A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp vùng Đồng Bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại

Sáng 5/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại) đã khai mạc chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp xuất khẩu và Tổ chức Xúc tiến thương mại. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì và phát biểu khai mạc hội nghị.

Đây là hoạt động thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2022. Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo UBND các tỉnh thành phía Nam, lãnh đạo các Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch của 18 tỉnh thành phía Nam. Về phía khách quốc tế có đại biểu các Tham tán Thương mại và Trưởng đại diện của các Đại sứ quán, Văn phòng Kinh tế, Tổ chức Xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam như: Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Chile, Indonesia, Đài Loan,… và gần 400 đại biểu từ các hiệp hội ngành hàng, nhà phân phối, nhà cung cấp, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và quốc tế tham dự.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc chương trình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - cho biết, năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng đã tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu của mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện nay Việt nam đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện linh hoạt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các nhà sản xuất trong bối cảnh thị trường tiêu thụ vẫn còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và căng thẳng về chính trị trên thế giới hiện nay, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương trên cả nước nói chung và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam nói riêng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển thị trường ở cả trong nước và quốc tế cho các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương” -  Thứ trưởng khẳng định.

Theo đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, củng cố và đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường được tổ chức thường xuyên, liên tục như: Hội nghị kết nối giao thương, hội chợ triển lãm trực tuyến và trực tiếp… đã tạo ra nhiều kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các nhà nhập khẩu nước ngoài tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và tiềm năng, góp phần thiết thực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, duy trì ổn định kinh tế trong bối cảnh đại dịch.

Phát huy các kết quả đạt được trong công tác xúc tiến thương mại vừa qua, hội nghị được tổ chức lần này là hoạt động xúc tiến thương mại cấp khu vực quan trọng, với sự tham gia của hầu hết các địa phương khu vực phía Nam, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tới các cơ quan xúc tiến thương mại quốc tế, các nhà nhập khẩu, các nhà thu mua chế biến xuất khẩu Việt Nam cũng như các nhà phân phối Việt Nam và quốc tế. Ngoài ra, Hội nghị cũng cung cấp thông tin, giải pháp giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài và tham gia hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục tăng cường phối hợp với UBND các tỉnh thành phố khu vực phía Nam, rộng hơn là toàn quốc thông qua Sở Công Thương, các trung tâm xúc tiến thương mại, tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài, hệ thống thương vụ tiếp tục tổ chức cả hình thức trực tuyến và trực tiếp. Ngoài việc mời doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam giao thương ở nước ngoài, giới thiệu trực tiếp sản phẩm thì chúng ta cũng mời các đoàn mua hàng nước ngoài đến Việt Nam để tăng cường kết nối thông tin thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú 

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, việc triển khai các đề án cấp quốc gia về xúc tiến thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã ở các địa phương là hết sức cần thiết nhằm kết nối giao thương, tăng cường kết nối cung cầu nội địa, tiêu thụ sản phẩm trong nước, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước với sức tiêu thụ của gần 100 triệu dân, đồng thời hỗ trợ các nhà cung ứng địa phương kết nối với các doanh nghiệp chế biến, thu mua xuất khẩu, các tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế, qua đó các sản phẩm tiềm năng của các địa phương tại Việt Nam sẽ dần dần thâm nhập và phát triển tại thị trường quốc tế.

Theo Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại, chương trình lần này được tổ chức với 3 mục tiêu chính, đó là: (1) Kết nối doanh nghiệp với các cơ quan đại diện, tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam, từ đó, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng lưới phân phối nước ngoài. (2) Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhà phân phối của các địa phương gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường, thúc đẩy sản xuất, kết nối cung cầu hàng hóa, phát triển hệ thống phân phối, phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân và đẩy mạnh xuất khẩu. (3) Đổi mới phương thức tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng phối hợp và phát huy vai trò, năng lực của từng đơn vị chủ trì trong việc triển khai thực hiện chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại. Tập hợp các hoạt động xúc tiến thương mại chung thành một sự kiện lớn tạo hiệu ứng mạnh và sức lan tỏa để nâng cao hiệu quả của chương trình.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp đã giới thiệu tiềm năng và thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Là một trong những địa phương có vùng nguyên liệu dồi dào cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến, ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết, tỉnh đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tái cơ cấu ngành công nghiệp lấy công nghiệp chế biến làm ngành chủ lực nên việc xúc tiến kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, thuỷ sản đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế tỉnh. Chính vì vậy hội nghị là dịp để các doanh nghiệp trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước có cơ hội gặp gỡ, giao thương, hợp tác kinh doanh, đầu tư, quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ hơn về nhu cầu của các nhà nhập khẩu, từ đó có chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Ông Nguyễn Hữu Dũng cũng bày tỏ mong muốn thông qua cầu nối Bộ Công Thương, các nhà nhập khẩu, nhà thu mua chế biến xuất khẩu cũng như các vị Tham tán thương mại tại các nước, tiếp tục tích cực hỗ trợ Đồng Tháp xúc tiến kết nối tiêu thụ các sản phẩm đặc biệt mặt hàng nông sản, thủy sản vốn thế mạnh của Đồng Tháp.

Bên cạnh đó, nhằm cung cấp các thông tin, giới thiệu về nhu cầu hàng thu mua và nhu cầu hàng hoá vào các chuỗi siêu thị, đại diện lãnh đạo của các Tập đoàn phân phối AEON Nhật Bản, Central Retail Thái Lan đã có những chia sẻ về tiêu chuẩn nhập hàng để tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị này. Ngoài ra, lần lượt các đại diện đến từ các tổ chức Xúc tiến thương mại nước ngoài như EuroCham, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan đã giới thiệu tiềm năng kết nối, tiêu thụ sản phẩm Việt Nam tại thị trường Châu Âu.

Song song với Hội nghị kết nối giao thương, để nâng cao hiệu quả tham gia của doanh nghiệp, Ban tổ chức còn thu xếp Khu trưng bày giới thiệu sản phẩm tiểu biểu, tiềm năng xuất khẩu của các địa phương tại Công viên Lê Văn Tám nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp quảng bá trực tiếp sản phẩm tới người tiêu dùng trong nước và du khách quốc tế, tiếp cận và nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng từ đó có kế hoạch sản xuất kinh doanh thích ứng với xu hướng thị trường.

Hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu các tỉnh phía Nam: Từ ngày 5 - 9/8/2022, tại khu trưng bày có hơn 300 nhà cung cấp từ 18 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam gồm An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh, TP.HCM, Vĩnh Long, Vũng Tàu với sự tham gia của khoảng hơn 300 nhà cung cấp, doanh nghiệp. Chương trình dự kiến sẽ thu hút khoảng 20.000 lượt khách trong nước, quốc tế đến tham quan, mua sắm trong 05 ngày.

Chương trình kết nối giao thương và tư vấn thị trường xuất khẩn giữa doanh nghiệp Viêt Nam với các nhà nhập khẩu và phân phối: Chiều cùng ngày 5/8/2022, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các tổ chức Xúc tiến thương mại tổ chức chương trình giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các nhà mua hàng đến từ các quốc gia: Chile, Malaysia, Úc, Central retail – Thái Lan,  AEON Nhật Bản...(dự kiến có khoảng 500 cuộc gặp gỡ, giao thương).


Nguồn:Cục Xúc tiến thương mại Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website