Đảng ủy Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đẩy mạnh thực thi công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân ta. Một sự kiện có ý nghĩa trọng đại phát huy lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Truyền thống đó là mạch nguồn tiếp nối để chúng ta vững bước vào Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam mà đích đến là “dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên này là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Đây là mục tiêu to lớn, với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn mới đan xen. Để hiện thực hóa khát vọng ấy, dân tộc ta phải vượt qua những thách thức to lớn, nhất là trước bối cảnh thế giới trong thời kỳ thay đổi mang tính thời đại, nhân loại đang tiến nhanh vào một kỷ nguyên mới của sự phát triển tăng tốc, bứt phá trên mọi phương diện, ở phạm vi toàn cầu, mà cốt lõi là cuộc cạnh tranh ngày càng quyết liệt về tri thức và công nghệ. Để đưa đất nước ta tiến lên phía trước trên con đường phát triển, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu: “Câu hỏi lớn được đặt ra lúc này là chúng ta đã đủ thế và lực; đã đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc hay chưa? Câu trả lời là: Đã đủ”. Vấn đề bây giờ là chớp thời cơ lịch sử để tiến lên.
Ngày 15/10/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 39/CT-TTg về việc đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước chào mừng Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI. Chỉ thị nêu: Năm 2025 là năm diễn ra Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ XI; năm diễn ra nhiều sự kiện kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đảng, đất nước, dân tộc; …. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức phát động đợt thi đua đặc biệt từ nay đến hết năm 2025 nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo khí thế thi đua sôi nổi và rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị năm 2024, năm 2025 và kế hoạch 5 năm (2021 - 2025), các đề án, chương trình được Chính phủ giao theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng có trách nhiệm lịch sử to lớn đối với Tổ quốc, đồng bào và dân tộc ta, là mốc son lịch sử mới cho dân tộc Việt Nam cất cánh, vươn mình. Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với việc đánh giá kết quả, khẳng định thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ khóa XIII, 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới; 35 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 về xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030, xác định mục tiêu, phương hướng và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công Thương thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia được quy định tại Nghị định số 03/2023/NĐ-CP của Chính phủ ngày 10 tháng 2 năm 2023 và Quyết định số 816/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ngày 31/3/2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Trong số các chức năng nói trên, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng luôn nhận được sự quan tâm, tham gia của toàn xã hội, là lĩnh vực có liên quan mật thiết đến đời sống, sinh hoạt của toàn thể nhân dân nói chung.
Nhằm lập thành tích chào mừng, hướng tới Đại hội Đảng bộ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia lần thứ 1 nhiệm kỳ 2025-2030 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, trong thời gian qua, Đảng ủy Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã chỉ đạo các Chi bộ, đơn vị trực thuộc, phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ được Chính phủ và Đảng bộ Bộ Công Thương giao, theo đó, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và kế hoạch đề ra trong năm 2024; xây dựng phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2025 của Ủy ban phù hợp với chủ trương, chiến lược, định hướng và mục tiêu của Đảng và Nhà nước đã đề ra. Dưới đây là một số kết quả, nỗ lực nổi bật mà Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã đạt được trong năm 2024-2025 đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và một số nhiệm vụ trọng tâm sẽ tổ chức, triển khai trong thời gian tới.
Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đạt được những kết quả nổi bật nhờ sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia
Công tác xây dựng, hoàn thiện văn bản pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bảo đảm triển khai đúng tiến độ với chất lượng cao:
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) năm 2023 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Để kịp thời đưa luật vào đời sống, thời gian qua, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã tham mưu cho Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 31/8/2023 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sau đây gọi tắt là Luật). Trong công trác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia đã cùng đơn vị liên quan tham mưu cho Bộ Công Thương chủ trì xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành kịp thời và đúng hạn các văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị định số 55/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật; Quyết định số 07/2024/QĐ-TTg ngày 20/6/2024 Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; Nghị định số 24/2025/NĐ-CP ngày 21/ 2/2025 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Như vậy, đến nay, các văn bản pháp luật hướng dẫn thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia chủ động, kịp thời tham mưu xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành, đảm bảo sự đồng bộ, đầy đủ để khi Luật có hiệu lực thì có đầy đủ cơ sở, công cụ pháp lý cho việc thực thi hiệu quả. Đây có thể nói là một trong những kết quả, nhiệm vụ của Bộ Công Thương nói chung cũng như Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nói riêng đã hoàn thành xuất sắc trong năm 2024 và thời gian qua.
Công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức, nhận thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được đa dạng hóa, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội:
Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia đã tham mưu cho Bộ Công Thương lựa chọn chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn" cho Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024, đồng thời, phối hợp với Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức Lễ Phát động Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 tại Hà Nội với sự tham dự của hàng trăm đại diện đến từ các cơ quan, tổ chức có liên quan từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Thực hiện nhiệm vụ tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và nhiệm vụ tại Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia đã tổ chức chuỗi hội nghị, hội thảo tập huấn, tuyên truyền, phổ biến quy định mới của Luật cho đa dạng các chủ thể trong xã hội từ nhóm cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, hiệp hội ngành nghề đến cộng đồng kinh doanh và người tiêu dùng có liên quan. Chuỗi hoạt động đã thu hút sự tham gia của hàng nghìn đại biểu (cả trực tiếp và trực tuyến) đến từ Sở Công Thương, Hội Bảo vệ người tiêu dùng các tỉnh, thành phố, Uỷ ban nhân dân cấp huyện (Phòng Kinh tế /Kinh tế hạ tầng), Uỷ ban nhân dân cấp cấp xã và nhiều Sở, ban ngành, cơ quan chuyên môn khác, cùng hàng trăm hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng trên khắp cả nước.
Nhằm tuyên truyền quy định mới của Luật và chính sách của Nhà nước đối với sản xuất và tiêu dùng bền vững, Uỷ ban đã phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức Chương trình "Tiêu dùng bền vững: Cơ hội - Thách thức để doanh nghiệp phát triển" tại Hà Nội, được phát sóng trực tuyến trên Đài truyền hình VTC, với nhiều hoạt động như chuỗi các diễn đàn trao đổi, triển lãm sản xuất - tiêu dùng xanh với 30 gian hàng, gần 20 doanh nghiệp, tổ chức đến từ trong và ngoài nước, thu hút hàng chục nghìn lượt người tham quan. Uỷ ban cũng đã tổ chức 02 cuộc thi tìm hiểu về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho các đối tượng người tiêu dùng yếu thế hơn như học sinh, sinh viên, người lao động với sự quan tâm, tham dự của hàng nghìn tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm tuyên truyền, phổ biến quy định mới của Luật.
Bên cạnh đó, Uỷ ban cũng đã phối hợp với Sở Công Thương, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của hơn 20 tỉnh, thành phố trên cả nước (như: TP. Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hưng Yên, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Bắc Cạn, Sơn La, Hoà Bình, Nghệ An, TP. Đà Nẵng, Quảng Bình, Bình Phước, Bình Thuận, Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh, ....) tổ chức các chương trình hội thảo, hội nghị tập huấn tuyên truyền, phổ biến các quy định mới của Luật cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tại địa phương.
Hợp tác quốc tế; đàm phán, tham gia các cam kết, điều ước quốc tế về bảo vệ người tiêu dùng được đẩy mạnh, góp phần xây dựng hình ảnh của cơ quan cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng của Việt Nam năng động, hiệu quả:
Hiện nay, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia là thành viên của các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng lớn trong khu vực và trên thế giới, gồm: Ủy ban Bảo vệ người tiêu dùng ASEAN (ACCP) và Mạng lưới Thực thi và Bảo vệ người tiêu dùng quốc tế (ICPEN). Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã tham gia tích cực vào các diễn đàn này cũng như hoạt động của nhiều tổ chức quốc tế khác như OECD, UNCTAD, … để hợp tác, tăng cường kinh nghiệm về bảo vệ người tiêu dùng. Uỷ ban đã ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác với các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của các nước như Úc (ACCC), Hàn Quốc (KFTC), Vương quốc Anh (Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, OPSS) để tạo cơ chế phối hợp song phương về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cũng đang tham gia đàm phán các nội dung cam kết có liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng trong các Hiệp định như FTA ASEAN - Trung Quốc nâng cấp, FTA ASEAN - Canada, Hiệp định khung ASEAN về Kinh tế số (DEFA) để tạo khuôn khổ pháp lý quốc tế nhằm bảo vệ người tiêu dùng.
Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn cho người tiêu được tiến hành thường xuyên, liên tục trong năm:
Trong năm 2024, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia đã tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trên cơ sở đó đã kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như hỗ trợ xử lý các vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn có ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Uỷ ban cũng tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện các quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hoá có khuyết tật. Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia thường xuyên và kịp thời đăng tải các thông tin cảnh báo về việc tiêu dùng sản phẩm có nguy cơ không đảm bảo an toàn đối với sức khỏe của người tiêu dùng, đồng thời, đưa ra một số khuyến cáo đối với việc lựa chọn và mua sắm hàng hóa, dịch vụ nhằm giúp người tiêu dùng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình khi thực hiện giao dịch mua hàng.
Trong công tác tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn cho người tiêu dùng, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia đang vận hành Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng với đầu số 1800.6838. Hàng năm, Tổng đài 1800.6838 này ghi nhận khoảng 10.000 cuộc gọi đến, trong đó, các tổng đài viên của Uỷ ban đã nỗ lực để tiếp nhận và trả lời khoảng 80% cuộc gọi. Đồng thời, trung bình mỗi năm, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cũng tiếp nhận, hỗ trợ xử lý, giải quyết cho khoảng 1.000 đơn, thư phản ánh, yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng từ đa dạng các kênh gửi thông tin (năm 2024 Tổng đài đã tiếp nhận 8.500 cuộc gọi và xử lý gần 800 đơn thư phản ánh, kiến nghị của người tiêu dùng). Đây là những nỗ lực rất lớn của Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia trong bối cảnh nguồn lực cả về con người, phương tiện và vật chất vẫn còn rất hạn chế, trong đó có nhiều vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều bộ, ngành, cơ quan, địa phương khác nhau.
Thực thi có hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng – Nền tảng củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước
Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sát sao của Đảng và Nhà nước, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thời gian qua đã đạt được những thành tựu cụ thể, toàn diện và đi vào thực chất. Có thể khẳng định, các quan điểm chủ trương về lấy người dân làm trung tâm của mọi chính sách phát triển kinh tế - xã hội đã được thể hiện rõ nét qua hệ thống văn bản chỉ đạo quan trọng như: Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) năm 2023 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này; Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26/5/2020 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Ban Bí thư; Quyết định số 1157/QĐ-TTg ngày 12/07/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021 – 2025; … Đây chính là các kim chỉ nam để cụ thể hóa, tổ chức thực thi, giám sát và phát huy hiệu lực pháp luật trong thực tế. Bằng việc chủ động xây dựng, hoàn thiện kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các nghị định, quyết định hướng dẫn thi hành, Đảng và Nhà nước đã khẳng định quyết tâm tạo môi trường pháp lý đồng bộ, minh bạch, hiện đại bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người tiêu dùng.
Trong công tác thực thi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, đa dạng và đồng bộ các giải pháp, hoạt động đã được thực hiện, đặc biệt nhằm triển khai các chỉ đạo, định hướng của Đảng tại Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được thực hiện sâu rộng đến từng địa phương, doanh nghiệp, từng tầng lớp nhân dân, đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận, nâng cao nhận thức và biết rõ quyền lợi của mình, góp phần phòng ngừa, hạn chế rủi ro. Có thể khẳng định, từ xây dựng thể chế đến thực tiễn vận hành, các chủ trương, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Đảng, Nhà nước không chỉ triển khai hiệu quả mà còn góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ. Nhân dân ngày càng vững tin hơn khi quyền và lợi ích chính đáng của mình luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, bảo vệ và chủ động bảo đảm thực thi bằng các hành động cụ thể, quyết liệt.
Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có sự tương tác, liên hệ thường xuyên với nhiều chủ thể, đối tượng trong xã hội, từ cơ quan quản lý nhà nước đến người tiêu dùng, doanh nghiệp, các tổ chức, đoàn thể cũng như người dân nói chung cả trong nước và ngoài nước. Vì vậy, quá trình và kết quả thực thi nhiệm vụ của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong lĩnh vực này sẽ có ảnh hưởng phần nào đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong ngành Công Thương, nhằm đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xây dựng lòng tin cho nhân dân vào Đảng và Nhà nước ta. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính là bảo vệ đời sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, là xây dựng môi trường tiêu dùng - kinh doanh an toàn, bền vững, lành mạnh, là chăm lo cho cuộc sống thường nhật của người dân. Chính vì vậy, việc tăng cường vai trò, trách nhiệm trong thực thi hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ góp phần tạo dựng lòng tin cho nhân dân vào Đảng ta, Nhà nước ta.
Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, khoa học công nghệ và xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, … bên cạnh nhiều mặt tích cực thì cũng tạo ra mặt trái gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính. Các vi phạm diễn ra với phạm vi và quy mô lớn hơn, hình thức ngày càng tinh vi, phức tạp, gây nhức nhối cho xã hội. Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp như trên thì việc tăng cường vai trò, trách nhiệm trong thực thi hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, từ đó bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ mới, góp phần vào thành công cho Đại hội Đảng bộ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia lần thứ 1 nhiệm kỳ 2025-2030, Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Chỉ thị số 30-CT/TW của Ban Bí thư đã chỉ ra: “Trong những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Đảng, Nhà nước và đoàn thể nhân dân quan tâm hơn và đạt được một số kết quả bước đầu, song vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nếu tình trạng này, không sớm được khắc phục, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhân dân, mà còn suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế và để lại hậu quả nặng nề cho xã hội, đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”. Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả 06 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được nêu ra trong Chỉ thị này.
Như vậy, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng rất cần sự phối hợp, giám sát chặt chẽ và mạnh mẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự tham gia của đông đảo tầng lớp xã hội. Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước, sự chủ động, tiên phong của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trong đó có Bộ Công Thương (Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia), các Bộ, ban ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần được phát huy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, nhằm thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị được giao về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, đưa nước ta vững bước vào Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2025 và thời gian tới, đặc biệt là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.