A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng hợp các hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Bộ và Bộ Công Thương tuần qua

Trong tuần qua, thị trường xăng dầu trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã có công văn gửi tới các Bộ, ngành, đơn vị gồm Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, các Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường các biện pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường nội địa nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cung ứng kịp thời nguồn xăng dầu cho nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân.

Cổng Thông tin Điện tử Bộ Công Thương tổng hợp các hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Bộ và Bộ Công Thương tuần từ ngày 31/10/2022 đến ngày 6/11/2022 và gửi đến bạn đọc.

Quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường nội địa

Trước bối cảnh diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương có công văn gửi tới các Bộ, ngành, đơn vị gồm Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, các Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường các biện pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường nội địa. 

Cụ thể, trong văn bản gửi tới Bộ Công An, Bộ Giao thông vận tải, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố ngày 04/11/2022, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Giao thông và Vận tải, Bộ Công an, chính quyền các địa phương xem xét, có phương án phân luồng, tạo điều kiện để các phương tiện vận chuyển xăng dầu được lưu thông, tiếp cận, cung ứng nguồn hàng kịp thời cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm.

Cũng trong ngày 04/11/2022, Bộ Công Thương có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam về việc bảo đảm duy trì việc cung ứng xăng dầu đầy đủ và liên tục cho thị trường trong nước, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp. Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ đạo 02 thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu (Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn và Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn) cần (i) duy trì hoạt động sản xuất ổn định của nhà máy lọc dầu, tăng công suất ở mức tối đa có thể để cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước;(ii) Có biện pháp hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho doanh nghiệp đã đặt mua hàng theo các hợp đồng đã ký, hỗ trợ cung ứng cho các thương nhân đầu mối (kể cả các thương nhân đầu mối không ký kết hợp đồng dài hạn với Nhà máy) để kịp thời bổ sung nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đặc biệt tại các khu vực bị thiếu hàng cục bộ; (iii) Điều chỉnh cơ cấu sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, tăng lượng sản xuất mặt hàng xăng để cung ứng cho thị trường trong nước. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam chỉ đạo Tổng công ty dầu Việt Nam - Công ty cổ phần (Pvoil) các nhiệm vụ, gồm: (i) Chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu, mua trong nước để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của Tổng công ty và cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của Tổng công ty; (ii) Chia sẻ nguồn cung, chiết khấu cho các khách hàng một cách hợp lý để bảo đảm không gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Chi tiết xem tại đây

Trước đó, ngày 2/11, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã họp với các doanh nghiệp nhà nước sản xuất và kinh doanh phân phối xăng dầu, cuộc họp diễn ra trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, tiếp tục đe dọa tới nguồn cung của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp nhà nước bao gồm: Tập đoàn Dầu khí quốc gia PVN, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh Saigon Petro, Tổng Công ty Thương mại XNK Thanh Lễ và Công ty cổ phần Xăng dầu Sài Gòn khẩn trương xem xét để xuất dự trữ thương mại, đáp ứng nhu cầu cho hệ thống của mình và ứng cứu cho những địa bàn đang thiếu hụt cục bộ trong thời điểm hiện tại.

Bộ Trưởng cũng đề nghị Tập đoàn dầu khí Việt Nam khuyến khích, động viên các doanh nghiệp sản xuất (Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn và Nghi Sơn) tiếp tục tăng sản lượng sản xuất và tăng sản lượng cung ứng ra thị trường thông qua hệ thống phân phối của mình.

Bên cạnh đó, đề nghị tất cả các doanh nghiệp đầu mối, trong đó cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân có điều kiện khẩn trương hoàn tất các thủ tục nhập khẩu xăng dầu theo kế hoạch phân giao (và vượt định mức bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu) để sẵn sàng bù đắp sản lượng thiếu do các doanh nghiệp khác đã không và chưa thực hiện được theo cam kết. Bởi trên thực tế, cho đến thời điểm này, trong số 36 doanh nghiệp đầu mối mới chỉ có 22 doanh nghiệp đã thực hiện đạt và vượt kế hoạch phân giao kể cả kế hoạch và đầu năm và bổ sung. Còn 14 doanh nghiệp (hầu hết là các doanh nghiệp đầu mối tư nhân) đã chưa hoặc không thực hiện đầy đủ kế hoạch phân giao.

Chi tiết xem tại đây

Mua xăng bằng can, chai nhựa: Không cấm nhưng tuyệt đối không được tích trữ, bán hàng sai quy định để kiếm lời

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-BCT ngày 04/11/2022 chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trong cả nước phối hợp các cơ quan chức năng tại địa bàn trong đó có nội dung: “Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu; hành vi bán xăng dầu có các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can, chai và các dụng cụ chứa đựng khác, trừ trường hợp thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang thuộc địa bàn miền núi, vùng cao theo quy định của pháp luật đã được UBND tỉnh, thành phố cho phép làm đại lý bán lẻ xăng dầu với quy mô, trang thiết bị phù hợp với điều kiện kinh doanh xăng dầu ở khu vực đó…”. Việc tích trữ xăng dầu vào thùng, can, chai tại gia đình tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy, nổ cho gia đình và cộng đồng nên các cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng hạn chế cách thức này nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra...

Hiện tại pháp luật không có qui định cấm người tiêu dùng mua xăng bằng chai, can đem về. Bởi xăng dầu không chỉ phục vụ cho nhu cầu về phương tiện đi lại như xe ô tô, xe máy… mà rất nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ có thể dùng để chạy động cơ như vận hành máy xay sát tại nhà, chạy ghe, thuyền tại vùng sông nước và rất nhiều loại động cơ khác… Song xăng dầu là mặt hàng đặc biệt và là ngành kinh doanh có điều kiện nên việc kinh doanh xăng dầu phải tuân thủ quy định của pháp luật, phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước và được cấp phép. Mặt khác, người kinh doanh buôn bán, vận chuyển xăng dầu phải đáp ứng nhiều quy định về kho chứa, phòng cháy – chữa cháy, chất lượng, nhân viên; pháp luật nghiêm cấm tích trữ để đầu cơ mua bán lại xăng dầu trái phép để kiếm lời… Ngoài ra, việc tích trữ xăng dầu không có thể gây cháy nổ nếu không bảo đảm an toàn. Theo Luật Phòng cháy chữa cháy 2001 (sửa đổi bổ sung năm 2013), việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất nguy hiểm về cháy, nổ là hành vi bị nghiêm cấm, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chi tiết xem tại đây

Yêu cầu xử lý nghiêm tình trạng kinh doanh xăng dầu chai lọ tự phát

Ban chỉ đạo 389 Hà Nội vừa có văn bản gửi Công an thành phố; Sở Công Thương; Cục Quản lý thị trường thành phố; Ban chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu. Những ngày qua, lợi dụng nhu cầu mua xăng dầu của người tiêu dùng tăng cao, xuất hiện tình trạng mua bán xăng dầu qua các bình, can, chai, lọ không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng tại một số điểm bán xăng dầu tự phát trên một số tuyến đường trên địa bàn Thành phố, gây bất ổn thị trường xăng dầu, có nguy cơ cao gây ra cháy nổ, mất an ninh trật tự, mất cảnh quan đường phố và an toàn giao thông cho người đi đường.

Để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng trên và thực hiện có hiệu quả Công điện số 1039/CĐ-TTg ngày 02/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu; Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 Hà Nội đề nghị các sở, ngành liên quan và Ban chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã thực hiện.

Chi tiết xem tại đây

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời trước Quốc hội về nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt xăng dầu

Sáng 05/11, trong phiên trả lời chất vấn lĩnh vực thanh tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết vấn đề xăng dầu đã được báo cáo đầy đủ tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 28/10 vừa qua và tới giờ này, nhận định về tình hình, nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm xăng dầu vẫn còn nguyên giá trị.

Theo Bộ trưởng, những ngày qua, thị trường xăng dầu trên toàn thế giới cũng như trong nước tiếp tục có những diễn biến mới. Cụ thể, nguồn cung cho xăng dầu thế giới đang ngày càng khan hiếm bởi những ngày qua châu Âu cũng như các nền kinh tế lớn đã đẩy mạnh thu mua lượng dầu hiện có từ các nguồn cung chính là OPEC+ và Nga. Lý do là ngày 25/11 tới, phương Tây áp lệnh trừng phạt lần thứ 8 lên Nga và cấm tuyệt đối việc mua bán xăng dầu, khí đốt của Nga. Thứ hai, tỷ giá ngoại tệ mạnh cũng liên tục biến động, chỉ trong tuần qua, đô la Mỹ và Euro đã tăng tới 0,75 điểm %. Thứ ba, việc tiếp cận vốn ngoại tệ cũng như việc bảo lãnh nhập, hỗ trợ thanh toán của các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối cũng còn gặp khó khăn.

Trước bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường quản lý nhà nước theo thẩm quyền và phối hợp với Bộ cũng như các bộ, ngành để giải quyết một cách khẩn trương, hiệu quả. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã có dự báo và chủ động phối hợp với các bộ, ngành xây dựng kịch bản tăng sản lượng sản xuất và nhập khẩu xăng dầu thêm 20% sản lượng bình quân hàng năm. Về vấn đề điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng như câu chuyện cấp phép cho các đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Hiện nay, việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước được thực hiện theo quy định tại Nghị định 83 và Nghị định 95 (sửa đổi). Theo đó quy định kỳ điều hành giá xăng dầu là 10 ngày/lần; trong bối cảnh thị trường bình thường, điều kiện bình thường thì cách thức điều hành như trên là phù hợp.

Chi tiết xem tại đây

Toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV

Chi tiết xem tại đây

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại tổ về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 2/11/2022, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có bài phát biểu tại tổ về một số vấn đề mà Đại biểu Quốc hội quan tâm đối với dự thảo Luật. Trước đó, ngày 25/10, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Phát biểu tại tổ sáng ngày 2/11, thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Công Thương), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam để cụ thể hóa một số quy định, bảo đảm tính khả thi và tránh việc quy định chung, khó định lượng; nghiên cứu, thu hút các quy định trong các văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn vào dự thảo Luật; đánh giá kỹ lưỡng về tính khả thi của các quy định mới tại Điều 6, Chương III, Chương IV và Chương V của dự thảo Luật.

Chi tiết xem tại đây

Vinh danh 172 doanh nghiệp và 325 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022

Ngày 2/11/2022, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Bộ Công Thương long trọng tổ chức Lễ Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 với chủ đề "Kiến tạo tương lai". Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự và phát biểu tại buổi lễ. Tham dự buỗi lễ còn có sự hiện diện của đồng chí Trần Tuấn Anh- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương – Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam - nhấn mạnh: Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đạo thực hiện từ năm 2003 với mục tiêu xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia, thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các thương hiệu mạnh trên thị trường, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng tầm vị thế thương hiệu Việt, quảng bá hình ảnh Việt nam.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, với vai trò là cơ quan đầu mối, Bộ Công Thương đã và đang tích cực phối hợp với các Bộ, Ban, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, hiệp hội ngành hàng và các đối tác quốc tế triển khai có hiệu quả 3 nội dung cơ bản của Chương trình. Sau gần 20 năm triển khai thực hiện, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trở thành bệ phóng vững chắc cho các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới, kiến tạo những giá trị, sức mạnh mới cho đất nước.

Kỳ xét chọn năm 2022 là kỳ xét chọn lần thứ 8, được thực hiện theo phương thức chấm điểm kết hợp thẩm định thực tế, bảo đảm tính khách quan, khoa học và minh bạch, tuân thủ chặt chẽ quy trình, quy định. Sau 9 tháng rà soát, lựa chọn, thẩm định kỹ lưỡng hồ sơ của hơn 1.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia, Hội đồng Thương hiệu quốc gia đã công nhận 172 doanh nghiệp với 325 sản phẩm đủ điều kiện là những đại diện tiêu biểu cho Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022, tăng 48 doanh nghiệp so với kỳ xét chọn trước. Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia là sự kiện quan trọng nhằm ghi nhận và vinh danh những doanh nghiệp có sản phẩm, hàng hóa chất lượng cao, hàm lượng khoa học - công nghệ lớn và có uy tín trên thị trường. Đây cũng là niềm vinh dự không chỉ của các doanh nghiệp được tôn vinh hôm nay mà còn là niềm vui, niềm tự hào của cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bởi đã minh chứng cho sức sáng tạo, đổi mới không ngừng và những nỗ lực vượt bậc, năng lực tiên phong của doanh nghiệp Việt để hướng tới làm chủ tương lai, góp phần nâng tầm Thương hiệu Quốc gia, nhân lên niềm tự hào, tự tôn dân tộc và sức hấp dẫn của đất nước, con người Việt Nam.

Chi tiết xem tại đây

Hội nghị Công bố các Quyết định về công tác cán bộ của Bộ Công Thương

Ngày 2/11, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị Công bố các Quyết định về công tác cán bộ của Bộ Công Thương. Hội nghị còn có sự tham dự của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh; Thứ trưởng Đặng Hoàng An cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ bao gồm: Công đoàn Ngành Công Thương, Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Khoa học Công nghệ, Cục Điều tiết điện lực.

Cụ thể, Hội nghị đã công bố và trao các Quyết định số 2282/QĐ-BCT; số 2286/QĐ-BCT và số 2289/QĐ-BCT ngày 31 tháng 10 năm 2022 về việc bổ nhiệm đồng chí Lý Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ giữ chức Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ; đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục điều tiết điện lực giữ chức Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; đồng chí Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ giữ chức Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng đánh giá, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Khoa học và Công nghệ và Cục điều tiết điện lực là 3 đơn vị quan trọng của Bộ, các đồng chí được bổ nhiệm đều là cấp trưởng đã và đang làm tốt nhiệm vụ của mình tại các đơn vị cũ. Đồng thời, cả 3 đồng chí đều là những lãnh đạo đơn vị được đào tạo bài bản, có thâm niên về quản lý và chuyên môn sâu trong công việc được cơ quan, đơn vị tin cậy và tín nhiệm nên các đồng chí hoàn toàn xứng đáng với cương vị mới được Lãnh đạo Bộ giao phó.

Chi tiết xem tại đây

Ký kết Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam, Tổng cục Hải quan Việt Nam và Tổng cục Hải quan Hàn Quốc về hệ thống trao đổi dữ liệu xuất xứ điện tử (EODES) nhằm tạo thuận lợi trong thực thi Hiệp định Thương mại tự do

Ngày 21 tháng 10 năm 2022 tại Hà Nội và ngày 31 tháng 10 năm 2022 tại Tê-chơn, Hàn Quốc, các Lãnh đạo Bộ Công Thương Việt Nam, Tổng cục Hải quan Việt Nam và Tổng cục Hải quan Hàn Quốc đã ký luân phiên Bản ghi nhớ về hệ thống trao đổi dữ liệu xuất xứ điện tử (EODES) nhằm tạo thuận lợi trong thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc (VKFTA) và Hiệp định Khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa Chính phủ của các nước thành viên ASEAN và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc (AKFTA).

Đây là văn kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng để hỗ trợ truyền và nhận dữ liệu Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) qua hệ thống EODES giữa Việt Nam và Hàn Quốc, thể hiện quyết tâm của hai nước trong việc: Đẩy nhanh quy trình, thủ tục cấp C/O tại nước xuất khẩu cũng như thông quan hàng hóa dựa trên dữ liệu C/O điện tử để được hưởng ưu đãi thuế quan VKFTA và AKFTA tại nước nhập khẩu, giảm áp lực đáng kể về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; là tiền đề để Việt Nam và Hàn Quốc dần chuyển sang cấp C/O điện tử sau này trong khuôn khổ các FTA mà hai nước là thành viên, thúc đẩy phát triển hơn nữa hoạt động thương mại, đầu tư và sản xuất giữa doanh nghiệp hai nước.

Chi tiết xem tại đây

Thứ trưởng Đặng Hoàng An tiếp Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam

Ngày 2/11, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã có buổi tiếp Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI). Tại buổi tiếp, phía JCCI đã trao đổi về kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam; cơ chế mua bán điện trực tiếp; đề xuất đẩy nhanh thủ tục cấp phép kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử.

Liên quan đến việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đặng Hoàng An ghi nhận các nội dung phản ánh của JCCI về các vướng mắc trong quá trình đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh để tổng hợp, lưu ý các cơ quan cấp phép, làm dữ liệu đánh giá tác động của chính sách hiện nay và đề xuất các giải pháp hiệu quả hơn trong quản lý nhà nước giai đoạn tới; đồng thời khẳng định Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, phù hợp với thông lệ quốc tế, giảm bớt thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính nói chung, trong đó có việc cấp Giấy phép kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Chi tiết xem tại đây

Đoàn Khối các cơ quan Trung ương: Tình nguyện vì cộng đồng và chung tay xây dựng nông thôn mới

Ngày 28-30/10, triển khai công tác đoàn và phong trào thanh niên năm 2022, Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương đã phối hợp với Đoàn Thanh niên các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Chương trình tình nguyện “Vì cộng đồng và chung sức xây dựng nông thôn mới năm 2022” tại tỉnh Cao Bằng.

Theo đó, tổng thể chương trình gồm 6 hoạt động chính: Một là, hoạt động an sinh xã hội, trao tặng trang thiết bị học tập, tủ sách, xe đạp cho nhà trường và các em học sinh nghèo vượt khó; trao tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Hai là, trồng cây, trồng rừng thanh niên với quy mô 25.000 cây. Ba là, tập huấn, hỗ trợ về chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và các mô hình thanh niên; hỗ trợ cho các hộ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi 1.000 con gà giống, 1 tấn phân bón. Bốn là, tư vấn, khám mắt miễn phí cho gần 100 em học sinh. Năm là, đồng hành cùng địa phương xây dựng công trình thanh niên thắp sáng đường quê. Sáu là, tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật Điểm hẹn miền non nước. Với tổng giá trị của Chương trình ước tính là 500 triệu đồng. Trong khuôn khổ chương trình, đoàn công tác đã tổ chức "Lễ Ra quân Chương trình tình nguyện mùa đông năm 2022 và xuân tình nguyện năm 2023" tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đức Xuân, xã Đại Tiến, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

Chi tiết xem tại đây

Giá các mặt hàng xăng dầu tăng nhẹ trong kỳ điều hành ngày 1/11/2022

Theo đó, sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, tại kỳ điều hành ngày 1/1/2022, giá xăng RON95-III không cao hơn 22.756 đồng/lít, tăng 412 so với giá bán lẻ hiện hành; xăng E5RON92 không cao hơn 21.873 đồng/lít, tăng 377 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành...

Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 21/10/2022-01/11/2022) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như việc Trung Quốc tăng cường áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại Vũ Hán; khai thác và xuất khẩu dầu thô của Hoa Kỳ tăng; biến động tăng giảm của đồng USD; hoạt động kinh doanh của Hoa Kỳ giảm gây lo ngại về tăng trưởng kinh tế; việc nhiều ngân hàng trung ương của các nước Châu Âu tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát… Các yếu tố trên đã tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là tăng đối với xăng RON95, dầu mazut và giảm nhẹ đối với dầu diesel và dầu hỏa và xăng RON92.

Chi tiết xem tại đây

Bộ Công Thương lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam

Tại Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ về việc rút nhiệm vụ xây dựng Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam”, Chính phủ đã giao “Bộ Công Thương xem xét, quyết định ban hành văn bản “Sản xuất tại Việt Nam” ở cấp Thông tư theo thẩm quyền và chức năng nhiệm vụ được giao,…”.

Thực hiện nhiệm vụ tại Quyết định số 1212/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương thành lập Tổ Soạn thảo Thông tư quy định cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu (là đơn vị đầu mối chủ trì thuộc Bộ) đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Dự thảo Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Chi tiết xem tại đây

Các hoạt động xúc tiến thương mại

Khai mạc Hội chợ thương mại quốc tế Việt – Trung năm 2022 (Lạng Sơn 2022)

Tối ngày 2/11/2022, tại thành phố Lạng Sơn, với chủ đề “Hữu nghị – Hợp tác – Liên kết – Phát triển" Hội chợ thương mại quốc tế Việt – Trung (Lạng Sơn 2022) do UBND tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức, đã chính thức khai mạc. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An tham dự lễ khai mạc.

Hội chợ là hoạt động xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại và Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Lạng Sơn. Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung (Lạng Sơn 2022) cũng là hoạt động có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 191 năm ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn (4/11/1831 - 4/11/2022). Bộ Công Thương tin tưởng Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung (Lạng Sơn 2022) là hoạt động thiết thực tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam trưng bày, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh có tiềm năng xuất khẩu, các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Chi tiết xem tại đây

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 10/2022

Ngày 31/10/2022, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 10/2022”. Đây là hội nghị thứ 4 thuộc chuỗi chương trình “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài” được Bộ Công Thương thực hiện định kỳ hàng tháng kể từ tháng 7/2022.

Trên 300 đại biểu từ các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí đã đăng ký tham dự Hội nghị.

Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia.

Chi tiết xem tại đây

Nhiều hoạt động xúc tiến hàng Việt Nam tại Úc

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và Cơ quan Đại diện trong việc đẩy mạnh xúc tiến hàng hóa Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Úc triển khai nhiều hoạt động xúc tiến từ ngày 23 /10 đến ngày 15 tháng 11 năm 2022. Các hoạt động bao gồm: Triển lãm tại hội chợ  quốc tế chuyên ngành thực phẩm Foodservice; Ngày hội gạo Việt Nam; Triển lãm hybrid nông thủy sản Việt Nam tại Úc; Tuần lễ hàng Việt Nam tại Tây Úc.

Chi tiết xem tại đây

Chương trình xúc tiến trong lĩnh vực cà phê tại CHLB Đức cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam

Trong khuôn khổ chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại 2022, Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức đã phối hợp với Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), Hiệp hội Cà phê Đức (DKV), Tập đoàn Neumann Kaffee tổ chức thành công chương trình xúc tiến trong lĩnh vực cà phê cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam từ ngày 29 tháng 10 đến 01 tháng 11 tại CHLB Đức.

Chương trình xúc tiến xuất khẩu cà phê của đoàn Hiệp hội Cà phê – Cao cao Việt Nam đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Đoàn đã có cơ hội gặp gỡ, trao đổi giao thương với nhà nhập khẩu cà phê lớn của Đức, Hiệp hội Cà phê Đức; học hỏi, tìm hiểu thêm về quy trình chế biến, bảo quản, lưu trữ cà phê chuyên nghiệp, hiện đại của Đức giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê, đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Đức nói riêng và EU nói chung, tận dụng các ưu đãi mà Hiệp định EVFTA mang lại.

Chi tiết xem tại đây

Hội nghị giao thương hợp tác thương mại và sản xuất Việt Nam – Israel

Thực hiện chương trình cấp Quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2022, với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu và chuyển giao công công nghệ với thị trường Israel, ngày 03 tháng 11 năm 2022, Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại) phối hợp với Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Israel và Liên đoàn các Phòng Thương mại Israel (FICC) tổ chức Hội nghị Giao thương hợp tác thương mại và sản xuất Việt Nam – Israel. Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 70 đại biểu đến từ các tổ chức xúc tiến thương mại, đại diện chính quyền sở tại và đặc biệt là đông đảo doanh nghiệp Việt Nam và Israel.

Ở phiên giao thương sau Hội nghị, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa Cục Xúc tiến thương mại và Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel, chương trình giao thương đã diễn ra thành công với sự tham gia đông đảo của doanh nghiệp hai nước. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã hoạt động tích cực trong phiên giao thương và có kết quả khả quan, điển hình như: Công ty TNHH Nông Trại Biển gặp 07 đối tác Israel (gồm Grain Head, Metzer Group, Miki Oz Asakim, Guri AOO, Cohen Bros., G.Willi-Food, Agrinoze); Công ty CP Thương mại tổng hợp Nghệ An gặp 06 đối tác (gồm Metzer Group, Guri AOO, Miki Oz Asakim, Hamama Meir Trading, Grain Head, Sari Ahmad Hassan). Trung bình mỗi doanh nghiệp Việt Nam còn lại được bố trí kết nối, trao đổi hợp tác kinh doanh với 4-5 doanh nghiệp Israel.

Chi tiết xem tại đây

Hội nghị giao thương hợp tác thương mại Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ

Thực hiện chương trình cấp Quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2022, với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 31 tháng 10 năm 2022, Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại) phối hợp với Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hội đồng thương mại Thổ Nhĩ Kỳ - Việt Nam, Ủy ban Hợp tác kinh tế đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức Hội nghị Giao thương hợp tác thương mại Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ.

Hội thảo thu hút sự tham gia của gần 80 đại biểu đến từ các tổ chức xúc tiến thương mại, đại diện chính quyền sở tại và đặc biệt là đông đảo doanh nghiệp Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ. Chia sẻ tại Hội nghị, Ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại trân trọng chào mừng và cảm ơn sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước và tin tưởng rằng chương trình sẽ thành công tốt đẹp. Ông nhấn mạnh, Hội nghị là cơ hội tốt để các bên cùng trao đổi cởi mở, tìm hiểu rõ hơn nhu cầu, năng lực của nhau, tiến tới thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài và bền vững. Với một thị trường năng động và đầy tiềm năng như Thổ Nhĩ Kỳ, trong thời gian tới các doanh nghiệp của Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tìm ra được nhiều cơ hội hợp tác, để làm cơ sở gắn kết mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước không ngừng phát triển bền vững.

Chi tiết xem tại đây

Triển lãm quốc tế về dệt may, da giày tại Algeria

Dưới sự bảo trợ của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, công ty tổ chức sự kiện CGCOM EVENT sẽ tổ chức Triển lãm quốc tế về dệt may, da giày lần thứ 5 tại Algeria từ ngày 19 đến 21/12/2022 tại Trung tâm Hội thảo quốc tế Alger, thủ đô Algeria. Triển lãm năm nay hứa hẹn tạo nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư với sự tham gia của nhiều nước như Algeria, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Tunisia, Nga, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và các nước khác.

Các công ty và nhà chuyên nghiệp có ý định phát triển lĩnh vực dệt may, da giày có thể gặp nhau tại sự kiện, với đa dạng các lĩnh vực hợp tác từ nguyên liệu thô, bán thành phẩm, máy móc, trang thiết bị, thiết kết, gia công và dịch vụ đến quần áo may sẵn, vải, giày dép, sản phẩm bằng da thuộc và phụ kiện. Một số hội thảo B2B giữa các doanh nghiệp cũng sẽ được tổ chức trong khuôn khổ sự kiện.

Chi tiết xem tại đây


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website