A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phiên chất vấn sáng 8/6: Tiếp tục giải đáp nhiều vấn đề “nóng” của nông nghiệp, tài chính

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 8/6, Quốc hội thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Sau nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, tài chính là nội dung tiếp theo của phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra hôm nay.

Phiên chất vấn sáng ngày 8/6: Giải đáp nhiều vấn đề “nóng” của ngành tài chính

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Phát biểu tại phiên giải trình sáng ngày 8/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan có 30 phút trả lời chất vấn đại biểu đặt câu hỏi từ chiều ngày 07/6. Tiếp đó, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành sẽ tham gia giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm.

Phiên chất vấn sáng 8/6: Tiếp tục giải đáp nhiều vấn đề “nóng” của nông nghiệp, tài chính

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời câu hỏi về các mối liên kết trong việc phát triển dựa trên niềm tin, vận dụng vốn xã hội trong phát triển nông nghiệp:

Theo tôi, niềm tin của người dân, hay vốn xã hội đều là thứ vô hình, nhưng là nguồn vốn để phát triển quan trọng không kém những nguồn lực vật chất, hữu hình. Nếu biết chuyển hóa thì sẽ tạo ra giá trị hữu hình rất lớn.

Phiên chất vấn sáng 8/6: Tiếp tục giải đáp nhiều vấn đề “nóng” của nông nghiệp, tài chính

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan

Cụ thể, vốn xã hội, niềm tin của người dân, sự gắn kết cộng đồng tạo nên sức mạnh, làm nên thành công trong việc thực hiện các chương trình muc tiêu quốc gia. Vì vậy, việc kích hoạt được nguồn vốn xã hội là điều vô cùng quan trọng. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có định hướng, chiến lược xây dựng những thiết chế xã hội nông thôn, những nhóm nghề nghiệp, nhóm xã hội, chính quyền cấp cơ sở tạo mạng lưới xã hội tham gia sâu vào sự phát triển ở địa phương. Qua đó, nâng cao tính tự chủ, tự lực của người dân, giữ vững niềm tin và sự gắn kết xã hội, tạo sự chia sẻ và tin tưởng giữa các thành phần doanh nghiệp và người dân, giúp nhanh chóng hồi phục sau những đứt gãy xã hội, đứt gãy chuỗi cung ứng.

Liên quan đến vấn đề giá cả, thị trường nguồn nguyên liệu đầu vào, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trực tiếp chỉ đạo nhiều hội nghị để siết chặt công tác quản lý thị trường, chỉ đạo các hệ thống, các hiệp hội ngành hàng tháo gỡ khó khăn, góp phần giảm đà tăng giá.

Thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm hữu cơ trong nông nghiệp, nghiên cứu các quy trình sản xuất nông nghiệp giảm sử dụng nguyên liệu, vật tư đầu vào; nghiên cứu các nguyên liệu, vật tư thay thế phù hợp.

Về tiêu thụ nông sản, trong thị trường tiêu thụ nội địa, giá nông sản tăng, giảm không ổn định do phụ thuộc lớn vào tình hình xuất khẩu (đặc biệt tại các tỉnh phía Nam). Hoạt động sản xuất và kết nối tiêu thụ bắt đầu phục hồi sau dịch nhưng vẫn chưa phát huy hiệu quả. Năng lực của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã khi tham gia liên kết chuỗi giá trị còn hạn chế về vốn, kỹ năng, thị trường… nên khó tham gia hoặc trụ vững tại các kênh tiêu thụ hiện đại và các kênh thương mại điện tử. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang từng bước tháo gỡ rào cản kỹ thuật và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường lớn và tiềm năng.

Liên quan đến vấn đề vốn về khoa học công nghệ trong nông nghiệp, theo tôi, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là trụ cột để phát triển và đổi mới và phát triển nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang quan tâm đến những nội dung này để đảm bảo kích hoạt được chương trình nông thôn mới, kích hoạt khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Hướng tới kêu gọi xã hội hóa để thương mại hóa những đề tài nghiên cứu về nông nghiệp để mang đến hiệu quả trong thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn:

Chưa bao giờ ngành nông nghiệp Việt Nam có bước phát trển mạnh mẽ như hiện nay, từ sản xuất đủ ăn, đáp ứng nhu cầu gần 100 triệu dân đến xuất khẩu gần 50 tỷ USD một năm. Diện mạo nông thôn thay đổi nhanh chóng và đời sống của ng dân thay đổi rõ rệt.

Phiên chất vấn sáng 8/6: Tiếp tục giải đáp nhiều vấn đề “nóng” của nông nghiệp, tài chính

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Có được kết quả này trước hết phải nói đến nỗ lực chịu thương, chịu khó của người nông dân và chủ trương lãnh đạo của Đảng, các quyết sách của Quốc hội, Chính phủ và ngành nông nghiệp Việt Nam thời gian qua.

Nhưng ngành Nông nghiệp vẫn đang đối mặt với khó khăn, thách thức, hiện chúng ta phải trả lời câu hỏi làm thế nào để ngành Nông nghiệp phát triển? Trách nhiệm này trước hết phải thuộc về các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó, trước hết là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên thực tế, thời gian qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng rất nỗ lực.

Chúng tôi đồng tình với Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, nhưng trước hết căn cứ Nghị quyết Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, chúng ta cần thay đổi tư duy phát triển nông nghiệp là từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, không tối đa hoá sản lượng mà tối đa hoá về mặt giá trị… Cùng với đó, phải xây dựng một nền kinh tế tự chủ, chống chịu và thích ứng cao hơn, khuyến khích doanh nghiệp và phát triển.

Về chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp phát triển lĩnh vực nông nghiệp, hiện các chính sách ban hành nhiều nhưng chưa sát với tình hình thực tế?

Về xây dựng luật đầu tư vào nông nghiệp thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa tính đến, nhưng hiện đang sửa Nghị định 57 theo hướng mở rộng đối tượng hỗ trợ. Thời gian tới, chúng tôi đang hoàn thiện và sớm trình Chính phủ trong tháng 7 này về sửa định 57 để thúc đẩy phát triển nông nghiệp thời gian tới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành:

Qua phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới ngành nông nghiệp. Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, tôi xin được báo cáo về một số nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phiên chất vấn sáng 8/6: Tiếp tục giải đáp nhiều vấn đề “nóng” của nông nghiệp, tài chính

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tham gia trả lời chất vấn

Thực tiễn hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, ngành nông nghiệp đã có nhiều đột phá để phát triển và có những bước tiến vượt bậc trên các lĩnh vực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kế thừa thành tựu quan trọng đó, trong 5 tháng đầu năm 2022, trong điều kiện còn nhiều khó khăn và thách thức, nhất là thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, ngành nông nghiệp tiếp tục đạt được những kết quả rất tích cực.

Các lĩnh vực đều có tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ, trong đó nổi bật nhất là xuất khẩu nông sản 5 tháng đầu năm 2022 đạt 23,2 tỷ USD, tăng 16,8%; Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực tiếp tục duy trì được vị trí thương hiệu trên thị trường quốc tế như xuất khẩu hồ tiêu đứng đầu thế giới, tăng 25,7%, xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới, đạt gần 2 tỷ USD, tăng 54%; xuất khẩu gạo đạt gần 3 triệu tấn, tăng 10,3%; xuất khẩu rau quả đạt 1,4 tỷ USD; xuất khẩu thủy sản đạt 4,79 tỷ USD, tăng 46,3%; xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỷ USD, tăng 6,9%. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ, tiếp tục khẳng định nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành nông nghiệp cũng còn tồn tại nhiều hạn chế. Nền nông nghiệp nước ta có đặc thù là sản phẩm rất đa dạng, phong phú như lúa gạo, trái cây, sản phẩm chăn nuôi, thủy hải sản nhưng việc xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tại các thị trường lớn, thị trường đòi hỏi chất lượng cao. Nguyên nhân chủ yếu là chưa có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, công nghệ cao, đáp ứng các tiêu chuẩn về điều kiện của thị trường. Còn nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng thấp do sản xuất còn manh mún và tự phát.

Là một nước nông nghiệp nhưng chúng ta chưa chủ động được các yếu tố đầu vào quan trọng cho sản xuất nông nghiệp như giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật tư đã ảnh hưởng lớn tới chi phí sản xuất. Năng suất lao động của ngành nông nghiệp còn rất thấp, chỉ bằng 50 -60% của các nước tiên tiến trong khu vực.

Qua số liệu thống kê, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu 60%, năm 2021 nhập khẩu 22,3 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi với giá trị nhập khẩu là 10 tỷ USD, trong đó có hơn 10 triệu tấn ngô, 5 triệu tấn khô dầu đầu tương, phân bón nhập khẩu tới 42%. Năm 2021 nhập khẩu khoảng 1,54 triệu tấn với giá trị là 1,45 tỷ USD. Giống cây trồng, vật nuôi nhập khẩu là chủ yếu.

Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu của sản phẩm nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Nông sản của ta, nhất là rau, quả vẫn chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Tình trạng được mùa, mất giá, ùn ứ nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc xảy ra thường xuyên hàng năm, gây nhiều thiệt hại về kinh tế và xã hội.

Về một số giải pháp trong thời gian tới, trước hết các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương cần tập trung cao và thực hiện thật tốt các nghị quyết mà Hội nghị Trung ương 5 khoá 13 đã thông qua về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã; về hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đai. Đây là những chủ trương, định hướng lớn để khắc phục các cái tồn tại, hạn chế nêu trên và tạo động lực mới cho phát triển của ngành nông nghiệp.

Trên cơ sở các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội định hướng lớn trong Chiến lược phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050 và tình hình thực tiễn của đất nước chúng ta, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:

Thứ nhất, đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, từ khâu đầu tư nghiên cứu, chọn tạo giống đến quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đặc biệt là đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ cho xuất khẩu ngày càng tốt hơn.

Thứ hai, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, về hàng rào thương mại để các sản phẩm nông nghiệp chưa có thị trường sớm được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn có giá trị như thị trường châu Âu, Mỹ và Trung Quốc với phương châm là đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, góp phần từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc, hạn chế tình trạng ùn ứ hàng hóa diễn ra tại các khu vực cửa khẩu như giai đoạn hiện nay.

Thứ ba, có cơ chế mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ tín dụng, miễn giảm các loại phí, thuế để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất vật tư nông nghiệp, phân bón, nhất là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, khắc phục tình trạng dư thừa sản phẩm nông nghiệp theo mùa vụ nhằm hỗ trợ tiêu thụ gia tăng giá trị sản phẩm cho người nông dân.

Thứ tư, rà soát, đánh giá tổng thể nhu cầu về nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc, thức ăn chăn nuôi, từ đó quy hoạch xây dựng các vùng sản xuất phục vụ ngành công nghiệp, thức ăn chăn nuôi, từng bước tự chủ nguồn cung, giảm nhập khẩu để không bị phụ thuộc quá nhiều vào thị trường thế giới, góp phần ổn định và giảm chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.

Thứ năm, tập trung chỉ đạo tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, xây dựng cơ chế chính sách phát huy nguồn lực đất đai, tạo điều kiện hỗ trợ nông dân khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai phục phục vụ sản xuất nông nghiệp, khắc phục tình trạng người dân bỏ ruộng tại một số địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định của Quốc hội.


Nguồn:Báo Công Thương Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website