Tổng hợp các hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Bộ và Bộ Công Thương tuần từ 21/11/2022 đến 27/11/2022
Tuần vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức thành công Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022, đây là sự kiện thường niên và quan trọng của ngành logistics do Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức từ năm 2013 đến nay. Theo đó, Diễn đàn sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, tạo mối liên hệ gắn kết giữa logistics với các ngành sản xuất và xuất nhập khẩu, đồng thời cũng là nơi đối thoại, cập nhật thông tin về những vấn đề quan trọng, cấp thiết của dịch vụ logistics tại Việt Nam và thế giới.
Cổng Thông tin Điện tử Bộ Công Thương tổng hợp các hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Bộ và Bộ Công Thương tuần từ ngày 21/11/2022 đến ngày 27/11/2022 và gửi đến bạn đọc.
Giá xăng dầu giảm nhẹ trong kỳ điều hành ngày 21/11/2022
Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 11/11/2022-21/11/2022) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: lo ngại dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và thị trường vẫn tiếp tục theo dõi các động thái chính sách của Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed)…Các yếu tố trên đã tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là giảm đối với các mặt hàng xăng RON95, xăng RON92, dầu hỏa và điêzen, riêng mặt hàng dầu mazut là tăng nhẹ.
Phương án điều hành giá xăng dầu kỳ này nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; tiếp tục khôi phục Quỹ BOG để điều hành giá trong thời gian tới khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất ổn và diễn biến phức tạp, khó lường; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Chi tiết xem tại đây
Giá điện nhiều nước trên thế giới vẫn tăng cao trong quý IV/2022
Do khủng hoảng năng lượng, lạm phát kéo dài và chiến sự diễn ra tại Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại khiến giá điện ở nhiều nơi trên thế giới vẫn tăng cao. Theo dữ liệu của Ember, giá bán buôn trung bình những tháng cuối năm ở Châu Âu tuy giảm đôi chút nhưng vẫn cao hơn đầu năm. Hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng đã lắng xuống. Được biết, EU đang nỗ lực kiểm soát giá đối với khí đốt được sử dụng để sản xuất điện.
Cuối tháng 10-2022, Chính phủ Nhật Bản công bố kế hoạch thực hiện các biện pháp để giảm gánh nặng hóa đơn tiền điện, khí đốt và chi phí xăng dầu tổng cộng khoảng 45.000 yên cho mỗi hộ gia đình trong tháng 1- 9 năm sau. Vào tháng 10-2022, giá điện ở Tokyo đã tăng gần 27%. Đây là nguyên nhân chính làm tăng lạm phát ở một quốc gia nhập khẩu hơn 90% nhiên liệu. Lạm phát đã đặc biệt đè nặng lên các hộ gia đình, vốn đã chứng kiến mức lương trì trệ trong vài thập kỷ qua và không đủ khả năng chi trả cho chi phí gia tăng.
Chi tiết xem tại đây
Bộ Công Thương họp bàn về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu
Thực hiện Công điện số 1085/CĐ-TTg ngày 11/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu, sáng ngày 21/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp với 2 nội dung quan trọng về Kế hoạch phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 và rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Đây là cuộc họp thứ 2 của Bộ Công Thương ngay sau khi có công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong bối cảnh nguồn cung của thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, từ bài học điều hành, quản lý xăng dầu vừa qua, chúng ta cần phải có cách tiếp cận nhanh và thích ứng hơn. Nhà nước cần sửa đổi bổ sung chính sách kịp thời và sát hơn với thị trường. Thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có chỉ đạo cụ thể với các bộ, ngành chức năng, trong đó đơn vị thực hiện cần rà soát đánh giá nguyên nhân chủ quan để đảm bảo từ nay không xảy ra cú sốc xăng dầu như thời gian qua. Vì vậy, cuộc họp hôm nay với các đơn vị đầu mối rất quan trọng nhằm đưa ra kịch bản về nguồn cung xăng dầu năm 2023, đảm bảo nguồn cung trong mọi tình huống, cũng như góp ý bổ sung, sửa đổi Nghị định số 95 và Nghị định số 83.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng và trong tiếp xúc cử tri khu vực phía Nam yêu cầu hoàn thiện sớm, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, đánh giá và sẽ trình Chính phủ theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, rất cần sự khẩn trương và quyết liệt của các đơn vị có liên quan. “Ngay trong chiều ngày 21/11, Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ về Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Trong đó, nêu cụ thể về đối tượng, phương thức và thời gian lấy ý kiến”- Bộ trưởng cho hay.
Chi tiết xem tại đây
Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022: Tìm giải pháp phát triển logistics xanh
Ngày 26/11/2022, Bộ Công Thương phối hợp với Thành ủy, UBND Thành phố Hải Phòng tổ chức phiên toàn thể của Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 với chủ đề "Logistics xanh" bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đây là sự kiện thường niên do Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức từ năm 2013 đến nay.
Phiên toàn thể có sự tham dự của đồng chí Trần Tuấn Anh - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; đồng chí Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Ngoài ra, còn có sự tham dự khoảng 500 đại biểu đến từ các Bộ ngành, cơ quan Trung ương, cơ quan địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp thương mại, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp dịch vụ logistics, cơ sở đào tạo - nghiên cứu, cơ quan truyền thông và các đơn vị có liên quan.
Tại Diễn đàn Đại diện các Bộ, ngành, địa phương, các Hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế đã phát biểu thảo luận, trao đổi cởi mở, thẳng thắn về hiện trạng, xu hướng phát triển, chia sẻ nhiều thông tin bổ ích về những bài học kinh nghiệp cũng như hiến kế, kiến nghị nhiều giải pháp, sáng kiến để tạo môi trường thuận lợi hơn cho phát triển dịch vụ logistics, nhất là phát triển logistics xanh trong giai đoạn mới.
Chi tiết xem tại đây
Hội nghị hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam
Ngày 21/11, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam và kỷ niệm 40 năm thành lập Vụ Pháp chế (22/11/1982-22/11/2022). Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Qua 10 năm thực hiện, Ngày Pháp luật Việt Nam đã được các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị quan tâm hưởng ứng, trở thành sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng, có sức lan tỏa sâu rộng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và là thông điệp gửi đến cộng đồng quốc tế về hình ảnh một nước Việt Nam dân chủ-pháp quyền, đổi mới, hội nhập, năng động, thượng tôn và bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền công dân.
Bộ trưởng nhấn mạnh, cùng với các cấp, các ngành trong cả nước, những năm qua, Bộ Công Thương và các đơn vị thuộc Bộ đã tích cực triển khai hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam với các hoạt động thiết thực, hiệu quả. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương đã có nhiều chuyển biến về nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Hiến pháp, pháp luật và ý thức tuân thủ, tôn trọng kỷ luật, kỷ cương cũng như năng lực xây dựng, áp dụng pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật ngành Công Thương, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước của ngành trong tình hình mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội đất nước và mở rộng hội nhập quốc tế
Chi tiết xem tại đây
Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Mỹ Latinh năm 2022
Ngày 25 tháng 11 năm 2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức “Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Mỹ Latinh năm 2022”. Diễn đàn được tổ chức kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến nhằm cung cấp thông tin cập nhật về những thay đổi trong chính sách kinh tế - thương mại của các nước khu vực Mỹ Latinh, phân tích tình hình thị trường và nhu cầu đối với các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, từ đó xác định cơ hội và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và thu hút đầu tư từ khu vực Mỹ Latinh, đặc biệt trong bối cảnh các Hiệp định thương mại đang đi vào thực thi, xu hướng dịch chuyển chuỗi ứng toàn cầu và phục hồi kinh tế hậu Covid-19.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đặc biệt ghi nhận những kết quả tích cực trong trao đổi thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh. Bước sang năm 2022, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung cũng như của Việt Nam và các nước Mỹ Latinh nói riêng trải qua nhiều biến động, thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ Latinh vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. 10 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch hai chiều đạt 18,7 tỷ USD, tăng 10,5%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ Latinh đạt 10,2 tỷ USD, tăng 5,3%, nhập khẩu từ Mỹ Latinh vào Việt Nam đạt 8,6 tỷ USD, tăng 17,3%.
Diễn đàn đã tập trung thảo luận cập nhật tình hình thị trường Mỹ Latinh trong bối cảnh hiện nay – cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam tại khu vực nói chung và từng thị trường nói riêng, đặc biệt là các thị trường mới nổi, cung cấp thông tin về các kênh phân phối hàng hóa tại khu vực Mỹ Latinh, chia sẻ nhiều bài học và kinh nghiệm thực tiễn trong giao dịch thương mại với các đối tác Mỹ Latinh và khuyến nghị nhiều giải pháp thiết thực, kịp thời cho doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các giải pháp vận tải – logistics để nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu sang khu vực này.
Chi tiết xem tại đây
Đoàn công tác của Bộ Công Thương làm việc với tỉnh Gia Lai về các dự án điện
Ngày 21/11, tại Gia Lai, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An dẫn đầu đoàn công tác, cùng với phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về tình hình cung cấp điện và đầu tư xây dựng các dự án điện trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đánh giá cao tỉnh Gia Lai trong thời gian qua đã luôn quan tâm, phát triển hệ thống điện trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Trong đó, tỉnh đã cơ bản hoàn thành đưa điện về nông thôn, vùng sâu vùng xa. Gia Lai cũng tận dụng tốt tiềm năng sẵn có để phát triển nguồn thủy điện, điện gió, điện mặt trời, qua đó góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng đề nghị tỉnh Gia Lai tiếp tục nghiên cứu phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió. Ngoài ra, Gia Lai có tiềm năng điện sinh khối và tỉnh nên quan tâm, kêu gọi đầu tư để phát huy lợi thế này.
Chi tiết xem tại đây
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Gia Lai, chiều 21/11, Đoàn làm việc của Bộ Công Thương và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã đến khảo sát thực địa và làm việc tại Nhà máy Thủy điện Ialy, kiểm tra tại Trạm Biến áp 500 kV Pleiku và tuyến đường dây Pleiku – Cầu Bông. Đây là dự án do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, nhận nguồn vốn tài trợ từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). EVN đã ký thỏa ước tín dụng khoản vay 74,7 triệu euro (tương đương 1.900 tỉ đồng).
Theo đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đề nghị UBND tỉnh Gia Lai cần có ý kiến để nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc nhằm triển khai hạng mục. Hiện dự án còn tiềm ẩn một số nguyên nhân khách quan về tiến độ cung cấp vật tư thiết bị đang chậm hơn so với kế hoạch, vì vậy, EVN và Ban Quản lý dự án Điện 2 cần đốc thúc nhà thầu sớm bàn giao thiết bị để các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Thứ trưởng Bộ Công Thương và đoàn công tác EVN, lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai đã giao Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn phối hợp với các đơn vị chức năng của EVN để sớm tháo gỡ vướng mắc của Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng.
Chi tiết xem tại đây
Tăng cường hợp tác song phương Việt Nam - Ba Lan
Ngày 23 tháng 11 năm 2022, cuộc họp tham vấn hợp tác kinh tế-thương mại song phương Việt Nam-Ba Lan giữa Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An và Quốc vụ khanh Bộ Phát triển và Công nghệ Cộng hòa Ba Lan, Ông Grzegor Piechowiak đã được tổ chức tại Bộ Công Thương. Tại cuộc họp, hai bên đã trao đổi, thảo luận những nội dung nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Ba Lan.
Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá cao vai trò và vị trí của Ba Lan, là nước đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam ở châu Âu. Trong thập kỷ vừa qua, Ba Lan là thị trường có mức tăng trưởng tổng kim ngạch hai chiều với Việt Nam tăng đều và ở mức cao, thường xuyên đạt trên 10%/năm.
Hai bên đã trao đổi các hoạt động hợp tác để nâng kim ngạch thương mại hai chiều và tận dụng những ưu đãi từ hiệp định EVFTA, tăng cường hợp tác đầu tư giữa hai nước trong lĩnh vực Ba Lan có thế mạnh như ngành dược phẩm và công nghệ sinh học, công nghệ đóng tàu, khai thác mỏ than, giáo dục đào tạo. Thứ trưởng Bộ Công Thương đã đề nghị Ba Lan ủng hộ Việt Nam trong việc vận động Ủy ban châu Âu gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam và mong muốn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) sớm được Quốc hội Ba Lan phê chuẩn.
Chi tiết xem tại đây
Khai mạc Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may - thiết bị & nguyên phụ liệu 2022
Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp Dệt & May- Thiết bị & Nguyên phụ liệu 2022 tổ chức từ ngày 23-25/11 tại Hà Nội. Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, Bộ Công Thương luôn coi dệt may là ngành quan trọng không chỉ mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 3 của cả nước mà còn góp phần ổn định an sinh xã hội. Ngành dệt may Việt Nam hiện đang sử dụng 2,5 triệu lao động, xuất khẩu hơn 40 tỷ USD/năm, thu nhập trung bình của người lao động đạt khoảng 3.800 USD/năm.
Việc tổ chức Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp Dệt & May - Thiết bị & Nguyên phụ liệu 2022 tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ngành dệt may trong và ngoài nước gặp gỡ, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường. Đây là triển lãm ngành dệt may với tiêu chuẩn cao và là sự kiện quốc tế lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam. Sau một thời gian gián đoạn do dịch, triển lãm trở lại quy tụ nhiều doanh nghiệp uy tín có quy mô lớn từ các nước có ngành dệt may phát triển.
Chi tiết xem tại đây
Các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công Thương nỗ lực đổi mới vì mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội
Năm học 2021-2022, các Cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công Thương cùng toàn ngành Giáo dục tiếp tục tăng cường quán triệt thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới giáo dục và tiếp tục thực hiện mục tiêu kép: vừa bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch COVID-19, vừa hoàn thành nhiệm vụ năm học.
Các Trường tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 04-KH/BCSĐ của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương triển khai Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) tiếp tục thực hiện Quyết định số 69/QĐ-TTg ngày 15/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án nâng cao chất lượng GDĐH giai đoạn 2019-2025”. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Chi tiết xem tại đây
Trưng bày nhận diện hàng thật, hàng giả
Nhân kỷ niệm 15 năm ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11/2007-29/11/2022), sáng 25/11/2022, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương tiếp tục mở cửa Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả, hàng vi phạm với chủ đề “Hàng giả, hậu quả thật”.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) - cho biết, Chính phủ chọn ngày 29/11 là Ngày phòng chống hàng giả Việt Nam. Phòng trưng bày mở cửa trong tháng 11/2022 rất ý nghĩa. Từ cuối năm 2021 đến nay, Tổng cục thường xuyên duy trì mở cửa Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả tại 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội để giúp người dân Thủ đô cũng như người tiêu dùng cả nước có thêm các giải pháp để nhận diện, phân biệt hàng thật - hàng giả. Tới đây, 62 Tràng Tiền sẽ là địa chỉ “đỏ”, mở cửa thường xuyên cung cấp các dấu hiệu phân biệt hàng thật, hàng giả để giúp người dân nâng cao ý thức tự phòng tránh, đẩy lùi nạn sản xuất kinh doanh, sử dụng hàng giả; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các nhà sản xuất đối với các sản phẩm phục vụ người tiêu dùng.
Chi tiết xem tại đây
Các hoạt động xúc tiến thương mại
Thương vụ giúp kết nối Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển với Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài
Vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cùng đoàn Ban chấp hành Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển đã có buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài. Tiếp đoàn có ông Peter Hồng, Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội.
Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển với sự hỗ trợ của Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đã chính thức được thành lập từ cuối năm 2020, đóng vai trò làm cầu nối và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với thị trường Thụy Điển cũng như Bắc Âu. Thương vụ hy vọng, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển sẽ kết nối với BAOOV để tăng cường hơn nữa các hoạt động thương mại và đầu tư giữa trong nước và Thụy Điển nói riêng, cũng như khu vực Bắc Âu nói chung, đồng thời, cùng nhau chung sức đẩy mạnh phong trào “Người Việt Nam ưu tiên tiêu thụ hàng Việt Nam tại nước sở tại”.
Chi tiết xem tại đây
Hội chợ Dệt may Nam Á 2022 tại Ấn Độ
Từ ngày 8 đến 10/12/2022, tại trung tâm triển lãm Pragati Maidan, thủ đô New Delhi, Ấn Độ sẽ diễn ra Hội chợ Dệt may Nam Á (Intex South Asia). Hội chợ được tổ chức bởi Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Triển lãm Worldex India phối hợp Liên đoàn các Phòng Thương mại & Công nghiệp Ấn Độ (FICCI) dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương và Bộ doanh nghiệp nhỏ và vừa Ấn Độ.
Tại triển lãm, doanh nghiệp sẽ có các cuộc gặp kết nối B2B, tham gia Trends Now giới thiệu về Màu sắc - Vải và xu hướng thời trang và cơ hội tìm nguồn cung ứng cho các năm 2023/24 từ các chuyên gia nổi tiếng trong ngành đến từ Ấn Độ, Ý và Hoa Kỳ. Bên cạnh đó là chuỗi Hội thảo Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ cung cấp cho người tham dự những hiểu biết về ngành và thị trường về đổi mới, công nghệ, cơ hội kinh doanh và thị trường mới trong ngành dệt may ở Ấn Độ và trên các thị trường quốc tế.
Chi tiết xem tại đây
Bộ Công Thương thực hiện “Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2022”
Bước sang năm thứ 9, Ngày mua sắm trực tuyến 2022 với những kế hoạch và đổi mới táo bạo sẽ mang tới cho người dân và doanh nghiệp trải nghiệm nhiều sự lựa chọn, nhiều lợi ích hơn, xứng tầm là sự kiện quy mô toàn quốc về thương mại điện tử lớn nhất trong năm cho đông đảo doanh nghiệp và người tiêu dùng.
60 giờ Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2022 sẽ diễn ra từ 0 giờ thứ Sáu ngày 02/12/2022 đến 12 giờ ngày 04/12/2022. Chương trình diễn ra trên môi trường trực tuyến (https://onlinefriday.vn/) với các ưu đãi giảm giá, khuyến mãi sản phẩm, dịch vụ từ các doanh nghiệp sản xuất, phân phối tạo lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng trên cả nước.
Chi tiết xem tại đây