Chiến lược phát triển ngành dệt may đến năm 2030
Trong năm 2021, dưới ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may đã vượt lên khó khăn, duy trì đà tăng trưởng tốt trong năm 2021, ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020. Con số này còn cao hơn năm 2019 khi chưa có dịch COVID-19 (tăng 0,3% so với năm 2019).
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất ngành dệt tháng 11/2021 tăng 3,8% so với tháng 10/2021 và tăng 11,2% so với tháng 11/2020. Lũy kế 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 8,3% so với 11 tháng năm 2020. Đối với sản xuất sợi: Sản lượng sản xuất các mặt hàng sợi 11 tháng năm 2021 đều tăng trưởng nhưng ở mức không cao. Trong đó, sợi tơ (filament) tổng hợp đạt sản lượng cao nhất hơn 1,39 triệu tấn, tăng 0,96% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp đến là sợi xe từ các loại sợi tự nhiên đạt gần 896,8 nghìn tấn, tăng 8,54%; sợi từ bông (staple) tổng hợp có tỷ trọng của loại bông này dưới 85% đạt 186,8 nghìn tấn, tăng 7,85%.
Năm 2021 là năm cực kỳ khó khăn của ngành dệt may Việt Nam. Xuất khẩu dệt may tháng 7, 8, 9 liên tục giảm, đơn hàng không thể trả cho đối tác. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), việc sản xuất của doanh nghiệp được khôi phục vào cuối năm 2021 đã giúp ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD, tương đương với năm 2019. Trong đó, hàng may mặc đạt 28,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020; xơ, sợi dự kiến đạt 5,5 tỷ, tăng trên 49% (chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc).
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Dự thảo Chiến lược phát triển ngành dệt may giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2035 phải định hướng thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu ngành dệt may đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, cũng như đẩy mạnh quá trình nội địa hóa; đẩy mạnh chuyển từ gia công sản xuất sang các hình thức đòi hỏi năng lực cao hơn về quản lý chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, thiết kế và xây dựng thương hiệu.
Bên cạnh đó, dệt may cũng là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều từ các FTA thế hệ mới. Tuy nhiên, để được hưởng những lợi ích mà các FTA mang lại, ngành dệt may trong nước phải đáp ứng được các quy tắc ứng xử. Ở tầm chiến lược quốc gia, chúng ta phải có giải pháp đầu tư vào phần cung thiếu hụt của các ngành công nghiệp dệt may, da giày để tận dụng lợi ích từ dòng thuế đó.
Để xây dựng chiến lược phát triển ngành dệt may giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2035 cần chú trọng giải quyết vấn như: xây dựng một số khu công nghiệp ngành dệt may đồng bộ bao gồm chuỗi sợi- dệt- nhuộm, hoàn tất vải- may mặc, hình thành chuỗi giá trị và cung ứng hoàn chỉnh giữa sản xuất sợi, vải, may và sản xuất nguyên, phụ liệu; ưu tiên dự án sử dụng công nghệ hiện có tốt nhất, có quy trình sản xuất đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu về sản xuất dệt may bền vững, tuần hoàn. Tạo hành lang pháp lý và các điều kiện để ngành dệt may phát triển đúng tầm, Bộ Công Thương đang tập hợp góp ý xây dựng hoàn thiện Dự thảo Chiến lược phát triển ngành dệt may giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035 .