Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao 5 nhóm nhiệm vụ trong công tác Văn phòng trong năm 2022
Chiều ngày 27/1, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Văn phòng Bộ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã giao 5 nhiệm vụ cho Văn phòng Bộ, và yêu cầu Văn phòng cần tiệm cận thực tiễn để công tác tham mưu đúng, trúng và phù hợp, đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với các đơn vị thuộc Bộ nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chánh Văn phòng Khiếu Ngọc Sáng cho biết, năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Văn phòng Bộ với vai trò là bộ máy giúp việc, tham mưu cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ, đồng thời là bộ máy hậu cần bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ về cơ bản đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị và chuyên môn được giao.
Văn phòng Bộ thực hiện tốt chức năng tham mưu tổng hợp trên các lĩnh vực, giúp việc trực tiếp, nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Bộ. Văn phòng Bộ cũng luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ trì soạn thảo và cơ quan liên quan về thể chế, pháp luật, đề xuất giải quyết các khó khăn, vướng mắc cùng các đơn vị hoàn thiện, bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án, đề án được giao.
Năm 2021, công tác cung cấp thông tin và bám sát thông tin, theo dõi sát dư luận về những vấn đề bức xúc, nhất là phản ánh của người dân và doanh nghiệp liên quan đến ngành Công Thương được xử lý kịp thời. Thông tin được cung cấp nhanh chóng, chính xác đến các cấp các ngành, người dân, doanh nghiệp, góp phần tạo sự đồng thuận trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Bộ, báo cáo cho biết.
Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính được triển khai rất quyết liệt và thu được nhiều kết quả đáng mừng. Bộ Công Thương là đơn vị đi đầu trong việc rà soát, tiến tới cắt giảm, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và sự nhìn nhận rất tích cực của xã hội, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Bước vào năm 2022, tập thể cán bộ công chức Văn phòng Bộ tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên như các công tác tổng hợp - cải cách hành chính, hành chính lưu trữ, truyền thông, kế toán, quản lý tài sản, quản trị… cùng các nhiệm vụ khác được lãnh đạo Bộ phân công.
Đánh giá về kết quả hoạt động của Văn phòng Bộ Công Thương năm 2021, Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định, vượt qua một năm có nhiều khó khăn, ngành Công Thương đã có những đóng góp tương đối rõ nét vào thành tựu chung của đất nước, trong đó việc duy trì hoạt động của Văn phòng, đảm bảo hậu cần cho các hoạt động của toàn cơ quan Bộ cũng như phục vụ lãnh đạo Bộ có đóng góp rất đáng kể. “Văn phòng là bộ mặt của Bộ Công Thương và ngành Công Thương, cũng là cầu nối trung chuyển giữa các cơ quan nội bộ, vì vậy luôn bị đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của nhiều người. Bất kể giờ nào, bất kể lúc nào cũng phải “trực chiến” 24/7, duy trì sẵn sàng trong tình trạng cao, lại rất nhiều công việc hậu cần không tên”, Thứ trưởng chia sẻ với đặc thù và khó khăn của công tác văn phòng “làm dâu trăm họ”.
Công tác cải cách hành chính, thi đua khen thưởng, quản lý tài sản cũng như công tác truyền thông đã có những bước tiến ổn định, chủ động hơn. Đặc biệt, công tác phối hợp thông tin giữa Văn phòng và các đơn vị chức năng cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhận định còn một số vấn đề Văn phòng Bộ cần cải thiện để có thể làm tốt hơn. “Văn phòng cần quán triệt tinh thần quyết liệt, triển khai cải thiện các vấn đề tồn tại, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của lãnh đạo Bộ và các đơn vị chức năng trực thuộc”, Thứ trưởng yêu cầu.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ công tác văn phòng là công tác mang tính đặc thù cao vừa bao quát lại cụ thể, vừa khoa học lại linh hoạt, vừa khẩn trương lại chuẩn mực, vừa cởi mở lại sâu sắc. Người làm công tác văn phòng cũng phải chịu nhiều thiệt thòi trong khi công việc lại đòi hỏi sự tận tụy.
Theo Bộ trưởng, năm 2022 và những năm tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ triển khai hàng loạt các công việc trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng và các chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ để phục hồi kinh tế sau đại dịch và phải nỗ lực rất cao để khắc phục những hạn chế còn tồn tại.
Bộ Công Thương cũng sẽ cần triển khai thực hiện những nhiệm vụ để giúp cộng đồng doanh nghiệp, giúp đất nước hội nhập một cách đầy đủ với thế giới, thể hiện qua nội lực nền kinh tế, khả năng tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam.
Những bối cảnh này tác động trực tiếp đến công tác của Văn phòng, đòi hỏi từ lãnh đạo đến mỗi cán bộ, chuyên viên, nhân viên của Văn phòng dù đứng ở góc độ nào. Do vậy, Bộ trưởng đề nghị Văn phòng Bộ tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, từ lãnh đạo đến cán bộ, chuyên viên, nhân viên, người lao động tại Văn phòng đều phải xác định tiếp tục nghiên cứu, quán triệt các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ. Quan tâm đến việc tổng kết thực tiễn, tổng kết kinh nghiệm đã qua và thật sâu sát với cơ sở, với thực tiễn để kịp thời nắm bắt, phát hiện những bất cập, từ đó tham mưu cho lãnh đạo Bộ có hoạch định, chủ trương, có kế hoạch, biện pháp và triển khai thực hiện có hiệu quả.
Thứ hai, cần bám sát hơn sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Trung ương và Chính phủ, bám sát hơn đến chương trình công tác, làm việc của Bộ. Căn cứ vào diễn biến thực tiễn, tình hình để tham mưu cho lãnh đạo Bộ triển khai, đôn đốc, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Ngành và những nhiệm vụ liên quan đến Ngành nhằm đạt kết quả cao nhất. Cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa đối với các đơn vị thuộc Bộ trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, trong việc tổng hợp, phân tích tình hình, đề xuất chủ trương mới; đồng thời chú ý quản lý, lưu trữ, khai thác hợp lý các hồ sơ nguồn và các tài liệu của Ngành theo đúng quy định.
Thứ ba, cần chú trọng phân cấp, giao việc nhưng phải quan tâm việc kiểm tra, đôn đốc, giám sát, tổng hợp, cập nhật tình hình một cách thường xuyên, liên tục để phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo. Lãnh đạo Văn phòng cần phải bao quát nhưng cũng kỹ lưỡng, cụ thể hơn đối với công việc, nắm vững 5 phương thức lãnh đạo: Hoạch định chủ trương, đưa ra yêu cầu công việc - Phân công công việc rõ ràng - Giải thích cặn kẽ - Kiểm tra, giám sát thường xuyên - Nêu gương trong lời nói và hành động.
Lãnh đạo Văn phòng vừa phải chú trọng phối hợp thực hiện công việc chuyên môn của Ngành thông qua các đơn vị thuộc Bộ, vừa phải quan tâm chăm lo, quán xuyến công việc nội bộ cơ quan, đồng thời phải rất trách nhiệm trong tham mưu và thực hiện công tác đối ngoại, phản ánh thông tin đi kèm với đề xuất, tham mưu cho “đúng, trúng và phù hợp”.
Bên cạnh đó, tiếp tục kiện toàn và nâng cao chất lượng công tác văn thư, lưu trữ, bảo đảm phương châm tám chữ “Kịp thời - Chính xác - An toàn - Bí mật”. Công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản cần được chấn chỉnh mạnh mẽ theo hướng “Tiết kiệm - Hiệu quả - Đúng luật. Công tác lễ tân phải tiếp tục đổi mới theo hướng chuyên nghiệp và chu đáo. Công tác phục vụ và hậu cần để được tiếp tục đổi mới theo phương châm tận tụy và đầy đủ. Văn phòng phải là một trong những đơn vị đi đầu trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành.
Thứ tư, cần quan tâm hơn nữa công tác giáo dục tư tưởng, phẩm chất đạo đức, tác phong của người làm văn phòng trung thành, tận tụy, linh hoạt, nghiêm túc và chu đáo; cởi mở, thận trọng trong kỷ luật phát ngôn; đồng thời rất chú ý công tác quản lý, sử dụng hợp lý tài chính, tài sản theo hướng tiết kiệm để chăm lo đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trước hết là chăm lo cho đội ngũ văn phòng.
Thứ năm, tiếp tục duy trì, củng cố khối đoàn kết nội bộ, kỷ cương, kỷ luật trong từng đơn vị bằng cách mở rộng dân chủ, nghĩa là các việc phải được bàn bạc một cách dân chủ và công khai, phải được phân công, phân nhiệm một cách rõ ràng để khi cần thì kiểm tra, giám sát để chỉ ra lỗi phạm một cách cụ thể. Xây dựng và thực hiện một cách nghiêm chỉnh các quy chế, quy định dựa trên phát huy dân chủ. Phải tiến hành kiểm tra, giám sát thường xuyên và thực hiện chế độ nêu gương của tập thể lãnh đạo, người đứng đầu.
Nhân dịp này Văn phòng Bộ đã được Bộ Công Thương trao Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua. Cùng đó các tập thể và cá nhân thuộc Văn phòng Bộ có thành tích trong công tác cũng đã được khen thưởng.