Tổng hợp hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Bộ và Bộ Công Thương tuần qua
Bám sát mục tiêu của Chính phủ, cần kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất có thể, quyết không để khủng hoảng y tế, khủng hoảng kinh tế, tuần qua, các quyết sách cũng như kế hoạch hành động của Bộ Công Thương cũng nhất quán trên tinh thần sát cánh cùng nhân dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn vì một đất nước phồn vinh thịnh vượng, người dân được ấm no, an toàn và hạnh phúc.
Tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản; tạo thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thu mua thóc gạo cho nông dân; đề xuất giảm phí lưu kho lưu bãi cho doanh nghiệp; đặc biệt, lần đầu tiên trong quyết định điều hành giá bán lẻ xăng dầu, Bộ Công Thương đã đề xuất cũng như khuyến khích doanh nghiệp giảm giá bán lẻ cho người dân. Ngay sau đó, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã hưởng ứng yêu cầu này bằng việc giảm ngay 500 đồng mỗi lít xăng dầu nhằm hỗ trợ người tiêu dùng trong bối cảnh khó khăn chung.
Tuần qua, tiếp tục ghi nhận dấu ấn của ngành Công Thương với nhiều hoạt động thiết thực, nhanh chóng và hiệu quả, với những công văn, chỉ thị, ý kiến chỉ đạo điều hành được đặt vào bối cảnh “như trong thời chiến”. Các quyết sách của Bộ Công Thương được ban hành trên cơ sở lấy doanh nghiệp làm trung tâm, nhân dân làm nòng cốt để tiến tới mục tiêu cao nhất mà Chính phủ đặt ra song song 2 nhiệm vụ: Sinh mệnh và sinh kế.
Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương xin trân trọng điểm lại những hoạt động nổi bật của lãnh đạo Bộ và Bộ Công Thương trong tuần từ ngày 9-15/8/2021 để giới thiệu bạn đọc:
Đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân
Nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, ngày 11/8, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định chi sử dụng liên tục Quỹ BOG như một sự dự phòng cho các đợt điều chỉnh tiếp theo. Nếu giá thế giới tăng mạnh, giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ được trích một phần từ quỹ để tránh nguy cơ tăng đột biến, ảnh hưởng đến người dân.
Cùng với đó, lần đầu tiên trong quyết định điều hành, Bộ Công Thương có chỉ đạo cũng như khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước cân đối, tiết giảm chi phí để giảm giá bán lẻ ở mức thấp hơn giá quy định của Nhà nước, nhằm phần hỗ trợ cho sản xuất cũng như tiêu dùng của người dân, trong bối cảnh khó khăn chung bởi bệnh Covid-19.
Chi tiết bài viết, xem tại đây.
Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã lập tức hưởng ứng lời kêu gọi này bằng việc giảm ngay 500 đồng mỗi lít xăng dầu và niêm yết giá bán mới ngay trong ngày và áp dụng với 23 tỉnh/thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Chi tiết bài viết, xem tại đây.
Nhận định diễn biến dịch Covid-19 sẽ còn phức tạp và có thể tác động mạnh đến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, một ngày sau, vào sáng 12/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã chủ trì cuộc họp với một số thương nhân đầu mối kinh doanh, sản xuất xăng dầu. Đây được coi là cuộc họp quan trọng, đúng thời điểm nhằm tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm xăng dầu thành phẩm sản xuất trong nước.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, Bộ Công Thương sẽ làm hết trách nhiệm nhằm đảm bảo cân đối cung cầu xăng dầu trong nước, tìm mọi giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, đảm bảo lợi ích cho nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Chi tiết bài viết, xem tại đây.
Dịch Covid-19 kéo dài, gây nguy cơ đứt gẫy chuỗi cung ứng, đồng thời cũng xuất hiện nhiều biến động về thị trường giá cả, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Sáng ngày 11/8/2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cũng đã họp trực tuyến để đề xuất giải pháp bình ổn thị trường phân bón.
Tại cuộc họp, hai ngành Công Thương và Nông nghiệp cùng tìm giải pháp và cố gắng đề xuất với Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp góp phần hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với bà con nông dân. “Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội xem xét lại vấn đề thuế giá trị gia tăng đối với sản xuất phân bón”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chia sẻ tại cuộc họp.
Chi tiết bài viết, xem tại đây.
Phân bón là nguồn đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Khi giá phân bón biến động, tăng cao dẫn đến chi phí trồng lúa bị đội lên, khiến cho người dân chồng chất khó khăn. Thế nhưng, có lúa rồi, người dân lại gặp khó khăn bởi đầu ra khi mà nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Trước thực tế khó khăn này, một lần nữa, người đứng đầu ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã ký văn bản hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị tạo thuận lợi tiếp cận nguồn vốn thu mua thóc, gạo, hàng hóa.
Trong văn bản ký chiều ngày 12/8 này, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có hỗ trợ nhất định về lãi suất cho các doanh nghiệp; đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thế chấp vay vốn bằng chính sản phẩm sẽ thu mua.
Chi tiết bài viết, xem tại đây.
Trước đó vào sáng ngày 12/8, Tổ Công tác đặc biệt khu vực phía Nam Bộ Công Thương cũng đã làm việc trực tuyến với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và một số doanh nghiệp về vấn đề thu mua, xuất khẩu gạo và nông sản.
Ngay tại cuộc họp, Tổ công tác đã kết nối Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA) để kịp thời tháo gỡ cho doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo.
Tại đây, Tổ công tác nhấn mạnh, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung tháo gỡ 3 khía cạnh vướng mắc hiện tại về sản xuất - lưu thông - xuất khẩu cho doanh nghiệp.
Chi tiết bài viết, xem tại đây.
Trước đó, để đảm bảo tiêu thụ kịp thời lúa gạo hàng hóa cho người nông dân, Cục Xuất nhập khẩu cũng đã có văn bản kiến nghị các Bộ ngành liên quan xem xét có biện pháp cấp bách mở luồng xanh cho vận tải đường thủy; Xem xét ưu tiên và khẩn trương triển khai việc tiêm vắc xin cho những thành phần lao động bắt buộc phải tham gia trực tiếp trên hiện trường - trong chuỗi cung ứng lúa gạo nói riêng và lương thực nói chung như tài xế, tài công, người đi thu mua, nhân viên nhà máy, nhân viên xuất nhập khẩu, nhân viên điều phối hiện trường…
Gỡ khó cho lưu thông hàng hóa
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh ngày 10/8/2021 cũng có công văn các cơ quan chức năng xem xét giảm phí lưu container, lưu kho, lưu bãi về việc giảm phí lưu container, lưu kho, lưu bãi.
Theo Công văn, Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị liên quan xem xét giảm phí lưu container, lưu kho, lưu bãi cho hàng hóa ở cảng biển và các Trung tâm logistics cho các doanh nghiệp bị buộc phải cắt giảm sản xuất do tác động của dịch Covid-19; Nâng cao năng lực giải phóng hàng hóa ra khỏi cảng, năng lực khai thác của bãi cảng và phối hợp giữa các bên điều tiết lượng hàng nhập về cảng để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Chi tiết bài viết, xem tại đây.
Đảm bảo cung ứng và lưu thông hàng hóa không chỉ là vấn đề khó của doanh nghiệp mà đây còn là nội dung được dư luận, báo chí, người dân hết sức quan tâm.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2021 diễn ra vào chiều 11/8, Bộ Công Thương cũng nhận được câu hỏi của phóng viên báo chí liên quan đến nội dung này. Với vai trò quản lý nhà nước cũng như thực thi nhiệm vụ mà Chính phủ giao, việc tháo gỡ những khó khăn trong lưu thông hàng hóa các doanh nghiệp đang gặp phải khi vừa tuân thủ các biện pháp chống dịch, vừa phát triển kinh tế… đã được Bộ Công Thương thực hiện như thế nào?
Trả lời cho câu hỏi trên, tại buổi họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, đến nay, có thể đánh giá, hàng hóa về cơ bản đã được lưu thông thuận lợi, ổn định. Bộ Công Thương mong muốn và đề nghị các địa phương bên cạnh việc tập trung kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại địa phương, cũng cần quan tâm thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, đó là "vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất ", trong đó có việc tạo điều kiện cho hàng hóa, nguyên liệu sản xuất lưu thông thuận lợi, nhanh chóng.
Chi tiết bài viết, xem tại đây.
Ngay từ đầu dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, trong cuộc họp của Chính phủ, cũng như trong chỉ đạo điều hành của mình, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nhận định và nhấn mạnh rằng: Đợt dịch này diễn biến phức tạp và khó đảm bảo sẽ sớm kết thúc nên các giải pháp của Bộ Công Thương phải tính đến kịch bản xấu hoặc xấu hơn. Có như vậy, các quyết sách ban hành cũng như kế hoạch hành động mới đúng và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mà Chính phủ giao.
Nhất quán quan điểm này nên khi Tổ công tác đặc biệt phía Nam đã hoạt động ổn định và phát huy hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã lập tức yêu cầu phải có ngay Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương cho khu vực miền Bắc và miền Trung. Quyết định thành lập Tổ được ban hành chưa lâu thì tại Hà Nội dịch Covid-19 ghi nhận diễn biến xấu, tiếp đó là bùng phát ở Đà Nẵng, Khánh Hòa và một số tỉnh thành ở miền Trung. Tổ công tác đặc biệt khu vực miền Bắc, miền Trung với những nhiệm vụ mà Lãnh đạo Bộ giao phó đã kịp thời vào cuộc, nhanh chóng và hiệu quả.
Tổ Công tác đã làm việc với Sở Công Thương Đà Nẵng để trao đổi các biện pháp bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường Đà Nẵng và phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh, khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội “ai chỗ nào ở yên chỗ đó” trong 7 ngày.
Tiếp đó, Bộ Công Thương đã có Công văn chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối hàng hóa lớn có tổ chức hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, tăng lượng hàng hóa dự trữ cung ứng cho các địa bàn dân cư trong thời gian trước và trong khi thành phố áp dụng giãn cách toàn xã hội.
Ngày 14/8, Tổ Công tác đặc biệt miền Bắc - miền Trung đã tham dự cuộc họp triển khai kế hoạch với UBND thành phố Đà Nẵng. Tổ đã góp ý kiến với thành phố xây dựng phương án cụ thể, hiệu quả nhằm bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu đến các tổ dân phố và có phương án hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Chi tiết bài viết, xem tại đây.
Các hoạt động đối nội, đối ngoại khác
Tại phiên họp toàn thể đầu tiên của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đưa ra 3 nhóm các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cho những tháng cuối năm 2021 như: đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, đặc biệt vùng có dịch, theo dõi chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp kịp thời; Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất lớn trong các khu công nghiệp nhằm duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất; Tổ chức các phương thức kết nối tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa, nông sản, đồng thời theo dõi sát diễn biến nhập siêu để có biện pháp ứng phó phù hợp.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị cần tập trung tuyên truyền các nỗ lực phục hồi kinh tế, để tránh tâm lý lo lắng đối với các nhà đầu tư ảnh hưởng đến việc quyết định mở rộng và thu hút đầu tư cho sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Chi tiết bài viết, xem tại đây.
Trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị chính thức nước CHDCND Lào của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân từ ngày 09/8 đến ngày 10/8/2021, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có một loạt các hoạt động quan trọng bao gồm: gặp, làm việc với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào; gặp, làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào; tham dự cuộc Hội đàm giữa Phó Thủ tướng Lê Văn Thành với đồng chí Xỏn-xay Xỉ-phăn-đon, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào.
Tại các buổi làm việc, các Bộ trưởng đã trao đổi, nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào; khẳng định cán bộ của Bộ Công Thương Lào, Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, Bộ Công Thương Việt Nam luôn coi nhau như những người đồng chí, những người anh em vô cùng thân thiết.
Chi tiết bài viết, xem tại đây.
Chiều ngày 9/8, trong khuôn khổ chuyến công tác, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã đến thăm và làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào.
Tại buổi làm việc, hai Bộ trưởng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao những bước phát triển về năng lực sản xuất, xuất khẩu của Lào. Trong nửa đầu năm 2021, Lào xuất siêu sang Việt Nam và mặt hàng xuất khẩu đã đa dạng hóa, không còn tập trung vào khoáng sản, gỗ như trước (nay mở rộng thêm mặt hàng cao su, phân bón, rau quả).
Chi tiết bài viết, xem tại đây.
Còn tại Hội đàm giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Lào Xỏn-xay Sỉ-phăn-đon về thúc đẩy hợp tác, triển khai tốt các thỏa thuận cấp cao giữa hai bên vào chiều ngày 9/8, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã đưa ra một số giải pháp nhằm triển khai định hướng hợp tác chiến lược Việt Nam – Lào, khai thác dư địa hợp tác trong lĩnh vực thương mại, mua bán điện trong thời gian tới.
Chi tiết bài viết, xem tại đây.
Ngày 12/8, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với Ngài Kari Kahiluoto - Đại sứ Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam.
Tại buổi làm việc, hai bên đã điểm qua hàng loạt các hoạt động hợp tác giữa Phần Lan và Việt Nam trong thời gian qua, cũng như các hoạt động hợp tác tiềm năng trong thời gian tới, nhất là khi EVFTA có hiệu lực.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tin tưởng, nhờ khung khổ pháp lý thuận lợi của EVFTA, với nỗ lực của Chính phủ và doanh nghiệp hai nước, thương mại và đầu tư song phương sẽ tiếp tục được phát triển mạnh mẽ.
Chi tiết bài viết, xem tại đây.
Nhân dịp kỷ niệm 26 năm Việt Nam gia nhập ASEAN và 54 năm thành lập ASEAN (ngày 8/8/2021), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có bài viết về Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Trong bài viết, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh về những thành quả tích cực mà hội nhập kinh tế ASEAN mang lại cho Việt Nam. Để đạt được những thành tựu này một cách bền vững, công cuộc hội nhập kinh tế ASEAN trong thời gian tới cần có những định hướng, chính sách phù hợp. Việt Nam cần thể hiện định hướng tiếp tục coi hội nhập ASEAN là một trong những ưu tiên trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, khẳng định tinh thần chủ động, năng động trong việc triển khai các sáng kiến thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN, góp phần tăng cường sự gắn kết chặt chẽ, phát huy tố chất của một khu vực kinh tế ASEAN năng động, khẳng định vai trò trung tâm trong hợp tác kinh tế ở khu vực.