A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 10/2022

Ngày 31/10/2022, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 10/2022”. Đây là hội nghị thứ 4 thuộc chuỗi chương trình “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài” được Bộ Công Thương thực hiện định kỳ hàng tháng kể từ tháng 7/2022.

Trên 300 đại biểu từ các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí đã đăng ký tham dự Hội nghị.

Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại thị trường ngách, đa dạng hóa thị trường

Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) – cho biết, 10 tháng vừa qua, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, tình hình kinh tế, thương mại nước ta đã tiếp đà phục hồi với nhiều điểm sáng. Nổi bật là kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 616 tỷ USD, tăng 14,1%, xuất siêu 9,4 tỷ USD, riêng tháng 10 xuất siêu 2,27 tỷ USD. An ninh lương thực được đảm bảo, xuất khẩu lương thực đạt 45 tỷ USD, trong đó có trên 6 triệu tấn gạo. Thương mại, dịch vụ sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành. Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 ở mức từ 7,5-8,2%.

Những kết quả đạt được cho tới tháng 10 này, ngoài sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, tổ chức, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp còn có sự nỗ lực cao độ của hệ thống các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài”- ông Vũ Bá Phú đánh giá và cho biết, mặc dù trong điều kiện nền kinh tế chưa phục hồi đầy đủ và tăng trưởng ở những thị trường xuất khẩu chủ lực dự kiến sẽ chậm lại, chúng ta cần chủ động các biện pháp ứng phó với sự biến động của thị trường thông qua việc thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin thị trường, điều chỉnh kế hoạch xuất nhập khẩu nhằm tận dụng các cơ hội thị trường mới và tránh được các rủi ro, đặc biệt là các ảnh hưởng tác động từ sự điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước.

Thời gian tới để duy trì tăng trưởng của nền kinh tế, nhất là xuất nhập khẩu và vượt lên những biến động trên thị trường thế giới thì hoạt động xúc tiến thương mại cần tăng cường, nhất là với các thị trường mới, thị trường ngách với những mặt hàng mới, phù hợp với năng lực sản xuất của Việt Nam”- ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, đại diện các Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Maroc, Ả rập Xê út, Philippines, Bỉ và EU đã thông tin về những diễn biến mới nhất ở thị trường sở tại cũng như các chính sách, quy định thay đổi trong thời gian gần đây.

Chia sẻ về chính sách thương mại mới tại Maroc – thị trường tiềm năng ở khu vực Tây Bắc Châu Phi, ông Nguyễn Quốc Chính – Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc (kiêm nhiệm Ghi-nê, Bê-nanh, Cốt-đi-voa, Buốc-ki-na-pha-sô) - cho biết, ngày 19/10, do các lo ngại về tình trạng thiếu thịt đỏ tại thị trường trong nước, Hội đồng Chính phủ Ma rốc đã thông qua dự thảo Nghị định số 2.22.818 đình chỉ việc thu thuế nhập khẩu đối với gia súc nhập khẩu trong nước có trọng lượng từ 550 kg trở lên,với hạn ngạch 200.000 con. Để được hưởng lợi thế về thuế quan này, các nhà nhập khẩu phải xuất trình Giấy đề nghị miễn thuế hải quan (DFD) do Bộ Công Thương nước này cấp. Biện pháp này áp dụng cho giai đoạn từ ngày 21/10/2022 đến ngày 31/12/2023.

Ngoài ra, có một số sửa đổi về thuế được đề xuất thực hiện trong năm 2023 như giảm thuế nhập khẩu từ 10% xuống 2,5% đối với cà phê chưa rang; giảm thuế nhập khẩu áp dụng cho các sản phẩm đầu vào để sản xuất bộ lọc cho xe ô tô…”- ông Nguyễn Quốc Chính thông tin thêm.

Một thị trường khác ở khu vực châu Phi mà hàng Việt có nhiều cơ hội thúc đẩy hàng hóa là Bờ Biển Ngà, ông Nguyễn Quốc Chính cho hay, đây là một quốc gia thuộc Tây Châu Phi, với dân số gần 26,5 triệu người, đây là quốc gia có có sức tiêu thụ hàng hóa khá mạnh, trong khi tiêu chuẩn sản phẩm không quá khắt khe, phù hợp với hàng hóa của Việt Nam. Sản phẩm của Việt Nam được Bờ Biển Ngà đánh giá là sản phẩm trung cấp, có nhu cầu nhập khẩu khá lớn nhiều mặt hàng từ Việt Nam. “Mặc dù có nhiều tiềm năng và doanh nghiệp Bờ Biển Ngà cũng rất chủ động tìm kiếm cơ hội giao thương với Việt Nam, song do địa lý xa xôi, chưa có đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bờ Biển Ngà nên hai bên cảm thấy rủi ro trong thanh toán. Mặt khác, văn hóa kinh doanh tại Bờ Biển Ngà rất coi trọng giao tiếp trực tiếp, họ ngại ngần làm việc qua email”- ông Nguyễn Quốc Chính nhấn mạnh.

Đánh giá là thị trường có nhiều tiềm năng cho các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, cả ở hiện tại và trong tương lai, ông Phùng Văn Thành – Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Philippines thông tin, hiện nay, Philippines có Tổng thống mới rất quan tâm đến việc thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp trong nước, điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó khăn bởi Việt Nam xuất khẩu vào Philippnes chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý đối với các hợp đồng đã ký, chuẩn bị ký với các đối tác Philippines, cần xác minh khả năng thực hiện hợp đồng của đối tác để tránh trường hợp đổ bể hợp đồng gây thiệt hại cho cả hai bên.

Bên cạnh đẩy mạnh xúc tiến các thị trường mới, thị trường ngách, các chuyên gia cho rằng, tiếp tục tăng cường xúc tiến thương mại tại các thị trường truyền thống. Ông Trần Ngọc Quân – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU – cho hay, thị trường EU đang có xu hướng dịch chuyển rất mạnh mẽ sang tiêu dùng xanh, sạch, đòi hỏi đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững về lao động, môi trường... Người tiêu dùng không chỉ quan tâm về giá cả và chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm đến quy trình sản xuất hàng hóa. Việc xây dựng cơ chế chính sách của Việt Nam cũng cần bắt kịp với xu hướng của EU, đặc biệt là xu hướng phát triển xanh, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng sạch.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chứng minh được chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của EU, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng EU, nhiều sản phẩm Việt Nam được ưa chuộng tại châu Âu như hạt điều, cà phê, rau củ, thanh long, vải, chanh leo…. Tuy nhiên vẫn còn nhiều lô hàng thực phẩm chưa đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm hoặc có vấn đề về xuất xứ. Do vậy, đề nghị các doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh bài bản, lâu dài với thị trường EU”- ông Trần Ngọc Quân lưu ý.

Tăng cường cảnh báo để tránh vụ việc phòng vệ thương mại

Không chỉ tăng cường xúc tiến thương mại tại các thị trường truyền thống, tìm kiếm, thúc đẩy thị trường ngách, thị trường mới, tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng, khi năng lực sản xuất, năng lực xuất khẩu của Việt Nam ngày càng phát triển, các hàng rào thuế quan được dở bỏ theo cam kết trong các FTA, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối diện với nguy cơ lớn hơn bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Ông Đỗ Ngọc Hưng – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ

Ông Đỗ Ngọc Hưng – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ - cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế nói chung vẫn còn nhiều khó khăn từ các tác động của đại dịch COVID-19 và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn duy trì được động lực tăng trưởng tích cực. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 96,2 tỷ USD tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021. Thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ đạt 74 tỷ USD, đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Mexico, tập trung các mặt hàng: dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, thuỷ hải sản, nông sản... Tuy nhiên một số mặt hàng giảm kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2021, như hạt điều, sắt thép. Xu thế giảm nhập khẩu hàng của Hoa Kỳ từ các nước thể hiện khá rõ, trong đó có Việt Nam, cụ thể xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tháng 9 là 8,1 tỷ USD giảm 17,9% so với tháng 8, tháng 8 so với tháng 7 giảm 0,8% và tháng 7 giảm 6,9 % so với tháng 6.

Dự báo Chính phủ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát lạm phát, bảo hộ sản xuất trong nước thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời, gây sức ép mở cửa các thị trường xuất khẩu”- ông Đỗ Ngọc Hưng thông tin và cho biết thêm, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thúc đẩy, đề nghị Việt Nam phải có nhượng bộ rõ ràng hơn trong việc mở cửa, tiếp cận thị trường, giải quyết những khúc mắc, tồn tại trong quan hệ kinh tế, thương mại với Hoa Kỳ của Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ, thương mại dịch vụ, quản lý kinh tế nền tảng số - luật an ninh mạng. Bên cạnh đó, việc tăng trưởng thương mại trung bình 20%/năm dẫn đến một số mặt hàng đều có thể trở thành đối tượng bị điều tra phòng vệ thương mại.

“Hiện nay, các biện pháp điều tra ngày càng đa dạng, mở rộng, gắn với nhiều vấn đề, kể cả vấn đề về kinh tế và đảm bảo an ninh chính trị. Đơn cử như các vụ việc liên quan đến mặt hàng mật ong, thép, gỗ dán cứng… bị điều tra gần đây cho thấy Chính quyền và doanh nghiệp Hoa Kỳ ngày càng quan tâm đến vấn đề này khi xuất siêu Việt Nam sang Mỹ ngày càng tăng. Do đó, doanh nghiệp và các cơ quan trong nước cần đặc biệt lưu ý”- ông Đỗ Ngọc Hưng khuyến nghị.

Thông tin thêm về tình hình điều tra phòng vệ thương mại trên thế giới và tại Việt Nam, ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) – chia sẻ, hiện nay có 224 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại liên quan đến Việt Nam, trong đó chống bán phá giá là 124 vụ; chống trợ cấp là 23 vụ; tự vệ 45 vụ; chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại là 32 vụ.

Các sản phẩm xuất khẩu bị điều tra: thép, sản phẩm thép, sợi, sản phẩm nhựa, sản phẩm cao su, vật liệu xây dựng, đồ gỗ, ống đồng, tôm, cá tra, mật ong,… Các thị trường: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Canada, EU, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mexico, …

Trước các tác động của hội nhập, cùng với chính sách bảo hộ của một số thị trường, số lượng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu dự báo sẽ gia tăng, ông Chu Thắng Trung cho rằng, vai trò của Thương vụ trong việc xử lý các vụ phòng vệ thương mại đó là thường xuyên cung cấp các thông tin về thị trường, cảnh báo các mặt hàng xuất khẩu, khả năng về việc điều tra phòng vệ thương mại; kết nối chuyển tải ý kiến từ Chính phủ Việt Nam và hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp cần liên hệ, bày tỏ ý kiến trực tiếp với Cơ quan điều tra; kết nối doanh nghiệp Việt Nam với ngành sản xuất của nước khởi kiện…

Ngoài ra, ông Chu Thắng Trung cũng khuyến nghị, các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu thực tiễn các vụ việc đã có kết luận để chuẩn bị sẵn hồ sơ chứng minh cho các lô hàng đã xuất khẩu để chuẩn bị một phương án kế hoạch tốt nhất khi gặp tình huống tương tự.

Cũng tại hội nghị, đại diện Hiệp hội (Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga, Hiệp hội Cao su Việt Nam, Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam); các cơ quan địa phương (gồm Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang) và doanh nghiệp (Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Incentra) thảo luận về những khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu với các thị trường nước ngoài của các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.


Tác giả: Tuệ Minh

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website