Quốc hội bàn cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành phố
Sáng 27/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu TP Hải Phòng tham dự phiên họp.
Dự thảo các Nghị quyết được xây dựng dựa trên 5 quan điểm. Trong đó, một nguyên tắc quan trọng là các cơ chế đặc thù phải được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương; có tác động lan tỏa vùng miền; gắn với đề cao tính tự lực, tự cường, phát huy tính năng động, sáng tạo.
Ngoài ra, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, không ảnh hưởng lớn đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương theo quy định của Hiến pháp; không làm tăng bội chi ngân sách nhà nước và trần nợ công đã được Quốc hội quyết định; tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền của địa phương...
Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng với 6 cơ chế chính sách, tỉnh Thừa Thiên Huế với 6 cơ chế chính sách, tỉnh Nghệ An với 6 cơ chế chính sách và tỉnh Thanh Hóa với 8 cơ chế chính sách.
Cụ thể, các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.
Đối với thành phố Hải Phòng, hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.
Đối với các tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Nghệ An, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho các tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.
Còn với tỉnh Thanh Hóa, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao nhưng không vượt quá số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với thực hiện năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết còn quy định một số cơ chế đặc thù về thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn; quản lý đất đai và quản lý sử dụng rừng; quản lý quy hoạch; thu từ xử lý nhà, đất... Hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 và được thực hiện trong 5 năm.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu trong quá trình thảo luận.
Trong phiên thảo luận trực tuyến chiều cùng ngày, Quốc hội cho ý kiến về: Tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong hai năm 2019-2020.
Hôm qua 26/10, ngày làm việc thứ 7 của Quốc hội, các đại biểu cũng thảo luận và cho ý kiến về nhiều đề án Luật quan trọng. Cụ thể, trong buổi sáng 26/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động. Tại phiên thảo luận, đã có 26 ý kiến đại biểu phát biểu và 7 ý kiến đại biểu tranh luận. Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội đồng tình với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và cho rằng, hồ sơ dự án luật đã được Ban soạn thảo chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc, công phu và tương đối đầy đủ. Đa số ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát cơ động, đồng thời đề nghị quy định của luật không được trùng lắp, mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác và các lực lượng khác.
Ngoài ra, tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về những nội dung cụ thể của dự án Luật, như: khái niệm và giải thích từ ngữ, phạm vi điều chỉnh, bố cục của dự thảo Luật; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc hoạt động, trang bị của Cảnh sát cơ động; hệ thống tổ chức; quyền huy động người, phương tiện, thiết bị của Cảnh sát cơ động; quy định Cảnh sát cơ động được trang bị tàu bay để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; điều động Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ; xây dựng Cảnh sát cơ động; Hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động; phối hợp của cảnh sát cơ động với cơ quan, tổ chức, lực lượng có liên quan; các hành vi bị nghiêm cấm; nghĩa vụ, trách nhiệm, chế độ, chính sách của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động; tuyển chọn công dân vào Cảnh sát cơ động; trách nhiệm quản lý nhà nước, vai trò giám sát của Quốc hội và các cơ quan Quốc hội và trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp. Kết thúc nội dung thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Vào buổi chiều 26/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Tại phiên thảo luận đã có 26 ý kiến đại biểu phát biểu và 1 ý kiến đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến phát biểu đánh giá cao và tán thành với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về những vấn đề Chính phủ xin ý kiến liên quan đến quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; đồng thời, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về những nội dung cụ thể của dự án Luật như: tên gọi; quyền đăng ký nhãn hiệu; tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng; bảo hộ nhãn hiệu âm thanh; các điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp; kiểu dáng công nghiệp; yêu cầu đối với các đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp; thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp; bảo hộ chỉ dẫn địa lý; chính sách của Nhà nước về sở hữu trí tuệ; quyền tài sản; quyền nhân thân; quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; quyền nhân thân của tác giả; giới hạn, đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan; thủ tục đăng ký quyền tác giả; bảo đảm mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tính mới của giống cây trồng; tính thống nhất, cụ thể, khả thi của dự thảo Luật;... Kết thúc nội dung thảo luận, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.