A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu và nâng cao năng lực ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại tại thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương

Tiếp theo chuỗi sự kiện nhằm nâng cao năng lực ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại tại thị trường Châu Á, Châu Phi và Châu Đại Dương, ngày 12/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng chủ trì Hội thảo “Thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu và nâng cao năng lực ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại tại thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương”.

 Toàn cảnh Hội thảo Thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu hàng hóa và nâng cao năng lực ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại tại thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương tại thành phố Hà Nội

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu khai mạc Hội thảo

Những năm qua, Việt Nam đặc biệt chú trọng vào việc tăng cường hợp tác kinh tế với các quốc gia trong khu vực châu Á, châu Phi và châu Đại Dương nhằm đẩy mạnh xuất khẩu tại khu vực tiềm năng này. Cụ thể, Việt Nam đã tận dụng các cơ hội hợp tác từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với các đối tác riêng lẻ như Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Hàn Quốc, cũng như các FTA đa phương thông qua các tổ chức khu vực như ASEAN hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Mặc dù thời gian qua, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường này có nhiều khởi sắc và dư địa mở rộng thị trường còn rất lớn, song cũng tồn tại những khó khăn, hạn chế không nhỏ chờ đón doanh nghiệp của ta. Một trong những thách thức lớn nhất là quan điểm bảo hộ, tạo ra các rào cản của các nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Bên cạnh mặt tích cực của tự do hóa thương mại và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, vẫn tồn tại các xu hướng bảo hộ, các xu hướng này ngày càng trở nên phổ biến.

Trong số các biện pháp bảo hộ đó, phòng vệ thương mại nổi lên là một trong các công cụ hợp pháp, hữu hiệu và được nhiều thành viên WTO sử dụng. Theo thống kê của Bộ Công Thương, có tới 14/24 nước thuộc nhóm thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại dương đã điều tra 145/268 vụ việc phòng vệ thương mại khác nhau đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các nước điều tra nhiều nhất là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Indonesia, Philippines … Chỉ riêng trong ASEAN, 4 nước Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin và Thái Lan đã điều tra tới 52 vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa của ta. Còn tại Châu Đại Dương, Úc cũng đã điều tra 19 vụ việc với Việt Nam.

“Thông qua Hội thảo sẽ giúp chúng ta hiểu rõ và chia sẻ nhiều hơn trách nhiệm trong việc hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của các biện pháp phòng vệ thương mại, biện pháp hạn chế nhập khẩu với hàng hóa của ta. Qua đó, chúng ta có quyền kỳ vọng sự phát triển và tăng trưởng bền vững của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai." - Thứ trưởng Phan Thị Thắng kỳ vọng.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi, ông Tô Ngọc Sơn trình bày tại Hội thảo

Tại hội thảo, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi chia sẻ nhiều thông tin quan trọng về thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương như tổng quan khu vực và thị trường, tỷ trọng xuất nhập khẩu, các đối tác xuất nhập khẩu quan trọng của Việt Nam; nhu cầu thị trường và các mặt hàng chủ lực cần tiếp tục khai thác tiềm năng xuất khẩu. Ông Sơn cũng phân tích chi tiết các cơ hội và rủi ro khi giao thương với các thị trường này, đồng thời đưa ra nhiều khuyến nghị có giá trị nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại, xu hướng, thị hiếu tiêu dùng... giúp doanh nghiệp, ngành hàng có bức tranh tổng quan và định hướng phát triển hiệu quả.

Bà Trương Thùy Linh, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại đã trao đổi về tình hình điều tra, áp dụng và kinh nghiệm ứng phó các biện pháp PVTM của các nước thị trường Châu Á, Châu Phi và Châu Đại Dương với Việt Nam và một số khuyến nghị cho cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, doanh nghiệp và hiệp hội – với vai trò là các bên liên quan trong vụ việc phòng vệ thương mại. Cụ thể, bà Linh cung cấp số liệu chi tiết mô tả tình hình điều tra áp dụng các biện pháp PVTM ở nhiều góc độ khác nhau như loại hình vụ việc, sản phẩm bị điều tra, các nước thường xuyên điều tra hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam...; phân tích nguyên nhân và bản chất của việc điều tra áp dụng các biện pháp PVTM; các hoạt động cụ thể được Bộ Công Thương thực hiện đề điều hành vĩ mô cũng như hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng xử lý hiệu quả các vụ việc PVTM cụ thể, vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan góp phần tác động tích cực tới kết quả vụ việc PVTM. Bà Linh cũng đưa ra khuyến nghị chi tiết cho từng đối tượng liên quan như cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp liên quan trực tiếp tới các vụ việc PVTM của nước ngoài; vai trò của luật sư, tư vấn và các bên liên quan khác để bảo vệ và thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài một cách bền vững.

Ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội trình bày tại Hội thảo

Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Thế Hiệp – Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội trình bày bài tham luận quan trọng về các hoạt động của ngành Công Thương thành phố Hà nội nhằm thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu hàng hóa và nâng cao năng lực ứng phó các vụ việc PVTM tại thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương. Bài tham luận khai thác tình hình thực tế của địa phương thông qua các chỉ sổ phát triển công nghiệp, thương mại, tình hình hợp tác, khai thác các FTA, số liệu xuất nhập khẩu và kiểm soát lam phát trên địa bàn thành phố. Ông Hiệp cho rằng “các nỗ lực của Chính phủ, nhận thức của các cơ quan QLNN và cộng đồng doanh nghiệp đã và đang dần được nâng cao”. Với vai trò là là cơ quan đầu mối giúp việc cho UBND, Sở Công Thương thành phố Hà Nội đã tham mưu cho Lãnh đạo UBND phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu xử lý nhiều vụ việc PVTM cụ thể; là đầu mối kết nối với các Sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố trực tiếp xử lý bản trả lời câu hỏi điều tra chống trợ cấp dành cho Chính phủ Việt Nam; chủ động xây dựng nhiều chương trình, đào tạo để tiếp tục nâng cao nhận thức, kiến thức của công đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực PVTM.

Chủ tịch Hiệp hội Thanh nhôm định hình Việt Nam Nguyễn Minh Kế trình bày tại Hội thảo

Đại diện cho Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Minh Kế chia sẻ kiến thức PVTM của Hiệp hội thông qua thực tiễn xử lý nhiều vụ việc PVTM cả ở trong nước và nước ngoài. Qua đó, Hiệp hội Nhôm và các doanh nghiệp nhận thấy rõ tầm quan trọng của lĩnh vực này và hiệu quả tích cực khi các doanh nghiệp trong ngành cùng nhau đoàn kết, tận dụng hiệu quả biện pháp PVTM để đối phó với hàng hóa bán phá giá của nước ngoài hoặc tiếp tục bảo vệ thành công thị trường xuất khẩu khi bị nước ngoài điều tra PVTM. Ông Kế cũng gửi lời cám ơn tới Lãnh đạo Bộ Công Thương, Cục PVTM và các đơn vị liên quan đã hỗ trợ Hiệp hội, doanh nghiệp nhôm đạt được những kết quả rất tích cực trong năm 2024, giúp doanh nghiệp tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất, xuất khẩu trong các năm sắp tới.

Thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại tại thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang nhóm thị trường tiềm năng này; tăng cường hiệu quả công tác cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; tăng cường tuyên truyền đào tạo nâng cao nhận thức của các bên liên quan trong lĩnh vực phòng vệ thương mại.

Ông Trịnh Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại phát biểu bế mạc Hội thảo

Về phía doanh nghiệp cũng nên chủ động tìm hiểu và nâng cao nhận thức, kỹ năng để kịp thời ứng phó khi phải đối mặt với các vụ việc phòng vệ thương mại. Mặt khác, doanh nghiệp cần cần tăng cường phối hợp các cơ quan quản lý nhà nước và theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Công Thương, chuẩn bị nguồn lực để kháng kiện trong trường hợp phát sinh.


Nguồn:Cục Phòng vệ thương mại Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website