Tổng hợp hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Bộ và Bộ Công Thương tuần qua
Trên tinh thần tất cả vì người dân, doanh nghiệp, tuần qua, Bộ Công Thương tiếp tục có nhiều hoạt động, quyết sách, chỉ đạo điều hành trong nỗ lực chung của Đảng, Nhà nước, Chính phủ: Nối lại chuỗi sản xuất, khôi phục nền kinh tế và đưa cuộc sống của người dân về trạng thái “bình thường mới”, thích ứng, an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19.
Đây cũng chính là quan điểm được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh khi trao đổi với báo chí bên lề các hoạt động kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam.
Theo Bộ trưởng, những năm qua, doanh nghiệp là động lực giúp nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, việc hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hậu dịch Covid-19 hiện nay là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách. Chính vì vậy, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ luôn phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, địa phương, các Hiệp hội ngành hàng để tìm hiểu, có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong đó, tập trung chú trọng công tác triển khai thực hiện các Hiệp định thương mại tự do, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu…
Xem chi tiết tại đây.
Cùng với đó, công tác hội nhập kinh tế quốc tế, các hoạt động đối ngoại cũng được lãnh đạo Bộ Công Thương chú trọng. Tại các phiên thảo luận tại tổ cũng như hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng có nhiều phát biểu, đóng góp ý kiến xây dựng các đề án Luật được đại biểu, cử tri, dư luận cả nước đánh giá cao.
Cổng Thông tin Điện tử trân trọng giới thiệu tới bạn đọc những hoạt động nổi bật của lãnh đạo Bộ, Bộ Công Thương tuần từ ngày 16/10 đến ngày 25/10/2021.
Nguy cơ thiếu điện và hành động quyết liệt của Bộ Công Thương
Xác định “điện là bánh mì của nền kinh tế”, muốn khôi phục sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng, đảm bảo đời sống của nhân dân, “điện luôn phải đi trước một bước”. Chính vì thế, trước nguy cơ thiếu điện, khủng hoảng năng lượng mà nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có văn bản hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về tình hình cung ứng điện, đồng thời đưa ra các giải pháp cấp bách nhằm đảm bảo cung cấp điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước cũng như đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Theo đó, Bộ Công Thương xác định 3 nguyên tắc chính đối với việc đảm bảo cung cấp điện trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Đồng thời, căn cứ trên đánh giá về tình hình cung cấp điện trong thời gian tới, Bộ Công Thương và EVN đã đưa ra 05 giải pháp chính nhằm đảm bảo cung cấp điện.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trong chuyến đi thực tế, khảo sát tại nhà máy điện.
Ngành Công Thương đặt quyết tâm phấn đấu cung cấp đủ điện trong mọi tình huống. Tuy nhiên, để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngoài sự nỗ lực cố gắng của Bộ Công Thương, EVN rất cần có sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp của các Bộ, Ngành trung ương và các địa phương. Trong đó, việc Chính phủ sớm phê duyệt đề án Quy hoạch điện VIII cũng là một nhân tố quan trọng góp phần “giải” áp lực nguồn cung điện trong thời gian tới.
Xem chi tiết tại đây.
Dấu ấn của Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại Hội trường Quốc hội
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc vào sáng 20/10. Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh cả nước tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo ra xung lực mới và khí thế mới cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo Nghị quyết (theo quy trình tại một kỳ họp), xem xét, cho ý kiến đối với 5 dự án luật. Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tham gia thảo luận tại tổ
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với tư cách là Đại biểu Quốc hội Đoàn Đại biểu TP Hải Phòng đã có nhiều ý kiến, đóng góp tích cực, hiệu quả và được đánh giá cao tại các phiên thảo luận.
Xem chi tiết tại đây.
Xem chi tiết tại đây.
Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế
Trong tuần qua, các hoạt động đối ngoại được Lãnh đạo Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh.
Đáng chú ý, sự kiện Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AECC) lần thứ 20 được diễn ra vào sáng 18/9 đã thông qua được một số văn kiện quan trọng để trình lên lên các Nhà Lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39. Điểm cầu tại Bộ Công Thương do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chủ trì.
Tham gia thảo luận tại Hội nghị, Việt Nam đã tích cực đóng góp ý kiến về định hướng hoàn thành Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2021-2025, xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2025.
Xem chi tiết tại đây.
Hoạt động đối ngoại không thể thành công nếu thiếu sự kết nối với các đơn vị chức năng của Việt Nam tại các thị trường nước ngoài.
Chính vì vậy, tại buổi tiếp và làm việc với Đoàn Trưởng các Cơ quan đại diện nước ngoài vào ngày 19/10, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, hơn bao giờ hết, Bộ Công Thương rất cần sự hợp tác, giúp đỡ của Bộ ngoại giao, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong việc nắm bắt, cung cấp thông tin; giới thiệu kinh nghiệm; Phối hợp thực thi các FTA và tiếp tục đàm phán vác chương trình hợp tác mới; Giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Buổi làm việc này đã tạo cơ hội cho lãnh đạo Bộ Công Thương và Trưởng các Cơ quan đại diện thẳng thắn, cởi mở trao đổi các vấn đề mà hai bên còn chưa thực hiện được trong thời gian qua.
Từ đó, hai Bên thảo luận, thống nhất một số giải pháp quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần giúp các đồng chí Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài cũng như các cán bộ thương vụ hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.
Xem chi tiết tại đây.
Tại Kỳ họp lần II Ủy ban Hỗn hợp (UBHH) về Hợp tác Kinh tế, Thương mại và Đầu tư giữa Việt Nam và Uruguay diễn ra vào ngày 21/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Đỗ Thắng Hải và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Uruguay Carolina đã trao đổi nhiều nội dung quan trọng về tình hình hợp tác giữa Việt Nam và Uruguay trên các lĩnh vực: kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính, nông nghiệp, khoa học công nghệ.
Đặc biệt tại Kỳ họp này, hai bên đã đi đến việc ký kết Biên bản Kỳ họp lần II Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế, Thương mại và Đầu tư giữa Việt Nam và Uruguay. Điều này đánh dấu thêm một lần nữa quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Uruguay.
Xem chi tiết tại đây.
Nghị quyết 128 và hành động quyết liệt của ngành Công Thương
Để tạo thuận lợi cho ngành than phát triển, cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã có chuyến công tác cùng với đoàn của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhằm kiểm tra tình hình sản xuất, thăm hỏi, động viên công nhân và người lao động đang làm việc hầm mỏ ở độ sâu gần 300 m dưới mực nước biển, tại khu vực mỏ khai thác than Công ty CP Than Núi Béo (Tập đoàn TKV Việt Nam), TP. Hạ Long, Quảng Ninh.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng Quảng Ninh tiếp tục là trung tâm năng lượng của đất nước, trong đó có than, điện. Do đó, việc phát triển ngành than phải đáp ứng bảo đảm an ninh năng lượng, trong bối cảnh Quảng Ninh chuyển đổi từ "nâu sang xanh" thì phải hài hòa trong phát triển.
“Chúng ta không còn nhiều trữ lượng than, trong khi số dự án khai thác than xuống sâu còn ít, chính vì vậy cần tăng cường đầu tư trong ngành than, nhất là về khoa học, công nghệ, để mở rộng các dự án khai thác xuống sâu”, Thứ trưởng cho biết.
Xem chi tiết tại đây.
Bằng những hoạt động thiết thực như: đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, tổ chức các tuần hàng, các tọa đàm về xuất khẩu, triển lãm quốc tế, cảnh báo kịp thời những thông tin bổ ích về thị trường nước bạn… Bộ đã hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong việc phục hồi kinh tế sau mùa dịch.
Nối tiếp các hoạt động đẩy mạnh tiêu thụ nông sản các vùng miền địa phương đã rất thành công với hàng nghìn tấn nông sản, hàng hoá trên các sàn thương mại điện tử được tiêu thụ từ đầu năm đến nay, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã tiếp tục phối hợp cùng các sàn thương mại điện tử, các đối tác vận hành thương mại điện tử khác đẩy mạnh tiêu thụ nông sản vào mùa của các địa phương trên môi trường trực tuyến.
Trước mắt là chương trình Tuần Lễ Nông Sản Việt trực tuyến trên sàn thương mại điện tử Sendo với các loại trái cây của các tỉnh, thành như phía Nam sẽ được khởi chạy từ ngày 19 - 29/10/2021.
Những tháng cuối năm là lúc nhu cầu tiêu dùng hàng hoá tăng cao, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang làm việc chặt chẽ với các Sàn thương mại điện tử, các đối tác vận hành để tiếp tục tổ chức các chương trình thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá Việt nói chung và nông sản nói riêng, góp phần giúp doanh nghiệp và người dân bước vào giai đoạn bình thường mới.
Xem chi tiết tại đây.
Bên cạnh gian hàng trực tuyến, từ ngày 21-23/10/2021, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan đã phối hợp với đơ vị liên quan tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại Hà Lan để quảng bá những đặc sản của quê hương.
Hoạt động giới thiệu, quảng bá này không chỉ hướng tới người tiêu dùng châu Á tại Hà Lan mà cả người Hà Lan chính gốc, từ đó truyền tải thông điệp sản phẩm Việt không ngừng vươn ra thế giới, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng nước ngoài, tận dụng tối đa lợi ích do Hiệp định thương mại Việt Nam – EU mang lại. Đặc biệt góp phần thúc đẩy việc cải thiện, nâng cao thương hiệu sản phẩm, thương hiệu quốc gia tại thị trường Hà Lan nói riêng, châu Âu nói chung.
Xem chi tiết tại đây.
Ngoài ra, để hỗ trợ các ngành xuất khẩu vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Đại sứ quán - Phái đoàn Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ tổ chức “Tọa đàm chuyên đề trực tuyến về xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu”.
Tọa đàm sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến vào 14:00-17:00h, thứ Ba, ngày 26/10/2021 với thành phần tham dự là lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương; Ngoại giao; Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân, và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Ngoại vụ và các đơn vị liên quan của 16 tỉnh/thành phố; hiệp hội và doanh nghiệp logistics, xuất khẩu rau quả; và các Trưởng Cơ quan đại diện, Tham tán thương mại, nông nghiệp của ta tại các nước thành viên EU.
Xem chi tiết tại đây.
Bên cạnh đó, Triển lãm quốc tế lần thứ 2 về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam – VIMEXPO 2021 do Bộ Công Thương chủ trì cũng sẽ được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE Hanoi với quy mô trưng bày 7000m2 với 250 gian hàng của hơn 200 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.
Sự kiện sẽ là điểm kết nối cực kỳ quan trọng, tiếp tục góp phần hiện thực hóa mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đảm bảo nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm trong nước.
Xem chi tiết tại đây.
Để giúp doanh nghiệp xuất khẩu hàng điện, điện tử sang Vương quốc Anh cập nhật thông tin, Bộ Công Thương đã kịp thời phát đi thông báo việc Vương quốc Anh sửa đổi Quy định hạn chế một số chất độc hại trong thiết bị điện, điện tử năm 2012 (Quy định RoHS) ngay sau khi nhận nhận được thông tin cảnh báo từ Văn phòng TBT Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng-Bộ Khoa học và Công nghệ) về việc Vương quốc Anh gửi thông báo số G/TBT/N/GRB/43 ngày 24 tháng 9 năm 2021 đến các nước thành viên WTO về dự thảo sửa đổi Quy định hạn chế một số chất độc hại trong thiết bị điện và điện tử năm 2012 (Quy định RoHS).
Xem chi tiết tại đây.
Giữ vững chuỗi cung ứng hàng hóa
Trong giai đoạn khó khăn nhất khi làn sóng đại dịch ập đến nhưng xuất khẩu những mặt hàng như vải thiều Lục Ngạn, vải thiều Thanh Hà, thanh long Bình Thuận… vẫn được ra thị trường thế giới.
Thậm chí, có những mặt hàng lần đầu tiên đến với những thị trường hàng đầu thế giới, bán với giá rất cao. Đó là một nỗ lực lớn để thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển kinh tế trong thời Covid-19.
Đây là nhận định của ông Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội khoá XV, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Chủ tịch VCCI và hiện là Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).
Phát biểu của ông Vũ Tiến Lộc đã được rất nhiều cơ quan truyền thông báo chí trích dẫn và đăng tải. Theo ông Lộc, khi dịch bệnh bùng phát khiến các chuỗi cung ứng, kể cả vật tư, nguyên liệu đầu vào bị đứt gãy; sản phẩm đầu ra cho thị trường trong nước và thế giới đều khó khăn. Tình huống đó đòi hỏi các đơn vị quản lý phải sáng tạo, đưa ra những giải pháp cụ thể, phối hợp uyển chuyển với các địa phương để hàng hóa lưu thông thông suốt vừa tìm đầu ra cho hàng hóa khó tiêu thụ.
“Thực tế, kể từ năm 2020, nhất là trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về thương mại, hàng loạt giải pháp của Bộ Công Thương được đánh giá cao trong việc giảm nguy cơ ách tắc các hoạt động cung ứng; đặc biệt, chính sự sáng tạo trong phân phối đã đảm bảo hàng hoá lưu được thông thông suốt ở vùng dịch”, ông Lộc nói.
Xem chi tiết tại đây.
Nhận xét của ông Vũ Tiến Lộc xuất phát từ thực tế: Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, Bộ Công Thương được ghi nhận đã đóng góp nhiều giải pháp, sáng kiến được vận dụng trong thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa duy trì ổn định chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo đời sống dân sinh.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản; tăng cường các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn, tại hệ thống phân phối, đặc biệt là chợ đầu mối, chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng; đồng thời khuyến khích đẩy mạnh các hoạt động, hình thức mua bán hàng hóa trực tuyến, tổ chức các điểm bán hàng lưu động, các điểm bán bổ sung thay thế các cơ sở kinh doanh bị đóng cửa do dịch bệnh…
Khi nền kinh tế bước sang giai đoạnh mới – phục hồi kinh tế, nối lại chuỗi sản xuất, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Công Thương đang gấp rút thực hiện là từng bước mở lại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, các cơ sở, hộ kinh doanh trên cơ sở đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch nhằm tạo môi trường cho kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất.
Song song với đó là triển khai các chương trình bình ổn, kích cầu như: triển khai thực hiện Chỉ thị tổ chức đón Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2022, Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường năm 2021 dịp Tết Dương lịch Tết Nguyên đán 2022, chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia”.
Xem chi tiết tại đây.
Đồng hành cùng Chính phủ tìm giải pháp bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân, ổn định sản xuất, chiều 22/10, tại trụ sở Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã tham dự cuộc họp do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì nhằm đánh giá thực trạng chăn nuôi, tiêu thụ thịt lợn và giải pháp tăng cường quản lý, bình ổn thị trường nhằm bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi, người tiêu dùng, ổn định sản xuất.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại phiên họp của Chính phủ
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh đến yếu tố cung cầu thị trường. Nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh (trong đó nguyên nhân là hoạt động của các nhà hàng, khách sạn cầm chừng, đặc biệt tại các tỉnh miền Nam). Trong khi đó, nguồn cung dồi dào (không riêng mặt hàng thịt lợn mà còn có các loại thực phẩm khác như thịt gà, thủy hải sản) khi các cơ sở chăn nuôi tăng đàn hoặc bị tồn đọng do thời gian trước chưa tiêu thụ hết dẫn đến quá lứa.
Thứ trưởng cho rằng, cần tăng cường các hoạt động truyền thông về giá cả thị trường, tình hình nguồn cung dịch bệnh nhằm tránh tình trạng thiếu thông tin, gây bất ổn thị trường, tăng cường hiểu biết của người tiêu dùng đối với thị trường, giá cả mặt hàng thịt lợn.
Xem chi tiết tại đây.
Ngoài việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất, sớm phục hồi sau đại dịch, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng được Chính phủ nói riêng và Bộ Công Thương nói chung quan tâm đặc biệt.
Tại Nghị định số 85/2021/NĐ-CP về thương mại điện tử mới đây, bên cạnh nhiều quy định mới về quản lý hoạt động thương mại điện tử nói chung, Nghị định cũng đã bổ sung một số quy định mới nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khu mua bán hàng hóa, dịch vụ thông qua thương mại điện tử.
Như vậy, Thương nhân cung cấp dịch vụ logistics nói chung và vận chuyển hàng hóa giao dịch qua sàn thương mại điện tử nói riêng chính thức được công nhận là chủ thể của hoạt động thương mại điện tử.
Xem chi tiết tại đây.
Tôn vinh phụ nữ cán bộ ngành Công Thương
Hòa chung không khí cả nước trong niềm vui đón chào kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2021) và 11 năm ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/2010-20/10/2021), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và các Lãnh đạo Bộ đã có buổi gặp mặt chúc mừng các nữ cán bộ, công chức, viên chức Bộ Công Thương.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh - Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ Công Thương đã gửi những lời chúc tốt đẹp đến tập thể nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành.
Xem chi tiết tại đây.
Trước đó, Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đã gửi thư chúc mừng chị em phụ nữ ngành Công Thương. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, phụ nữ ngày càng chiếm phần lớn trong bộ máy hoạt động của Bộ Công Thương, góp phần quan trọng vào những thành tích chung của Ngành, do vậy, người đứng đầu ngành Công Thương kỳ vọng, tập thể nữ cán bộ, công chức, người lao động trong Bộ, trong Ngành tiếp tục đoàn kết, đồng lòng, vì nhau và cùng nhau xây dựng một tập thể hạnh phúc.
Xem chi tiết tại đây.
Bộ Công Thương nằm trong top đầu các bộ ngành về mức độ chuyển đổi số
Theo kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, tỉnh - DTI 2020- được công bố chiều 19/10/2021, Bộ Công Thương với số điểm 0,4516 xếp thứ 6/18 bộ, ngành có cung cấp dịch vụ công.
Đây là năm đầu tiên Bộ TT&TT đánh giá chỉ số CĐS của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cũng là lần đầu tiên Bộ TT&TT triển khai khảo sát, thu thập, kiểm tra số liệu báo cáo để phục vụ đánh giá chỉ số CĐS qua hình thực trực tuyến tại đại chỉ https://dti.gov.vn.
Xếp hạng DTI 2020 của các bộ, ngành cung cấp dịch vụ công.
Xem chi tiết tại đây.
Trao Quyết định bổ nhiệm Phó Chánh văn phòng Bộ Công Thương
Chiều ngày 22/10/2021, thay mặt Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đã trao Quyết định về việc bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Bộ Công Thương cho ông Ngô Quang Long - nguyên Kế toán trưởng, Trưởng Phòng Kế toán, Văn phòng Bộ.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhận xét, đồng chí Ngô Quang Long là một cán bộ làm việc lâu năm tại Văn phòng, có nhiều kinh nghiệm, đã tham gia, phụ trách và có nhiều đóng góp trong công tác quản lý tài chính, tài sản của Văn phòng Bộ nói riêng, Bộ Công Thương nói chung. Chính vì vậy, theo Thứ trưởng, với vai trò, nhiệm vụ mới được giao, đồng chí Ngô Quang Long sẽ phải gánh vác trách nhiệm nhiều hơn, nặng hơn nhưng cũng sẽ vinh dự hơn, phấn đấu vì sự phát triển chung của Văn phòng và của Bộ.
Xem chi tiết tại đây.