Hải Phòng : Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP
Thời gian qua, Sở Công Thương Hải Phòng đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nhằm triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP.
Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng cho biết, RCEP là Hiệp định bao gồm 15 quốc gia thành viên, trong đó có 10 nước ASEAN và 05 nước đối tác: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022.
RCEP có những điểm mạnh mà các FTA khác không có được. Đây không chỉ đơn thuần là một hiệp định mới mà là sự hợp nhất và mở rộng các FTA trước đây, giúp đơn giản hóa các quy định và tạo ra một khu vực thương mại thống nhất, kết nối các FTA khu vực lại với nhau, tạo ra một không gian kinh tế rộng lớn và gắn kết hơn…
Tại Hải Phòng, vừa qua, việc thực thi các hiệp định luôn được chú trọng, điều này đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế của thành phố. Cụ thể, Sở Công Thương Hải Phòng đã đã chủ trì, phối hợp các Cục, Vụ của Bộ Công Thương tổ chức các chương trình tọa đàm, hội thảo về công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin của cả nước nói chung và TP. Hải Phòng nói riêng về hội nhập quốc tế, các FTA đã ký kết; công tác đào tạo, tập huấn chuyên sâu về quy tắc xuất xứ tại các FTA mới và chống gian lận xuất xứ... Các chương trình, hội nghị, hội thảo đã thu hút sự quan tâm, tham gia của hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận như Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang…
Sở Công Thương cũng đồng thời phối hợp thông tin nhiều hội nghị trực tuyến về xuất xứ hàng hoá, các cam kết về thuế quan, lộ trình mở cửa thị trường, thuận lợi hóa thương mại, nhất là những nghĩa vụ của Việt Nam theo cam kết của các Hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định RCEP.
Sở Công Thương Hải Phòng đồng thời thực hiện tốt chức năng làm đầu mối cung cấp thông tin, hướng dẫn, làm rõ các nội dung cam kết và các vấn đề có liên quan đến các Hiệp định thương mại tự do. Từ đó hỗ trợ, kết nối, thúc đẩy xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực như logistics, dệt may, nông sản…
Hải Phòng cũng đã đặc biệt chú trọng hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở hầu hết các ngành và các lĩnh vực kinh tế, từng bước đưa khu vực kinh tế này thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, một lực lượng nòng cốt tham gia khai thác hiệu quả thị trường các FTA.
Nhờ đó, năm 2024, mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới biến động phức tạp, khó khăn nhiều hơn thuận lợi nhưng một số chỉ tiêu cơ bản về xuất nhập khẩu của thành phố vẫn đạt được những kết quả nhất định, cụ thể: tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng ước đạt 29,28 tỷ USD, tăng 23,23% so với cùng kỳ, đạt 88,73% kế hoạch năm; tổng kim ngạch nhập khẩu 10 tháng ước đạt 23,39 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ, đạt 73,11% kế hoạch năm; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 10 tháng ước đạt 185.559,8 tỷ đồng, tăng 13,45% so với cùng kỳ, đạt 83,4% kế hoạch… Tỷ lệ tận dụng các Hiệp định, trong đó có Hiệp định RCEP là tương đối khả quan.