A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực cơ khí: chất hơn lượng

Trong khi dòng vốn FDI trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 thì FDI vào Việt Nam vẫn tăng trưởng.
 

Cơ khí chế biến, chế tạo chiếm chiếm 47,2% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 7 tháng 2021. Lĩnh vực cơ khí, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI. Vậy Việt Nam cần làm gì để tận dụng nguồn vốn FDI nhằm phát triển ngành cơ khí?

Công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu dòng vốn FDI

Trong khi dòng vốn FDI trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 thì FDI vào Việt Nam vẫn tăng trưởng.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2021, vốn FDI tăng. Cụ thể, tính đến 20/7/2021, vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam ước đạt 10,5 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ đầu năm đến nay, tổng vốn FDI đăng ký mới, vốn điều chỉnh và vốn góp, mua cổ phần, mua cổ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 16,7 tỷ USD, bằng 88,9% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 11,1%.

Đáng chú ý, lượng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh. Trong 7 tháng qua, cả nước có 1.006 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trải rộng vào 18 ngành, lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu thu hút đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 7,9 tỷ USD, chiếm 47,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là các lĩnh vực sản xuất, phân phối điện; kinh doanh bất động sản; bán buôn, bán lẻ; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ…

Trong 7 tháng qua, có 86 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư 5,92 tỷ USD. Nhật Bản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 2,54 tỷ USD. Đặc biệt, nguồn vốn FDI đến từ Singapore và Nhật Bản chủ yếu theo hình thức đầu tư mới, chiếm lần lượt 81% và 68,3% tổng vốn đăng ký của hai quốc gia này.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu quý III/2021, Ngân hàng UOB (trụ sở tại Singapore) nhận định dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam vẫn tích cực trong năm nay dù dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Tâm lý tích cực từ các nhà đầu tư được phản ánh trong cả hạng mục đầu tư hiện hữu và cấp mới.

Nhiều chuyên gia cho biết sự chuyển dịch về đầu tư có sự thay đổi tích cực trong những năm gần đây, trong đó, vốn đầu tư ngày càng tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực chế biến, chế tạo. Một lượng lớn vốn FDI vẫn đang tiếp tục tìm đường vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp cơ khí...

Lĩnh vực cơ khí, chế tạo sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đón đầu xu thế, các doanh nghiệp có vốn FDI hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chế tạo đang có xu hướng tăng đầu tư dự án sản xuất công nghệ cao.

Tổng cục Thống kê cho rằng, sự phát triển của các nhà đầu tư FDI lớn, công nghệ cao tại Việt Nam sẽ là bước khởi đầu cho làn sóng đầu tư mới. Dòng vốn FDI vào lĩnh vực chế biến chế tạo, sản xuất và phân phối điện sẽ góp phần tạo động lực cho nền kinh tế.

Tận dụng nguồn vốn FDI phát triển ngành cơ khí

Ngành cơ khí được ví như "trái tim" của ngành công nghiệp nặng Việt Nam, là nền tảng cho sự phát triển kinh tế bền vững của đất nước. Bởi thiếu hoặc không phát triển cơ khí, chúng ta chỉ có thể làm thuê cho nước ngoài với tiền công rẻ mạt.

Công nghiệp cơ khí của Việt Nam hiện đã chế tạo được một số phân ngành sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trong nội địa và khu vực. Nhưng để phát triển bền vững công nghiệp cơ khí, Nhà nước cần có chính sách đặc thù. Đặc biệt, cần xem xét việc bình đẳng các ưu đãi đầu tư giữa doanh nghiệp cơ khí trong nước và doanh nghiệp FDI.

Có một thực tế là hiện phần lớn doanh nghiệp cơ khí trong nước vẫn sản xuất ở trình độ công nghệ 2.0, chỉ rất ít doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đạt trình độ công nghiệp 3.0 (trừ các doanh nghiệp FDI). Trong tương lai, ngành cơ khí Việt Nam cần sự phát triển về nguyên vật liệu, khuôn mẫu, gia công chế tạo chứ không chỉ gia công cắt gọt đơn thuần.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, việc Việt Nam trở thành một trung tâm chế tạo mới của thế giới là hiện thực trong tương lai gần. Việc cần làm là tạo được những đột phá mới trong thu hút FDI.

Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Lê Thủy Trung cho rằng, cần tiếp tục kêu gọi mọi thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực sản xuất cơ khí, đặc biệt là vốn đầu tư từ khu vực FDI. Các bộ ngành và địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước ngành cơ khí theo quy định của pháp luật hiện hành, để thu hút vốn đầu tư và tạo dựng phương thức mới quản trị doanh nghiệp.

Trong khi đó, Giáo sư kinh tế Trần Văn Thọ, từng giảng dạy tại Đại học Waseda, Tokyo, cho biết, nếu Việt Nam có các chính sách hợp lý, hướng mũi nhọn vào các ngành chế tạo phù hợp thì sẽ kéo theo cả công nghệ, vốn và sự quản trị từ các tập đoàn công nghiệp lớn mạnh từ nước ngoài, giúp các doanh nghiệp và ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam từng bước vực dậy. Ngược lại, nếu các chính sách thu hút FDI không tốt thì ngành cơ khí chế tạo nói chung và doanh nghiệp Việt nói riêng sẽ không thể hấp thụ được nguồn lực về công nghệ và khả năng kinh doanh.

Để tận dụng nguồn vốn FDI phát triển ngành cơ khí, Giáo sư Trần Văn Thọ đề xuất cần nghiên cứu và tạo điều kiện để doanh nghiệp FDI nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, cần đối thoại với các tập đoàn lớn sản xuất cơ khí, chế tạo máy... để khuyến khích họ mở rộng đầu tư.

Ông cũng đưa ra giải pháp cụ thể: Chỉ cấp giấy phép cho những dự án có công nghệ cao và đóng góp trực tiếp vào việc chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao. Ngoài ra, khuyến khích các dự án liên doanh với doanh nghiệp bản xứ,…

Việt Nam hiện có điều kiện thuận lợi trong việc thu hút vốn FDI trong chế biến, chế tạo. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đòi hỏi cần có sự chọn lọc trong việc thu hút FDI, chú trọng vào chất lượng của dòng vốn này hơn là số lượng.

Bên cạnh đó, bài toán đặt ra là làm thế nào để khối FDI giúp ích cho nền công nghiệp Việt Nam, nhân sự Việt Nam nắm bắt được công nghệ lõi, tham gia được vào những khâu có hàm lượng công nghệ giá trị cao,…. Hay nói như ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Công Thương trong phiên thảo luận Quốc hội mới đây, làm thế nào tăng tính ràng buộc hơn đối với doanh nghiệp FDI. Phải đảm bảo khi doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam phải có công nghệ thật sự cao, ngành sản xuất của Việt Nam đang thực sự khuyến khích, mang lại giá trị gia tăng lớn. Đồng thời, doanh nghiệp đó phải có lộ trình để các doanh nghiệp trong nước từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, nhất là khâu nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho người lao động Việt Nam trước mắt và lâu dài.

Có như thế, Việt Nam sẽ tận dụng được khối FDI nhằm nâng cao thương hiệu quốc gia thông qua việc nắm bắt những tiến bộ khoa học kỹ thuật, để có được lực lượng nòng cốt cho ngành cơ khí hiện đại trong tương lai.


Nguồn:Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website