A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao sẵn sàng đón sóng đầu tư

Các khu công nghệ cao (CNC), trong đó có khu CNC Hòa Lạc hiện đã sẵn sàng đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong những ngành lĩnh vực mới nổi, công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ bán dẫn, đến tham gia hợp tác đầu tư với các điều kiện hấp dẫn.

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc và Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital cho biết, nhiều nhà đầu tư lớn của Mỹ rất quan tâm lĩnh vực phát triển công nghệ cao ở Việt Nam. Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển ngành sản xuất chip bán dẫn và xây dựng hệ sinh thái của ngành này, đó là có nhiều trường đại học, viện nghiên cứu cùng nguồn nhân lực trẻ năng động và sáng tạo, sẵn sàng tiếp cận và phát triển lĩnh vực chip bán dẫn khi được đầu tư và chuyển giao công nghệ từ các đối tác nước ngoài. Đây là thời cơ lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn.

Sản xuất chíp bán dẫn là lĩnh vực nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang hướng tới

Các chuyên gia trong ngành nhận định Việt Nam là một lựa chọn thay thế đầy hứa hẹn cho các dự án sản xuất chip trong tương lai. Dự án nhà máy bán dẫn Amkor Technology đang triển khai xây dựng tại Bắc Ninh sẽ tạo thêm cơ hội cho Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Gần đây, các nhà cung cấp của nhà sản xuất chip Hà Lan ASML đang tìm kiếm các cơ hội mở rộng hoạt động sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam vào cuối tháng 9, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định: "Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn". Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TPHCM, Hòa Lạc (Hà Nội) và Đà Nẵng, sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. NIC và các khu công nghệ cao sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam.

Thực tế, với lợi thế riêng, Khu CNC Hòa Lạc đang có các điều kiện hấp dẫn nhà đầu tư từ vị trí địa lý lý tưởng đến việc bảo đảm điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ nói chung, doanh nghiệp bán dẫn nói riêng, tham gia vào các mạng lưới đối tác trong nước và quốc tế về nghiên cứu, ươm tạo và sản xuất công nghệ cao.

Để thu hút các nhà đầu tư, Khu CNC Hòa Lạc đang được áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư ở mức cao nhất theo quy định pháp luật của Việt Nam, bao gồm ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tiền thuê đất…

Hiện nay, Khu CNC Hòa Lạc đang quy tụ những tập đoàn công nghệ hàng đầu của Việt Nam như: Viettel, FPT, Mobifone, Vinaphone, CMC, những cơ sở nghiên cứu và ươm tạo quy mô lớn như Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (V-KIST), NIC.

Bước đầu trong Khu CNC đã hình thành mối liên kết giữa cơ sở đào tạo-đơn vị nghiên cứu-doanh nghiệp sản xuất, trong đó một số đơn vị, tổ chức nghiên cứu có thể tiếp nhận ý tưởng từ cơ sở đào tạo để phát triển nghiên cứu hoặc phát triển những đề tài nghiên cứu trên cơ sở nhu cầu thị trường, từ đó chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh. 

Ông Trần Đắc Trung, Phó Trưởng ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc cho biết, Ban Quản lý luôn quan tâm đến việc cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục theo tinh thần kiến tạo, đồng thời thường xuyên chủ động đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và đối tác tham gia hợp tác, đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc.

Cần những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội

Dễ dàng nhận thấy, rất nhiều cơ hội đang mở ra cho Việt Nam trong phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi, công nghệ cao, nhưng để nắm bắt, tận dụng được cơ hội này sẽ cần vượt qua không ít thách thức.

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ muốn được hỗ trợ hoạt động đào tạo lao động, hoạt động R&D, hỗ trợ khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ doanh nghiệp…

Đối với các khu CNC, đại diện Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc cho rằng, sẽ cần một chiến lược tổng thể về phát triển công nghiệp bán dẫn, trong đó định vị vai trò của các Khu CNC trong hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam để phát huy được lợi thế của các Khu CNC như những trung tâm nghiên cứu-phát triển và sản xuất giá trị cao, cạnh tranh phù hợp với các khu vực kinh tế khác.

Thứ hai, ngành bán dẫn đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn nên rất cần những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội cho lĩnh vực này. Một mặt, Nhà nước cần dành nguồn lực ưu tiên để thúc đẩy các doanh nghiệp bán dẫn nội địa vốn đang còn non trẻ, mặt khác cần đưa ra những ưu đãi hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn bán dẫn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Đây là đòi hỏi rất cấp bách trong bối cảnh chính sách thuế toàn cầu đang có những thay đổi và các quốc gia trong khu vực đang ban hành những chính sách mới để nâng cao sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Và các Khu CNC chính là nơi phù hợp để có thể thí điểm hoặc áp dụng ưu tiên những ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc thù cho các ngành công nghệ cao.

Thứ ba, yếu tố quan trọng bậc nhất trong ngành bán dẫn là nhân lực. Tiềm năng con người của Việt Nam là rất lớn nhưng nhân lực được đào tạo chuyên sâu, bài bản về công nghệ chíp, vi mạch hiện nay vẫn còn thiếu.

Để thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp công nghệ và đón làn sóng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ bán dẫn, với việc tuân thủ quy định về áp thuế tối thiểu toàn cầu, sắp tới, Khu CNC Hòa Lạc đang đề xuất với cấp có thẩm quyền để đưa ra những cơ chế, biện pháp hỗ trợ "ngoài thuế" cho nhà đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc, ví dụ như hỗ trợ hoạt động đào tạo lao động, hoạt động R&D, hỗ trợ khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, TP. Hà Nội cũng đang trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, trong đó sẽ quy định những ưu đãi và hỗ trợ đặc thù dành cho Khu CNC Hòa Lạc như: Hỗ trợ ươm tạo công nghệ, áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox)…


Tác giả: Hà Trang

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website