán mua sắm online, ví điện tử…

Giả mạo website/tin nhắn thương hiệu (SMS Brand name) Ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Kẻ gian gửi tin nhắn mạo danh Ngân hàng có chứa đường dẫn giả mạo với nội dung thông báo nâng cấp hệ thống/trúng thưởng/xác thực tài khoản đang tiêu dùng ở nước ngoài/ tài khoản đăng nhập ở vùng bất thường/tài khoản tạm ngừng dịch vụ,… yêu cầu Khách hàng truy cập vào các website/đường link giả và làm theo các yêu cầu. Nếu Khách hàng truy cập đường dẫn, cung cấp thông tin, kẻ gian sẽ chiếm đoạt tiền từ tài khoản.

Cảnh báo từ các ngân hàng

Cuối năm là thời điểm hoạt động mạnh của các phần mềm độc hại, do đó, người dùng phải thực sự cảnh giác và không cung cấp mật khẩu ngân hàng cho bất kỳ ai. Theo đó, khách hàng cần tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ… trước khi quyết định vay tiền đồng thời lựa chọn các tổ chức tín dụng uy tín để tránh bị “mắc bẫy” vào hoạt động “tín dụng đen” sử dụng công nghệ cao ẩn danh dưới hình thức cho vay trực tuyến lãi suất cao; Hết sức cảnh giác với các tin nhắn, cuộc gọi, email yêu cầu truy cập đường link trang web, đăng nhập, cung cấp thông tin tài khoản, thông tin cá nhân. Bất kỳ website, đường link nào ngoài danh sách nêu trên đều là giả mạo; Luôn xác thực người đề nghị thực hiện giao dịch khi nhận được yêu cầu chuyển tiền, nạp tiền (qua điện thoại hoặc trực tiếp); Cảnh giác với những yêu cầu chuyển tiền trên mạng xã hội, dù người yêu cầu tự xưng là người thân, bạn bè; Thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản Internet banking,Smartbanking và có biện pháp để quản lý, bảo mật các thông tin này.

Ngoài ra, khách hàng cần cảnh giác không cung cấp thông tin của cá nhân cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là công an, cơ quan điều tra, nhân viên ngân hàng…, bao gồm: số CMND, CCCD, Hộ khẩu, thông tin ngân hàng điện tử (tên đăng nhập, mật khẩu); thông tin xác thực giao dịch (các loại tin nhắn OTP/Smart OTP); thông tin về tài khoản ví liên kết (tên đăng nhập/mật khẩu) để tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin cá nhân và sử dụng trái phép; đồng thời không chia sẻ các thông tin này lên mạng xã hội; Không truy cập và thực hiện giao dịch trên các website lạ nhận được qua điện thoại, tin nhắn, email; Không lưu tự động thông tin đăng nhập ngân hàng điện tử trên bất cứ máy tính và trình duyệt web nào; Không đưa thông tin giao dịch lên mạng, đặc biệt là những giao dịch mua bán hàng trực tuyến.


Tác giả: An Bình

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website