Pháp - Đối tác tin cậy, lâu dài của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng
Sáng ngày 27/5/2025, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng tháp tùng Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự buổi ăn sáng - làm việc theo lời mời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhằm làm sâu sắc mối quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng
Tham dự buổi làm việc còn có Thứ trưởng các Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Chủ tịch Tập đoàn EVN, PVN và Viện trưởng Viện năng lượng hạt nhân Việt Nam.
Tại buổi làm việc, hai bên đã thông tin, trao đổi với nhau về quan điểm, tầm nhìn cũng như nhu cầu hợp tác trong tiến trình chuyển đổi năng lượng của mỗi nước để từ đó các bên tiếp tục phát triển mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.
Tổng thống Emmanuel Macron đánh giá cao các cam kết quốc tế của Việt Nam tại các khung khổ đa phương, trên nhiều phương diện như phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí các-bon, chuyển dịch năng lượng và khẳng định Pháp sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành cùng Việt Nam trong triển khai các cam kết này thông qua nhiều cơ chế hợp tác trong đó có JETP. Tổng thống Pháp cũng khẳng định sự ủng hộ của Pháp dành cho Việt Nam thể hiện qua cam kết dành nguồn vốn vay ưu đãi thực hiện các dự án trong khuôn khổ JETP.
Chia sẻ quan điểm với Tổng thống Pháp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng chuyển dịch năng lượng là “vấn đề sống còn”, là mục tiêu quan trọng của cả Pháp và Việt Nam trong bối cảnh nguồn nhiên liệu hóa thành đang dần cạn kiệt. Việc chuyển đổi sang các hình thức năng lượng mới, sạch hơn trong đó có năng lượng tái tạo, hydrogen, năng lượng hạt nhân sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho các cơ quan quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp hai nước. Phó Thủ tướng nhấn mạnh hai bên đã có truyền thống hợp tác lâu dài và đạt được nhiều thành công trong hợp tác năng lượng, bên cạnh đó việc hai nước nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện năm 2024 là tiền đề quan trọng để tiếp túc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải khí các-bon. Phó Thủ tướng cũng cho biết thêm, quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam không chỉ được thúc đẩy trong lĩnh vực năng lượng mà còn cả ở các lĩnh vực khác của nền kinh tế như công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp ….
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết để đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu đã cam kết của Việt Nam tại COP 21 và COP 26, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ triển khai nhiều giải pháp đặc biệt là thúc đẩy chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững trên cả hai phương diện: sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và chuyển đổi nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang các hình thức nhiên liệu xanh sạch hơn. Theo Thứ trưởng, giải pháp điện hóa các ngành kinh tế được coi là xu hướng tất yếu cho phát triển bền vững, bởi đây không chỉ là biện pháp cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo. Song song với đó là giải pháp về lưu trữ năng lượng điện sẽ góp phần tăng tính ổn định cho hệ thống điện và đảm bảo nguồn cung liên tục cho các ngành đã được điện hóa.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh chuyển đổi năng lượng không thể đạt được nếu chỉ dựa vào nỗ lực riêng của chính phủ hoặc khu vực tư nhân. Hợp tác công - tư chính là cầu nối để hai bên cùng chia sẻ nguồn lực, giảm thiểu rủi ro và mở rộng quy mô triển khai các giải pháp năng lượng bền vững.
Buổi làm việc cũng đã nhận được những ý kiến chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Lê Xuân Định, Lãnh đạo Tập đoàn đoàn năng lượng Pháp và Việt Nam, trong đó có Tập đoàn điện lực Pháp EDF, Tập đoàn Hydrogene de France, Cơ quan phát triển Pháp AFD, Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN và Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng quốc gia PVN. Các doanh nghiệp đã đưa ra những kiến nghị cụ thể để hiện thực hóa những định hướng hợp tác mà lãnh đạo hai nước đã thống nhất trong thời gian qua.
Bên lề chuỗi sự kiện, Đại sứ quán Pháp đã tổ chức lễ ký các văn kiện hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp hai nước trước sự chứng kiến của ông Eric Lombard, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Tài chính, Chuyển đổi công nhiệp và Số Pháp và Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng. Trong số các văn kiện ký kết có Biên bản ghi nhớ giữa Cơ quan Phát triển Pháp AFD và Tập đoàn điện lực EVN về khoản vay dự án thủy điện tích năng Bác Ái và Biên bản thi nhớ giữa HDF Energy và Công ty Điện lực miền Nam về hợp tác phát triển các dự án sản xuất điện từ hydro khử các-bon.