Bộ Công Thương họp báo thường kỳ Quý III năm 2021
Chiều ngày 30/9/2021, Bộ Công Thương tổ chức Họp báo thường kỳ Quý III năm 2021 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải – Người phát ngôn Bộ Công Thương. Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và đại diện các đơn vị thuộc Bộ đã trả lời nhiều câu hỏi báo chí quan tâm liên quan đến các lĩnh vực ngành Công Thương quản lý.
Phát triển công nghiệp và thương mại tháng 9 có dấu hiệu khả quan
Thông tin nhanh tại họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định, dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ tháng 4 đến nay đã tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Tuy nhiên, Thứ trưởng nhấn mạnh, dưới sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, với các biện pháp vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển công nghiệp và thương mại tháng 9 có dấu hiệu khả quan.
Cụ thể:
Về sản xuất công nghiệp, Thứ trưởng cho biết, Quý III, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giảm 3,5%, tính chung 9 tháng năm 2021 tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng trưởng GDP chung của toàn nền kinh tế (tăng 1,42%).
Trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Với các giải pháp đồng bộ hỗ trợ, khôi phục sản xuất kinh doanh nên SXCN tháng 9 đã có sự tăng trưởng trở lại, chỉ số SXCN (IIP) tháng 9 đã tăng 5% so với tháng 8 (tháng 8 giảm 4,3% so với với tháng 7.) Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước SXCN tháng 9 vẫn giảm 5,5%.
Tính chung 9 tháng năm 2021, SXCN ước tính vẫn tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 2,3%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 5,5% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,8%), sản xuất được đẩy mạnh ở các tỉnh khống chế được dịch bệnh khu vực phía bắc và đặc biệt là sự nỗ lực duy trì và khôi phục lại sản xuất của các DN khu vực phía nam.
Về xuất nhập khẩu, theo Thứ trưởng, xuất khẩu đang chững lại kể từ tháng 8 (tháng 8 giảm 6% so với tháng 7), tuy nhiên sang tháng 9 mức giảm đã thấp hơn (tháng 9 chỉ giảm 0,8% so với tháng 8). Mặc dù vậy, tính chung 9 tháng đầu năm, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của cả nước vẫn giữ được mức tăng cao (18,8%) đặt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch ở trong nước thì đây là một nỗ lực rất lớn của các ngành, lĩnh vực.
Nhập khẩu trong hai tháng gần đây đã có dấu hiệu giảm (tháng 9 giảm 3,1% so với tháng 8, tháng 8 giảm 5,5% so với tháng 7). Tuy nhiên so với cùng kỳ thì nhập khẩu tháng 9 vẫn tăng 9,5%. Tính chung 9 tháng, nhập khẩu tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường nội địa, Thứ trưởng nhấn mạnh, hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng 9 đã có dấu hiệu tăng trở lại. Thị trường hàng hóa và đời sống của người dân dần ổn định, nhiều tỉnh/thành phố đã dỡ bỏ giãn cách, hoạt động của các chợ đầu mối và chợ truyền thống đã dần mở cửa trở lại. Do vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 9 tăng khoảng 6,5% so với tháng 8 (tháng 8 giảm 10,5% so với tháng 7). Tuy nhiên, 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 7,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 0,7%).
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải – Người phát ngôn Bộ Công Thương chủ trì Họp báo
Về giải pháp trong những tháng cuối năm của ngành Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, toàn Ngành sẽ nỗ lực thực hiện 5 nhiệm vụ sau:
Trước hết, tập trung tháo gỡ khó khăn cho SXKD, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất lớn trong các khu, cụm công nghiệp nhằm khôi phục nhanh nhất các hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, đặc biệt là tận dụng thời điểm nhu cầu hàng hóa tăng cao trong dịp cuối năm, tăng tốc sản xuất, kinh doanh để bù đắp cho những tháng vừa qua.
Thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp.
Thứ hai, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, đặc biệt vùng có dịch, ổn định cung cầu - giá cả; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tạo thuận lợi nhất cho việc lưu thông hàng hóa thông suốt trên địa bàn cả nước.
Tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường, kế hoạch cao điểm trong những tháng cuối năm; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, đầu cơ, găm hàng, nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh… tạo môi trường thuận lợi cho hàng Việt Nam phát triển.
Thứ ba, từng bước mở lại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, các cơ sở, hộ kinh doanh trên cơ sở đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch nhằm tạo môi trường cho kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất. Song song với đó là triển khai các chương trình bình ổn, kích cầu như: triển khai thực hiện Chỉ thị tổ chức đón Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2022, Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường năm 2021 dịp Tết Dương lịch Tết Nguyên đán 2022, chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia”.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới, hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng số nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nông sản; khôi phục, tạo đơn hàng mới cho những tháng cuối năm và năm 2022.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đặc biệt là công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng rà soát thủ tục, quy trình cấp phép, thực hiện tối đa việc cấp phép trực tuyến đảm bảo đơn giản, công khai, minh bạch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Kỳ vọng cuối năm 2021, cán cân thương mại sẽ duy trì ở mức cân bằng
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và đại diện các đơn vị thuộc Bộ đã trả lời nhiều câu hỏi báo chí quan tâm liên quan đến các lĩnh vực ngành Công Thương quản lý.
Phóng viên đặt câu hỏi tại Họp báo
Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình cán cân thương mại, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu gắn chặt với hoạt động sản xuất bao gồm cả sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp cũng như khai thác các mặt hàng nhiên liệu, khoáng sản.
Quý II và Quý III năm 2021 là thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, đặc biệt đã tác động trực tiếp đến trung tâm sản xuất công nghiệp lớn, tại các tỉnh thành phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang; các tỉnh thành phía Nam như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh và 13 tỉnh thành ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Trần Thanh Hải, khu vực 19 tỉnh thành ở phía Nam tương đương với 45% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Các tỉnh thành này trong thời gian vừa qua bị tác động của dịch khi phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội ở mức cao nhất theo Chỉ thị 16, thậm chí cao hơn cả Chỉ thị 16 nên có tác động rất lớn đến các hoạt động sản xuất, qua đó ảnh hưởng nhất định đến xuất khẩu.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải
Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu đánh giá, hiện nay, tốc độ tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu vẫn đang ở mức cao (hiện đang là 18,8%, trong khi năm 2020 mới chỉ tăng trưởng ở mức 7 -10%). Tháng 9 chúng ta đã ghi nhận xuất siêu với trị giá 500 triệu USD.
Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải cho biết, tính chung trong 9 tháng năm 2021, nước ta đang nhập siêu 2,13 tỷ USD. Nếu so sánh với kim ngạch nhập khẩu, tương đương 0,8%. “Đây là một khoảng cách không phải là quá lớn và chúng ta còn 3 tháng của quý IV. Chính vì vậy, nếu như không có biến động lớn trong vấn đề kiểm soát dịch bệnh, 3 tháng cuối năm, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp phía Nam lấy lại được sự phục hồi, đà tăng trưởng. Khi đó, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng đến thời điểm kết thúc năm 2021, cán cân thương mại sẽ duy trì ở mức cân bằng. Và nếu như tình hình lạc quan hơn, chúng ta có thể xuất siêu ở tỷ lệ nhất định” - ông Trần Thanh Hải nói.
Sớm hoàn thiện cơ chế phát triển điện gió
Liên quan đến vấn đề giá FIT của điện gió được dư luận quan tâm hiện nay, Ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo cho biết, thời gian qua, có nhiều bài báo trích dẫn phát biểu của Cục điện lực và Năng lượng tái tạo về vấn đề gia hạn giá FIT, tuy nhiên, Cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo khẳng định, Lãnh đạo Cục không trả lời bất cứ một nhà báo nào nói rằng giá FIT điện gió sẽ báo cáo chính phủ gia hạn sau 31/10/2021.
Cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo Hoàng Tiến Dũng
Thông tin thêm về nội dung này, ông Hoàng Tiến Dũng chia sẻ, đến tháng 8 năm nay, EVN có thông báo có 106 dự án điện gió sẽ được xác nhận thương mại được kịp hưởng giá FIT. Đến thời điểm này, trong số 106 dự án này thì có 54 dự án đã thuộc thẩm quyền xem xét và thực hiện công tác kiểm tra, nghiệm thu của Bộ Công Thương. Trong 54 dự án này có khoảng 30 dự án đã nhận hồ sơ và để tiến hành kiểm tra công tác nghiệm thu để đảm bảo các dự án này đưa vào tiến độ được hưởng giá FIT theo Quyết định 39 của Thủ tướng chính phủ.
Cũng có rất nhiều dự án các chủ đầu tư đã nỗ lực đưa dự án điện gió vào kịp tiến độ được hưởng giá ưu đãi theo Quyết định 39 của Thủ tướng chính phủ, nhưng trong thời gian vừa qua, Cục đã nhận được rất nhiều ý kiến đề xuất của UBND các tỉnh, của các chủ đầu tư, trong đó có nhiều nguyên do khác nhau, tuy nhiên, phần lớn là do ảnh hưởng của dịch nên các dự án điện gió chậm tiến độ, và không đưa kịp tiến độ đưa vào trước 31/10.
Sau ngày giá FIT của điện gió hết hạn, Bộ Công Thương sẽ có trách nhiệm nghiên cứu đề xuất các phương án đấu thầu của chủ đầu tư để xác định giá điện gió. Cục trưởng cho biết thêm, Cục đang khẩn trương nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cơ chế phát triển điện gió trong thời gian tới theo hướng phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật giá, Luật điện lực…
Liên quan đến Quy hoạch Điện VIII thuộc lĩnh vực Cục phụ trách, ông Hoàng Tiến Dũng thông tin, từ tháng 5, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo rà soát Quy hoạch Điện VIII. Trong suốt tháng 5-6-7, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã tích cực rà soát, điều chỉnh, cập nhật thông tin hoàn chỉnh Quy hoạch Điện VIII. Đến 30/8, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các Bộ, ngành, Tập đoàn, Tổng công ty lấy ý kiến góp ý. Dự kiến, ngày 3/10, Hội đồng thẩm định Quy hoạch Điện VIII sẽ tổ chức họp thẩm định. Nếu được bỏ phiếu thông qua, Bộ Công Thương sẽ tích cực hoàn chỉnh theo ý kiến góp ý của các thành viên trong Hội đồng thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2021.
Không lo ngại về vấn đề lệ thuộc nguồn cung
Liên quan đến khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc như một số báo chí đăng tải trong thời gian gần đây, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Nguyễn Ngọc Thành cho biết, trên thực tế, giá một số nguyên liệu đầu vào cho ngành điện cũng như việc cắt giảm khí thải của Trung Quốc đã gây ra việc thiếu điện dẫn đến một số ngành sản xuất công nghiệp, trong đó có các sản phẩm về nguyên liệu cung ứng đầu ra cho thị trường cũng bị giảm sút.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương chưa ghi nhận việc các doanh nghiệp trong nước phản ánh việc thiếu nguyên liệu đầu vào.
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Nguyễn Ngọc Thành
Ông Nguyễn Ngọc Thành chia sẻ, thực tế chúng ta đã đối mặt với việc này từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát lần đầu vào năm 2020. Việc đứt gãy nguồn cung nguyên liệu đầu vào từ dệt may, da giày cũng như các sản phẩm cung cấp cho ngành công nghiệp nặng cũng đã được các doanh nghiệp có kinh nghiệm ứng phó và dần thích nghi. Bên cạnh đó, với lần tái dịch bệnh lần 3, 4 diễn ra trong thời gian qua, năng lực của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong nước cũng từ đó bị giảm sút, thậm chí có những doanh nghiệp của 19 tỉnh phía Nam phải dừng hoạt động. Chính vì vậy, nhu cầu nguyên liệu đầu vào hiện nay chúng ta chưa thấy rõ sự thiếu hụt và các doanh nghiệp cũng chưa đề cập đến vấn đề này.
“Về lâu dài, một số mặt hàng, chẳng hạn như mặt hàng thép trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được như thép xây dựng, chúng ta không lo ngại về vấn đề lệ thuộc vào các nước bạn. Một số ngành khác với những biến động ngắn hạn như vừa qua từ phía Trung Quốc thì trong thời điểm này cũng chưa thể đánh giá việc ảnh hưởng lớn đến nguyên liệu đầu vào của Việt Nam” - Phó Cục trưởng Nguyễn Ngọc Thành khẳng định. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội thường xuyên trao đổi để xem xét và có phản ánh nhất định các trường hợp về nguyên liệu đầu vào phục vụ cho các doanh nghiệp.
Đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội
Đối với công tác điều hành giá bán điện, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Trần Tuệ Quang cho biết, giá bán lẻ điện bình quân được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường. Trong đó, có các cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm và điều chỉnh giá bán điện bình quân hàng năm.
Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Trần Tuệ Quang
Về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân hàng năm, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan của các thông số đầu vào sản xuất kinh doanh điện của tất cả các khâu trong ngành điện, bao gồm phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, quản lý ngành.
Đối với cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm, Đại diện Cục Điều tiết điện lực cho biết, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh theo biến động của các thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện.
Trong thời gian qua, giá bán điện bình quân được thực hiện điều chỉnh theo đúng các quy định hiện hành, góp phần đảm bảo tài chính cho ngành điện để đầu tư, phát triển các công trình điện đáp ứng cung cấp nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Trong giai đoạn 2021-2022, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong ngành điện theo dõi sát nhu cầu phụ tải hệ thống điện, bám sát tình hình thực tế và các thông số đầu vào sản xuất kinh doanh điện để thực hiện giá điện theo các quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán điện hiện hành.
Điều hành giá xăng dầu phục vụ phát triển kinh tế, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp
Liên quan đến thị trường xăng dầu, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho hay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề bình ổn thị trường và hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, Bộ Công Thương luôn bám sát vào các chỉ đạo của Chính phủ cũng như điều hành theo Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, qua đó phối hợp với các doanh nghiệp xăng dầu bảo đảm được nguồn cung và điều hành nhịp nhàng, hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Bà Lê Việt Nga chia sẻ, 9 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,82% ở mức rất thấp so với chỉ tiêu của Quốc hội đặt ra. Kết quả này có sự đóng góp rất lớn của giá xăng dầu trong việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa với mức chi phí hợp lý và hỗ trợ cho người dân, cho doanh nghiệp trong thời điểm rất khó khăn này.
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga
Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về những nghiên cứu đề xuất của khối doanh nghiệp trong việc giảm giá điện, giá xăng, Bộ Công Thương, cụ thể là Vụ Thị trường trong nước cũng đã có những nghiên cứu, nắm bắt thị trường, đặc biệt là giá xăng dầu trên thị trường thế giới, bám sát các điều hành liên quan giữa Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cùng các doanh nghiệp để đưa ra những nhận định, đánh giá và phối hợp nhịp nhàng để sử dụng Quỹ bình ổn giá của xăng dầu.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cần phải nắm được Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay còn bao nhiêu, qua đó, phân tích những yếu tố về giá, về thuế và làm việc chặt chẽ với Bộ Tài chính về vấn đề giảm thuế. “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính cũng như các cơ quan, đơn vị liên quan để điều hành giá xăng dầu phục vụ tốt nhất cho nền kinh tế, bảo đảm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp”, Phó Vụ trưởng Lê Việt Nga khẳng định.