A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Công Thương tổ chức tập huấn truyền thông về EVFTA

Nhằm cung cấp những kiến thức, thông tin bổ ích về các cơ hội mà EVFTA mang lại, ngày 16/11, Văn phòng Bộ Công Thương phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại, Vụ chính sách thương mại đa biên tổ chức 02 buổi tập huấn truyền thông cho các phóng viên, nhà báo theo dõi các lĩnh vực ngành Công Thương. Sự kiện nằm trong chuỗi Chương trình tập huấn về các cam kết trong các FTA tổ chức hàng năm.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, 02 buổi tập huấn được tổ chức theo hình thức trực tuyến và trực tiếp tại trụ sở Bộ Công Thương, đảm bảo đúng theo quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Chủ đề của 02 buổi tập huấn tập trung nội dung “Tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) để thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh hậu Covid-19” và “Phòng vệ thương mại sau một năm EVFTA có hiệu lực”.

Buổi tập huấn có sự tham dự của các diễn giả đến từ Cục Phòng vệ thương mại, Cục Xuất nhập khẩu; đại diện Văn phòng Bộ, Vụ Chính sách thương mại đa biên và sự tham dự của các phóng viên, nhà báo theo dõi lĩnh vực ngành Công Thương.

Phát biểu tại buổi tập huấn, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công Thương Đỗ Ngọc Hưng cho biết, trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, việc tận dụng các cam kết trong thực thi Hiệp định FTAs ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế thế giới và Việt Nam.

Phó Chánh Văn phòng Bộ Công Thương cho biết, nhằm cung cấp những kiến thức, thông tin bổ ích để các phóng viên, nhà báo hiểu rõ hơn về việc tận dụng các cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tập huấn cho các phóng viên chuyên trách ngành Công Thương. “Sự quan tâm, tham dự của các phóng viên báo chí, cơ quan truyền thông tại 02 hội nghị tập huấn này là nguồn động viên, cho thấy sự quan tâm của các cơ quan báo chí, truyền thông đối với các lĩnh vực của Bộ Công Thương nói chung và việc triển khai các nội dung cam kết của Hiệp định EVFTA nói riêng”, ông Đỗ Ngọc Hưng chia sẻ.

Tận dụng cơ hội từ EVFTA thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh hậu Covid-19

Với chủ đề “Tận dụng cơ hội từ EVFTA để thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh hậu Covid-19”, Trưởng phòng Phòng Xuất xứ hàng hóa (Cục Xuất nhập khẩu) Trịnh Thị Thu Hiền đã có những chia sẻ  nhằm giải đáp thắc mắc liên quan đến: Xuất xứ hàng hóa là gì? Quy tắc xuất xứ để làm gì? Quy định xuất xứ ở đâu? Quy tắc xuất xứ EVFTA thế nào? Tận dụng Quy tắc xuất xứ EVFTA.

Theo bà Trịnh Thị Thu Hiền, Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định rõ “Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ - nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó”.

Như vậy, cùng một mặt hàng do một nhà máy sản xuất, khi xuất đi các thị trường khác nhau thì quy tắc xuất xứ áp dụng là khác nhau.

Trưởng phòng Phòng Xuất xứ hàng hóa (Cục Xuất nhập khẩu) Trịnh Thị Thu Hiền chia sẻ tại buổi tập huấn

Bà Trịnh Thị Thu Hiền dẫn chứng, với hàng dệt may trong khuôn khổ Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, khi xuất khẩu sang Singapore thì quy tắc xuất xứ chỉ cần là vải. Nghĩa là vải được nhập khẩu từ các nước khác, ngoài khu vực ASEAN, sau đó công đoạn cắt may được thực hiện tại Việt Nam thì hàng hóa đó được coi là có xuất xứ từ Việt Nam.

Tuy nhiên, cùng lô hàng đó, nếu xuất khẩu đi EU thì chưa chắc đã được coi là đáp ứng xuất xứ, bởi quy tắc xuất xứ trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA là từ vải trở đi. Có nghĩa là công đoạn dệt vải, công đoạn cắt may phải được thực hiện tại các nước thành viên trong Hiệp định. Đây là quy tắc xuất xứ hai công đoạn.

Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu cho thấy, 10 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 32,19 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu có giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu EUR.1 đạt 6,55 tỷ USD, tương đương tỷ lệ 20,37%.

Trước thời điểm EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang EU có C/O EUR.1 tập trung vào các thị trường có cảng biển, trung tâm phân phối của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp. Trong hơn 1 năm đi vào thực thi, Hiệp định EVFTA đã mở ra cơ hội mới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ xuất khẩu có C/O EUR.1 sang toàn bộ các nước EU, đặc biệt kim ngạch xuất khẩu có C/O EUR.1 tăng mạnh ở các thị trường truyền thống, có dung lượng lớn như Bỉ đạt gần 1,63 tỷ USD; Đức đạt hơn 1,37 tỷ USD; Hà Lan đạt 1,17 tỷ USD; Pháp đạt 846 triệu USD (số liệu từ 01/8/2020 đến 31/7/2021).

Về cơ cấu mặt hàng, giày dép vẫn là nhóm có tỷ lệ cấp C/O EUR.1 lớn nhất trong 10 tháng năm 2021, đạt 101,9% với kim ngạch xuất khẩu có C/O EUR.1 là 3,21 tỷ USD. Thủy sản đạt tỷ lệ 75,52% với kim ngạch xuất khẩu có C/O EUR.1 là 614 triệu USD.

Rõ ràng, việc đáp ứng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA là lợi thế lớn để doanh nghiệp Việt cạnh tranh tại thị trường EU với quy mô dân số trên 500 triệu dân.

Giải pháp nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong thời gian tới

Với chủ đề “Phòng vệ thương mại sau một năm EVFTA có hiệu lực”, bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã chia sẻ với các phóng viên liên quan đến 02 nội dung: Các biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam và EU; Phòng vệ thương mại trong các FTA và giải pháp nâng cao năng lực.

Theo đó, các biện pháp phòng vệ thương mại gồm: chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.

Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Phạm Châu Giang chia sẻ tại buổi tập huấn

Bà Phạm Châu Giang cho biết, các FTA thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cũng đồng nghĩa với việc gia tăng khả năng bị điều tra phòng vệ thương mại tại thị trường nước ngoài đối với hàng hóa Việt Nam. EVFTA và thị trường EU không phải là ngoại lệ trong dài hạn.

Cho đến nay, EU mới khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại 14 vụ việc đối với Việt Nam. Trong đó có 4 vụ việc chống bán phá giá (giày dép - 1998; bật lửa ga - 2002; xe đạp, ống thép, ốc vít không gỉ - 2004; giày mũ da - 2005); 1 vụ việc chống trợ cấp (sợi tổng hợp - 2013); 1 vụ việc tự vệ (thép - 2018); 5 vụ việc chống lẩn tránh thuế (mì chính - 1998; kẽm oxit, vòng khuyên kim loại - 2003; đèn huỳnh quang - 2004; bật lửa ga - 2012; xe nâng - 2017).

Đến nay, chỉ còn 1 vụ việc đang còn hiệu lực là biện pháp tự vệ với thép từ năm 2018. Tháng 7/2021 vừa qua, Ủy ban Châu Âu (EC) đã quyết định gia hạn thời gian áp dụng biện pháp tự vệ theo hình thức hạn ngạch thuế quan với thép nhập khẩu thêm 3 năm (có hiệu lực từ 1/7/2021 - 30/6/2024). Thuế trong hạn ngạch là 0%, trong khi thuế ngoài hạn ngạch là 25%. Việt Nam tiếp tục bị áp dụng hạn ngạch thuế quan chung với các nước khác theo từng quý đối với các sản phẩm thép nhóm 2 (thép tấm cán nguội); nhóm 5 (thép mạ, phủ, tráng); nhóm 9 (thép tấm không gỉ); nhóm 24 (ống thép đúc).

Về cơ bản dòng chảy thương mại Việt Nam - EU tương đối ổn định và không phải sử dụng đến hàng rào phòng vệ thương mại, bởi 2 nền kinh tế có tính chất bổ trợ cho nhau.

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệmới, các vụ việc phòng vệ thương mại gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hơn với tính chất phức tạp gia tăng. Vì vậy, Lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh, các doanh nghiệp trong nước cũng phải chịu áp lực từ việc gia tăng nhập khẩu do các tác động mở cửa thị trường và cần đến những công cụ chính sách về phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích của ngành.

Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại thông tin, một số lĩnh vực cần theo dõi và cảnh báo về phòng vệ thương mại là: thép, dệt may, máy móc thiết bị, nhựa, phương tiện vận tải, gỗ, nông sản, thủy sản…

Bà Phạm Châu Giang nhấn mạnh, trong thời gian tới, một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực phòng vệ thương mại như: Rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật; Xây dựng cơ sở dữ liệu các ngành sản xuất nền tảng; Tăng cường công tác theo dõi và cảnh báo; Đào tạo cho doanh nghiệp và hiệp hội; Hợp tác giữa các cơ quan PVTM…

Buổi tập huấn nằm trong chuỗi Chương trình tập huấn về các cam kết trong các FTA do Bộ Công Thương tổ chức. Thông qua tập huấn, Bộ Công Thương hy vọng phóng viên các cơ quan báo chí sẽ hiểu thêm về những vấn đề liên quan đến vai trò xuất xứ hàng hóa và phòng vệ thương mại trong các cam kết hội nhập để có những bài viết, sản phẩm truyền thông chất lượng, lan tỏa rộng rãi đến các đối tượng doanh nghiệp và người dân.


Tác giả: Nhóm Phóng viên

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website