A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Toàn văn kết luận của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước

Ngày 29/7/2022, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước tháng 7/2022”. Đây là hội nghị giao ban đầu tiên và cũng là tiền đề để Bộ Công Thương tổ chức thường kỳ vào các tháng tiếp theo. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì. Cổng Thông tin Điện tử Bộ Công Thương trân trọng giới thiệu toàn văn kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo;

Thưa các đồng chí và quý vị.

Sau gần 3 giờ làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị đã nghe Báo cáo tổng quan về xúc tiến thương mại, báo cáo của các Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại một số thị trường ngoài nước; nghe đại diện các địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp trao đổi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ về xuất nhập khẩu trong thời gian tới; các đại biểu cũng đã thảo luận, thống nhất nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA để tiếp tục mở rộng, đa dạng hoá thị trường, sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất, xuất nhập khẩu bền vững.

Lãnh đạo Bộ hoan nghênh, đánh giá cao các thông tin cập nhật chính sách và khuyến nghị thiết thực của hệ thống Thương vụ ngoài nước; hy vọng rằng những thông tin đó sẽ giúp ích cho địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp trong việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, tạo dựng thương hiệu và phát triển thị trường.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, đồng hành, hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, Tôi đề nghị các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, đối với các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài:

- Chủ động nắm bắt, phân tích, đánh giá chính sách nước sở tại, kịp thời tham mưu cho Bộ về các vấn đề mang tính chiến lược và đề xuất những phản ứng chính sách nhằm bảo đảm quyền lợi của đất nước, của doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế.

- Tiếp tục đi sâu, nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường, từ đó tham mưu cho Bộ về chiến lược phát triển thị trường, kết nối giao thương; đồng thời, đưa ra khuyến cáo giúp các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, địa phương xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.

- Tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trong nước, đặc biệt là những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng (như cơ khí, chế biến, chế tạo, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, hoá chất, dược phẩm…), đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài để góp phần thực hiện được mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.

- Trong bối cảnh đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu, cần chú trọng tìm kiếm, phát hiện, kết nối để đa dạng nguồn cung nguyên vật liệu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước chủ động trong sản xuất và xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; đồng thời, hỗ trợ đẩy mạnh hợp tác phát triển lực lượng lao động kỹ thuật thông qua việc đưa lao động, thực tập sinh ra nước ngoài học tập, làm việc, góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

- Tích cực tìm kiếm, kết nối doanh nghiệp, thu hút đầu tư phát triển ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, tiến tới làm chủ về công nghệ, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu các thiết bị trong quá trình chuyển đổi năng lượng mới.

- Tăng cường giữ mỗi liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ và Bộ, ngành liên quan, các địa phương, hiệp hội ngành hàng để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp kết nối xúc tiến thương mại, tận dụng hiệu quả cơ hội thị trường trong từng thời điểm, giai đoạn, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương trong nước xuất khẩu nông, thủy sản có tính mùa vụ.

Hai là, Vụ Chính sách thương mại đa biên và các Vụ Thị trường ngoài nước:

- Chú trọng nghiên cứu, phân tích chính sách, kịp thời đề xuất, khuyến nghị các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về rào cản kỹ thuật, phi thuế quan cho hàng khóa xuất khẩu.

- Tăng cường phối hợp với các đơn vị có liên quan kịp thời hướng dẫn, định hướng thị trường, mặt hàng xuất, nhập khẩu, nhất là ở các thị trường trọng điểm, tạo điều kiện cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp.

Ba là, Cục Xúc tiến thương mại tăng cường phối hợp với các vụ thị trường ngoài nước, các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên cập nhật, kịp thời cung cấp thông tin và dự báo xu hướng thị trường; đồng thời, tổ chức có hiệu quả công tác tư vấn xúc tiến thương mại cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp.

Chủ trì, tổ chức tốt các Hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa các cơ quan chức năng của Bộ và các Bộ, ngành liên quan, hệ thống Thương vụ VN ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp.

Chủ trì phối hợp với các vụ thị trường trong và ngoài nước, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài làm tốt chế độ cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình và kết quả hoạt động trong lĩnh vực thương mại.

Bốn là, đối với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp:

- Chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại phù hợp với nhu cầu và năng lực của mỗi đơn vị.

- Chủ động cung cấp thông tin về hoạt động của doanh nghiệp, trao đổi kịp thời với các đơn vị thuộc Bộ và các Bộ ngành liên quan, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để phối hợp thực hiện có hiệu quả.

- Các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ các quy định, chính sách của Nhà nước, hướng dẫn của các Bộ, ngành trong tổ chức sản xuất kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc và các quy trình, quy định, yêu cầu, điều kiện của các thị trường ngoài nước.

Năm là, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố:

- Chỉ đạo Sở Công Thương và các cơ quan xúc tiến thương mại địa phương nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó đề xuất giải pháp phù hợp, khả thi; đồng thời làm đầu mối phối hợp với các cơ quan của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thông qua giải pháp xúc tiến thương mại.

- Tiếp tục quan tâm chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực (gồm cả nhân lực và kinh phí) cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ xúc tiến thương mại của địa phương để nâng cao năng lực, chủ động kết hợp, lồng ghép các hoạt động của địa phương với các Bộ, ngành và hiệp hội ngành nghề, góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động xúc tiến thương mại.

Sáu là, đề nghị các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với hệ thống Thương vụ và các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương:

- Chỉ đạo, định hướng phát triển sản xuất theo tín hiệu của thị trường; ưu tiên nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, góp phần thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Đẩy mạnh đàm phán, gỡ bỏ rào cản, nút thắt thương mại, thúc đẩy mở cửa thị trường và xử lý kịp thời các biện pháp phòng vệ thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, ngành hàng xuất khẩu, tạo cơ hội cho sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản của nước ta mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý trong triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất, nhập khẩu.

Thưa các đồng chí và quý vị.

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại lần đầu với các thị trường ngoài nước đã thành công tốt đẹp. Sau Hội nghị này, với trách nhiệm là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổng hợp đầy đủ nhu cầu hỗ trợ và các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp để tập trung giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.

Một lần nữa, thay mặt Bộ Công Thương, tôi xin trân trọng cảm ơn sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo đại diện cho các Bộ, ngành, địa phương; các đồng chí cùng toàn thể quý vị tại Hội nghị quan trọng này; chúc các đồng chí và quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website