Các hoạt động của Thứ trưởng Phan Thị Thắng trong khuôn khổ chuyến thăm Argnetina và Brazil của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa
Từ ngày 19 đến ngày 30 tháng 8 năm 2024, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đã tham gia đoàn công tác của Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương thăm Argentina và Brazil.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng phát biểu tại Hội thảo quốc tế về Hồ Chí Minh và quan hệ Việt Nam – Mỹ Latinh tại Buenos Aires, Argentina
Bên cạnh những hoạt động chính thức của Đoàn như Hội đàm với Lãnh đạo Đảng Cộng sản Argentina, gặp và làm việc với Đảng Công lý Argentina, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Uruguay, Lãnh đạo Quốc hội và Nhóm nghị sỹ hữu nghị Argentina – Brazil, Đảng Cộng sản Brazil, Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Brazil, Đảng Lao động Brazil, Đảng Lao động Dân chủ Brazil, phát biểu tại Hội thảo quốc tế về Hồ Chí Minh và quan hệ Việt Nam – Mỹ Latinh ở cả hai nước, thăm Đại sứ quán và cộng đồng người Việt tại Argentina và Brazil…,Thứ trưởng Phan Thị Thắng đã có các buổi làm việc song phương ở cả hai nước để thúc đẩy mối quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai bên, đặc biệt về khả năng khởi động đàm phán FTA Việt Nam – MERCOSUR.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng làm việc với ông Marcelo Cima, Quốc vụ khanh phụ trách quan hệ kinh tế quốc tế, Bộ Ngoại giao, Ngoại thương và Tôn giáo Argentina về hợp tác kinh tế song phương
Tại Argentina, trong buổi làm việc với ông Marcelo Cima, Quốc vụ khanh phụ trách quan hệ kinh tế quốc tế, Bộ Ngoại giao, Ngoại thương và Tôn giáo Argentina, cơ quan đầu mối trong việc triển khai và thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do của Argentina, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đã cập nhật về kinh tế Việt Nam và thông tin về tình hình trao đổi thương mại song phương giữa hai nước.
Đặc biệt, hai Bên cũng trao đổi về khả năng thúc đẩy khởi động đàm phán một thoả thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR).
Quốc vụ khanh của Argentina khẳng định quan điểm ủng hộ việc thúc đẩy khởi động đàm phán một Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam trong khuôn khổ Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) và nhấn mạnh Việt Nam là ưu tiên số một của Argentina trong số các đối tác tiếp theo để đàm phán.
Hai bên nhất trí phối hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng như nguyên liệu dệt may, nguyên liệu da giày, nông sản, khai khoáng, năng lượng tái tạo…
Thứ trưởng Phan Thị Thắng làm việc với ông Marcio Elias Sosa, Thứ trưởng thường trực Bộ Phát triển, Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Brazil về hợp tác kinh tế song phương
Tại Brazil, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đã có buổi làm việc với ông Marcio Elias Sosa, Thứ trưởng thường trực Bộ Phát triển, Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Brazil để trao đổi về các nội dung trong hợp tác kinh tế - thương mại song phương.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị Brazil nghiên cứu, công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Brazil nghiên cứu và có phản hồi về việc thúc đẩy khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – MERCOSUR. Thứ trưởng đề nghị Brazil, với vai trò là nền kinh tế lớn nhất của Khối, có tiếng nói ủng hộ việc khởi động đàm phán Hiệp định này.
Trả lời đề nghị này, Thứ trưởng Marcio Elias Sosa khẳng định Brazil luôn ủng hộ các cơ chế hợp tác thương mại tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hai chiều, cho biết sẽ đưa nội dung này vào thảo luận trong các phiên họp sắp tới của Khối.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bạn cũng thông tin về các lĩnh vực mà Brazil quan tâm thúc đẩy như thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng sạch, hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững, về một số biện pháp kiểm dịch động thực vật đối với mặt hàng da xuất khẩu của Brazil vào Việt Nam và mối quan tâm tìm kiếm đối tác Việt Nam của Tập đoàn hàng không vũ trụ Brazil, Embraer. Thứ trưởng Công Thương Việt Nam hoan nghênh các đề xuất này và khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với các bên liên quan nghiên cứu và thúc đẩy những nội dung có tiềm năng phát triển.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng phát biểu tại Hội thảo quốc tế về Hồ Chí Minh và quan hệ Việt Nam – Mỹ Latinh tại Brasilia, Brazil
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại song phương năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Argentina đạt 3,44 tỷ USD, giảm 29,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Argentina đạt 975,8 triệu USD, tăng 14,6%, Việt Nam nhập khẩu từ Argentina đạt 2,47 tỷ USD, giảm 38,9% so với năm 2022.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 1,98 tỷ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó Việt Nam xuất khẩu 215,36 triệu USD, giảm 71,4%, nhập khẩu 1,77 tỷ USD, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Argentina gồm có: Điện thoại các loại và linh kiện; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Giày dép các loại; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; Nguyên phụ liệu dệt may, da giày... Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ Argentina gồm có: Ngô; Thức ăn gia súc và nguyên liệu; Bông các loại; Đậu tương; Dầu mỡ động thức vật...
Năm 2023, Kim ngạch thương mại Việt Nam - Brazil đạt 7,1 tỷ USD, tăng 4,8% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Brazil đạt 2,44 tỷ USD (tăng 9%), nhập khẩu đạt 4,67 tỷ USD (tăng 2,8%). 7 tháng đầu năm 2024, trao đổi thương mại song phương đạt xấp xỉ 4,6 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Brazil đạt 1,53 tỷ USD, tăng 3.9% so với cùng kỳ năm 2023, nhập khẩu từ Brazil đạt 3,06 tỷ USD, tăng 28,3%. Tính riêng 7 tháng đầu năm 2024, Brazil hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ.
Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Brazil các mặt hàng như hàng thuỷ sản, túi xách, ví, valy, mũ, ô dù, hàng dệt may, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, máy móc và thiết bị, túi xách, vali, phương tiện vận tải và phụ tùng, sắt thép các loại, sản phẩm từ thép, kim loại thường khác và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, đồ chơi, dụng cụ thể thao và các bộ phận. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Brazil các sản phẩm là các mặt hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước đáp ứng cho nhu cầu trong nước và phục vụ sản xuất để xuất khẩu như hàng rau quả, ngô, nguyên phụ liệu thuốc lá, chất dẻo nguyên liệu, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, lúa mì, đậu tương, thức ăn gia súc và nguyên liệu, hoá chất, gỗ và sản phẩm gỗ, bông các loại.