A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dọn đường cho ngành dệt may tiến vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Cạnh tranh về giá lâu nay vẫn luôn là nút thắt cản trở ngành dệt may trên con đường tiến vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, bài toán mua nguyên liệu ở đâu để được giá thành cạnh tranh nhất và giữ được đơn hàng đang cần được ưu tiên tìm lời giải.

Trong tất cả các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu, dệt may luôn là ngành có kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng lớn nhất. Hiện, Việt Nam đang nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới khi đã xuất khẩu 36 mặt hàng dệt may sang 104 thị trường. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất, tiếp đó là EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Ngành dệt may Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Nguyên liệu đầu vào vẫn là điểm yếu

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tham gia đàm phán 18 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 15 FTA đã ký kết và có hiệu lực, 1 FTA đã kết thúc đàm phán và 2 FTA đang đàm phán (FTA Việt Nam - EFTA; FTA Việt Nam - UAE). Trong bối cảnh này, ngành dệt may được dự báo sẽ hưởng lợi lớn, nhưng cũng phải chịu nhiều thách thức khi phải đáp ứng những quy tắc xuất xứ của FTA.

Đặc biệt, xu hướng mua hàng của các nhà nhập khẩu may mặc lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đang thay đổi khi ưu tiên lựa chọn chuỗi cung ứng có khả năng sản xuất nhiều công đoạn, tập trung tại một địa điểm, đồng thời minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm, trong khi ngành dệt may Việt Nam đang thiếu tính liên kết theo chuỗi cung ứng.

Mặc dù trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp ngành dệt may cũng rất nỗ lực chủ động nguồn nguyên liệu, phục vụ sản xuất, nhưng theo số liệu thống kê, các doanh nghiệp trong nước đang phải nhập khẩu khoảng 70% nguyên phụ liệu, phần lớn từ Trung Quốc.

Ngành dệt may cả nước đều vướng vào tình trạng xuất sợi và nhập lại do khâu dệt, nhuộm còn yếu

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS), 70% trong số hơn 3.800 nhà máy dệt sản xuất các sản phẩm may mặc, chỉ có 6% sản xuất sợi,17% sản xuất vải và 4% là các cơ sở nhuộm. Mỗi năm, Việt Nam sử dụng khoảng 400.000 tấn bông nhưng chỉ có 3.000 tấn được cung cấp bởi các chuỗi cung ứng trong nước, tức là tỷ lệ nội địa chưa đáp ứng được 1% nhu cầu.

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch thường trực Hội Dệt may, Thêu đan TP.HCM cho biết, đa số các nguyên phụ liệu cho ngành dệt may chủ yếu được nhập từ nước ngoài, ngành dệt may cả nước đều vướng phải tình trạng xuất sợi và nhập lại do khâu dệt, nhuộm còn yếu, buộc phải nhập lượng lớn nguyên liệu vải để sản xuất.

Đáng nói hơn, hiện nay sản xuất nguyên liệu hỗ trợ cho ngành dệt may mới chỉ tập trung cho các công đoạn giá trị gia tăng thấp như cúc, nhựa cài, chỉ dây, khóa kéo… còn các khâu có giá trị gia tăng cao như sợi, hóa chất, chất trợ nhuộm, nhuộm in hoa và hoàn tất vải vẫn phải nhập khẩu. Ngay cả các máy móc công nghệ hỗ trợ, các loại nút áo cũng phải nhập khẩu vì sản phẩm trong nước chưa đáp ứng được các yêu cầu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm may mặc của Việt Nam vẫn sản xuất theo phương thức gia công đơn giản, thiếu khả năng cung cấp trọn gói. Tỷ lệ xuất khẩu hàng may mặc theo phương thức gia công CMT vẫn chiếm chủ yếu (khoảng 65%), xuất khẩu theo phương thức FOB chỉ khoảng 25% và chỉ có 10% xuất khẩu theo phương thức ODM.  Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng theo điều kiện FOB nên giá trị gia tăng của ngành còn thấp chỉ chiếm khoảng 20% so với kim ngạch xuất khẩu, tỷ suất lợi nhuận chỉ khoảng 5-10%.

Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ

Nhìn vào những thực tế trên có thể thấy, suốt một thời gian dài, Việt Nam không có quy hoạch cụ thể nào cho việc phát triển vùng nguyên liệu cho ngành, còn doanh nghiệp trong nước chỉ tập trung may sản phẩm để kinh doanh và xuất khẩu. Điều này cho thấy, chuỗi cung ứng nói chung và nguyên phụ liệu nói riêng vẫn là điểm yếu của ngành dệt may Việt Nam.

Do vậy, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may cần được ưu tiên, sớm thu hút được các tập đoàn đa quốc gia đầu tư công nghệ, vốn, thúc đẩy hình thành hệ thống doanh nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành dệt may.

Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ để ngành dệt may có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo ThS. Phạm Thị Thanh Thanh Viện Đào tạo Quốc tế - Trường Đại học Thương mại, để tăng cường tính tự chủ về nguyên phụ liệu đầu vào, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, về lâu dài, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, cần tập trung ngày từ khâu vật tư cung ứng nguyên phụ liệu “xanh” cho đến khâu sản xuất phân phối.

Trong đó, phải có định hướng quy hoạch cụm công nghiệp hỗ trợ với cơ sở hạ tầng hoàn thiện, tập trung vào các công đoạn có lợi thế cạnh tranh rõ rệt để thu hút đầu tư FDI. Cùng với đó, là sự hỗ trợ về tài chính, chuyên gia, phát huy hiệu quả vai trò của các tham tán thương mại, nhằm giúp ngành dệt may tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, kể cả chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, từ đó tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Cũng theo ThS, Phạm Thị Thanh Thanh, bản thân các doanh nghiệp dệt may, cũng cần thay đổi tư duy dài hạn về tái cấu trúc chuỗi cung ứng, định vị lại vị thế của mình, không chỉ đơn thuần là gia công công đoạn, mà phải FOB, ODM hay OBM (sở hữu nhãn hàng riêng). Đồng thời thai đổi nhận thức về tầm quan trọng của “chuỗi cung ứng bền vững”, chủ động linh hoạt trong việc tìm kiếm, phát triển nguồn cung ứng nguyên liệu…

Mới đây, Bộ Công thương cũng đã có tờ trình gửi Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc tiếp thu các ý kiến với dự thảo sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách ưu đãi mới được đề xuất. Trong đó có các chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ doanh nghiệp, cấp bù chênh lệch lãi suất lên tới 3%/năm… Theo dự thảo, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển gồm có ngành dệt may, da giày, điện tử, sản xuất và lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo.


Tác giả: Hà Trang

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website