A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gia tăng lợi thế xuất khẩu ngành da giày Việt Nam

Sau khi đánh mất ngôi vị “á quân” trong xuất khẩu hàng dệt may vào tay Bangladesh, có ý kiến cho rằng, vị thế xuất khẩu của ngành da giày cũng khó có thể giữ được nếu doanh nghiệp không đáp ứng được đòi hỏi về tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.

Hiện, da giày đang là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành này đạt gần 28 tỷ USD, tăng 34,8% so với năm 2021. Năm 2023, ngành da giày đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 27 tỷ USD, tuy nhiên, đã đi hết 11 tháng của năm, con số này mới ghi nhận khoảng 21,4 tỷ USD, dự kiến cả năng sẽ đạt 23,4 – 24 tỷ USD.

Lung lay vị thế

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2023, xuất khẩu giày dép các loại sang các thị trường chủ lực là Mỹ và EU so với cùng kỳ năm trước ghi nhận giảm lần lượt 27,9% (6,5 tỷ USD) và 19,2% (4,45 tỷ USD). Điểm sáng là thị trường Trung Quốc và ASEAN khi tăng lần lượt 11,1% (đạt 1,71 tỷ USD) và 26,9% (497 triệu USD), nhưng do giá trị tuyệt đối xuất khẩu của 2 thị trường này thấp hơn nhiều so với Mỹ và EU nên không thu hẹp được đà giảm chung.

Thực tế cho thấy, từ quý IV/2022 , trước tác động của lạm phát, các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản đều suy giảm tiêu dùng. Trong khi nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu chậm lại, hàng tồn kho của các nhà bán lẻ và các nhãn hàng tiếp tục ở mức cao đã khiến ngành da giày rơi vào tình trạng “đói” đơn hàng gần như hầu hết thời gian của năm 2023.

Da giày là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam

Theo thống kê của một số doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, trong năm qua, lượng đơn hàng của ngành dệt may, da giày sụt giảm 25-50%. Điều này khiến, hàng ngàn doanh nghiệp phải tiến hành cắt giảm lao động, giờ làm, ngày làm, thu hẹp quy mô sản xuất.

Đại diện Công ty TNHH giày Hùng Hoa cho biết, sau khi đơn hàng sụt giảm mạnh, doanh nghiệp đã phải liên tục ra nước ngoài đàm phán trực tiếp với khách hàng, chào hàng đa dạng chủng loại, từ chuyên làm giày nữ, nay nhận những đơn hàng nhỏ giày trẻ em, giày nam... Giá cũng phải cạnh tranh, giảm khoảng 10% so với trước, cho dù nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí đi lại, tiếp thị để tìm kiếm đơn hàng tăng.

“Đây cũng chỉ là những biện pháp tình thế để giữ được khách hàng cũ, tìm kiếm khách hàng mới. Tuy nhiên, đơn hàng cũng chỉ đủ để đảm bảo việc làm cho công nhân, chưa thể “đầy ắp” như trước. Khó khăn vẫn còn bủa vây ngành sản xuất xuất khẩu”, đại diện Giày Hùng Hoa nhận định.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn của ngành da giày Việt Nam trong thời gian qua, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và Chính sách (VEPR) cho rằng, một phần đến từ khó khăn chung của nền kinh tế khiến thương mại thế giới với các mặt hàng này suy giảm, nhưng một phần cũng đến từ việc bị đối thủ chiếm lĩnh thị trường.

Ngay cả trong trường hợp các đối thủ xuất khẩu như doanh nghiệp của Bangladesh, Indonesia, Philippines, Pakistan, Ấn Độ... chưa kịp đổi mới để đáp ứng đòi hỏi về nhập khẩu thì họ cũng có lợi thế hơn khi chi phí sản xuất rẻ hơn”, TS. Nguyễn Quốc Việt nhận định.

Đặc biệt, hoạt động phân phối của các doanh nghiệp da giày Việt Nam hiện nay vẫn chưa phát triển và đang phụ thuộc vào các người mua nước ngoài. Các doanh nghiệp da giày Việt Nam vẫn phải thông qua các nhà cung cấp khu vực để có các hợp đồng gia công, rất ít doanh nghiệp da giày có được các hợp đồng trực tiếp từ các nhà bán lẻ để cung cấp sản phẩm của mình. Một số doanh nghiệp da giày thì thông qua các văn phòng đại diện ở Việt Nam của các thương hiệu nổi tiếng để cung cấp sản phẩm.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ

Mặc dù nhiều khó khăn bủa vây, nhưng da giày đang được xác định là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có sản phẩm chất lượng, cạnh tranh trên thị trường thế giới. Cụ thể, mục tiêu của ngành da giày, đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách đạt 38-40 tỷ USD.

Cũng theo TS. Nguyễn Quốc Việt, xu thế của người tiêu dùng hiện nay không còn quá chú trọng đến yếu tố “ngon - bổ - rẻ”, mà yêu cầu quá trình sản xuất phải bảo đảm các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn, giảm phát thải khí carbon... Các thị trường nhập khẩu cũng đặt ra nhiều yêu cầu, tiêu chuẩn về sản xuất, buộc doanh nghiệp sản xuất hàng hóa phải đáp ứng.

Nguyên phụ liệu phục vụ ngành da giày chủ yếu vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc

Trong khi đó, ngành da giày của Việt Nam có nhiều lợi thế nhưng chưa khai thác được hết, bởi nguyên liệu để sản xuất chủ yếu vẫn phải nhập khẩu. Số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, trong 11 tháng năm 2023, nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày đạt 21,94 tỷ USD. Nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may, da giày nhập khẩu chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm tỷ trọng tới 53% đạt 11,62 tỷ USD.

Hiện, nguồn nguyên liệu da sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu sử dụng của toàn ngành. Các sản phẩm phụ trợ sản xuất trong nước chủ yếu là các mặt hàng thâm dụng lao động như chỉ, chun, khuy, khóa, đường viền trang trí, mút xốp, miếng đệm lót giày, hộp đựng giày, đũa chống giày, giấy bọc giày, miếng nhựa độn giày dép, sắt lót đế, phom giày, keo dán, mủ cao su, …

Còn các loại nguyên liệu đòi hỏi tính kỹ thuật cao hơn, mang tính cốt lõi như đế, lót thì hầu như chưa sản xuất được. Đã có nhà máy bắt đầu sản xuất giày hoàn chỉnh nhưng sản lượng chưa đáp ứng và đặc biệt chất lượng sản phẩm còn chưa hoàn thiện.

Do đó, để hoàn thành mục tiêu đặt ra cũng như giữ được vị thế xuất khẩu trên thị trường quốc tế với những yêu cầu ngày càng khắt khe, Việt Nam cần phải xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng ngành da giày.

Theo đó, chính sách đầu tư phải mang tính trọng điểm, tập trung cho ngành sản xuất phụ liệu da giày và hạn chế ô nhiễm môi trường, nhất là khâu thuộc da. Đầu tư chọn lọc theo sản phẩm có thế mạnh nhằm tạo khả năng liên kết, hợp tác và khai thác tốt hơn năng lực thiết bị. Khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này, đặc biệt là khâu thuộc và hoàn thiện sản phẩm.


Tác giả: Hà Trang

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website