A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng nền tảng số giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường EU hiệu quả hơn

Vai trò chính trong chuyển đổi số đối với việc tận dụng cơ hội mà EVFTA mang lại chính là việc cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam một nền tảng số để có thể tiếp cận thị trường EU một cách hiệu quả hơn so với các hình thức trước đây.

Ra mắt nền tảng hỗ trợ xuất khẩu ECVN

Từ 1/8/2020, Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm hoặc xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường này.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt thông qua việc ứng dụng thương mại điện tử trong giai đoạn hoạt động trao đổi thương mại sôi động như hiện nay.

Với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường EU hiệu quả hơn, tháng 7/2020, Bộ Công Thương ra mắt nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam - ECVN trong khuôn khổ Diễn đàn chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa (VOIEF – Vietnam Online Import-Export Forum).

Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nền tảng hỗ trợ xuất khẩu ECVN đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội của EVFTA nhằm hỗ trợ tối đa hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, kết nối giao thương doanh nghiệp khối EU và Việt Nam. Đặc biệt, chú trọng quảng bá, nâng cao thương hiệu, phát triển các chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt có kim ngạch xuất khẩu lớn cũng như lợi thế của Việt Nam sang EU, bao gồm: dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, gạo, đường, gỗ và sản phẩm gỗ, các sản phẩm rau quả tươi và chế biến; điện thoại, máy móc, máy vi tính…

Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam ECVN phiên bản 2020 với nhiều tính năng tiện lợi, nổi bật là tính năng Cộng đồng doanh nghiệp Xuất nhập khẩu, giúp các doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm cơ hội giao thương trên môi trường trực tuyến.

Xuất khẩu trực tuyến trở thành xu hướng tất yếu

Trước đây, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường tìm kiếm đối tác nước ngoài theo cách truyền thống như tham gia triển lãm, làm việc với các văn phòng xúc tiến thương mại. Giờ đây, các doanh nghiệp nói trên có thể vượt qua rào cản bằng việc đầu tư cho xuất khẩu trực tuyến bằng cách gia nhập vào nền tảng hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến của quốc gia Việt Nam để khai.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu trực tiếp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức. Đồng thời đây cũng là thời điểm để doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số. Nếu như trước đây, hoạt động xuất nhập khẩu nói chung thường chỉ dành cho các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực tài chính mạnh, thì nay thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới đã làm cục diện thay đổi hoàn toàn, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đều có cơ hội bình đẳng.

(Ảnh minh họa)

Kinh tế số là hướng đi tất yếu của doanh nghiệp trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0. Công nghệ thay đổi phương thức giao thương với nhiều ưu điểm hơn, do đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã thiết lập kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến. Xuất khẩu trực tuyến có 5 ưu điểm chính: Tăng phạm vi tiếp cận khách hàng; Tiết kiệm chi phí; Nhanh chóng tiện lợi; Xây dựng thương hiệu nhanh chóng; Tiếp cận trực tiếp khách hàng. Nhờ các ưu điểm này mà xuất khẩu trực tuyến trở thành xu hướng tất yếu giúp việc giao thương trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn.

Thời điểm ra đời, ECVN đặt mục tiêu giúp các doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận phương thức kinh doanh rất mới mẻ vào thời điểm đó là thương mại điện tử, kết hợp cùng Vietnamexport - Cổng thông tin đăng tải các thông tin kinh tế, thương mại, thị trường và luật pháp kinh doanh của các nước trên thế giới nhằm phục vụ trực tiếp cho việc nghiên cứu thị trường, xây dựng phương án kinh doanh đẩy mạnh xuất khẩu.

Thông qua nền tảng ECVN, thông tin sẽ được truyền tải, tiếp nhận nhanh chóng, chính xác, có chọn lọc giúp cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu gần hơn với sự hỗ trợ của nhà nước Việt Nam, nhanh chóng nắm bắt cơ hội giao thương, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu.

Cùng với cơ hội từ EVFTA, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.


Tác giả: Hải Phong

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website